Cuốn sách kinh điển "Hoàng tử bé" ra mắt phiên bản tiếng Chăm tại Việt Nam

Tô Sa

(Dân trí) - Phiên bản đặc biệt tiếng Chăm của "Hoàng tử bé" được anh Inrawira Indrajaya (ở An Giang) dịch. Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé tài trợ in 800 cuốn sách tặng học sinh người Chăm tại Việt Nam.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tái bản lần 3 cuốn sách kinh điển Hoàng tử bé (tên gốc tiếng Pháp: Le petit prince) của tác giả Antoine de Saint-Exupéry, dịch giả Nguyễn Tấn Đại. 

Hoàng tử bé được phát hành lần đầu vào năm 1943 tại New York (Mỹ). Đến năm 2013, cuốn sách đã có hơn 1.300 bản dịch khác nhau với hơn 270 ngôn ngữ, bán khoảng 145 triệu bản.

Trong giới nghiên cứu và phê bình cả về văn chương lẫn sư phạm, Hoàng tử bé được xem là tác phẩm mà mọi lứa tuổi, thuộc mọi chủng tộc, qua mọi nền văn hóa, đều có thể đọc và hiểu được một cách dễ dàng.

Trẻ em hiểu Hoàng tử bé theo cách của trẻ em, người lớn hiểu được theo kiểu người lớn, người già lại hiểu được những lớp ngữ nghĩa tiềm ẩn chỉ lộ ra qua trải nghiệm sống của mình.

Cuốn sách kinh điển Hoàng tử bé ra mắt phiên bản tiếng Chăm tại Việt Nam - 1

Bìa sách "Hoàng tử bé" (Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam).

Tại Việt Nam, từ bản dịch đầu tiên năm 1966, tính đến nay đã có hơn chục bản dịch của các dịch giả khác nhau. 

"Tôi hy vọng bản dịch của mình sẽ giữ được các thông điệp quan trọng của tác giả, cũng như nhịp điệu thơ mộng của cuộc hành trình cậu bé khám phá vũ trụ, khám phá chiều sâu tấm lòng con người.

Dù ít nhiều người đã từng đọc qua, hay đọc đi đọc lại nhiều lần, song biết đâu mỗi khi đọc lại chúng ta lại có một khám phá mới mẻ hơn thì sao!", dịch giả Nguyễn Tấn Đại cho hay. 

Phiên bản đặc biệt tiếng Chăm của Hoàng tử bé được anh Inrawira Indrajaya (ở An Giang) dịch. Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé tài trợ in 800 cuốn sách tặng học sinh người Chăm tại Việt Nam.

Cuốn sách kinh điển Hoàng tử bé ra mắt phiên bản tiếng Chăm tại Việt Nam - 2

Phiên bản "Hoàng tử bé" bằng tiếng Chăm (bên phải) (Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam).

Hoàng tử bé kể về cậu bé sống một mình trên tiểu hành tinh B612 bé nhỏ cùng 3 ngọn núi lửa (trong đó một ngọn đã tắt) và một bông hoa hồng đỏm dáng.

Được cậu chăm bẵm hết mực, nhưng bông hoa vẫn thường xuyên tỏ ra cáu bẳn, khó chịu. Không hiểu duyên cớ vì sao, cậu rất đỗi hoang mang, buồn rầu và quyết định du hành sang các hành tinh khác để tìm kiếm một người bạn.

Niềm day dứt khôn nguôi ấy đeo đuổi Hoàng tử bé suốt cuộc du hành, giống như cách cậu đặt câu hỏi và lặp đi lặp lại câu hỏi chừng nào còn chưa nhận được câu trả lời.

Mối nhân duyên kỳ lạ giữa tác giả và nhân vật chính hiển hiện rõ qua từng cuộc gặp gỡ ở mỗi hành tinh Hoàng tử bé ghé chân, qua cách đối đáp và nhìn nhận mọi việc xung quanh lớp nghĩa đơn sơ mà cốt lõi nhất.

Nếu một ai đó nói với bạn rằng tác phẩm này khó hiểu, đừng vội lo lắng nhé! Bạn hoàn toàn có thể "cảm hóa", "làm cho gần gũi hơn", để họ cùng đồng hành với bạn trong cuộc viễn du tìm kiếm một tình bạn, với một tấm lòng yêu thương vô tận.

Hãy bắt đầu câu chuyện bằng lời kể: "Ngày xửa ngày xưa, có một chàng hoàng tử bé sống trên một tiểu hành tinh chỉ vừa lớn hơn người cậu, và cậu mong ước có một người bạn…".

Antoine de Saint-Exupéry sinh năm 1900 tại Lyon (Pháp), là cậu học trò khó bảo, nhưng mơ mộng và say mê thơ ca. Năm 1921, ông tham gia lực lượng không quân và học lái máy bay. Bầu trời đã trở thành một niềm đam mê lớn trong đời ông.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, ông được gọi tái nhập ngũ và trở thành phi công chiến đấu. Năm 1941, ông định cư tại Mỹ, viết nhiều thư từ trao đổi với một người bạn đang sống lưu vong tên là Léon Werth.

Về sau các bức thư này đã được tập hợp lại trong tác phẩm Thư gửi một con tin (1944). Cũng tại Mỹ, ông đã cho ra đời các tác phẩm Phi công chiến đấu (1942) và Hoàng tử bé (1943).

Ngày 31/7/1944, trong chuyến bay thực hiện nhiệm vụ lần thứ 10 của mình, Antoine đã không bao giờ trở lại.

Sau khi ông mất tích, các tác phẩm của ông chưa kịp công bố đã lần lượt được xuất bản: Thành trì (1948), Thư thời tuổi trẻ (1953), Sổ tay (1953), Ý nghĩa cho cuộc đời (1956), Chuyện thời chiến (1962).

Đến nay, Antoine được biết đến nhiều nhất với tác phẩm kinh điển Hoàng tử bé.

Dịch giả Nguyễn Tấn Đại, 45 tuổi, là nhà nghiên cứu về giáo dục và truyền thông khoa học, sinh sống và làm việc tại TPHCM. Bản dịch Hoàng tử bé của ông được xuất bản lần đầu năm 2005.

Bản dịch này đã được hiệu chỉnh lần một vào năm 2011, biên tập bổ sung lần hai năm 2020. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chính thức xuất bản lần 2 (2021), tái bản có chỉnh sửa (2022) và tiếp tục tái bản lần 3 (2023).

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cùng Viện Pháp tại Hà Nội, trường Tiểu học Nghĩa Tân tổ chức sự kiện Theo dấu chân Hoàng tử bé.

Thời gian: 8h30 - 10h, ngày 26/9.

Địa điểm: Trường tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Các hoạt động chính tại buổi giao lưu:

- Trưng bày sách Hoàng tử bé bản tiếng Chăm. 

- Trưng bày tranh vẽ Hoàng tử bé.

- Trưng bày áo dài Hoàng tử bé.

- Giao lưu với ông Jean-Marc Probst - Giám đốc Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé.

- Giao lưu với dịch giả Nguyễn Tấn Đại.