Ra mắt bộ sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên”
(Dân trí) - Bộ sách đồ sộ và quý giá “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên” (còn gọi là Hội Điển Tục Biên) với đầy đủ 10 tập tương đương với 61 quyển kể về triều Nguyễn.
Bộ sách với nhiều điều thú vị về triều Nguyễn
Bộ sách ghi chép lại khá đầy đủ, chính xác các hoạt động của triều Nguyễn ở nửa sau thế kỷ XIX, tương đương với thời kỳ làm vua của Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Đây là một giai đoạn lịch sử có rất nhiều biến động bởi âm mưu và hành động xâm lược của thực dân phương Tây. Trước tình hình ấy, triều Nguyễn phải vừa tìm cách đối phó vừa phải thay đổi nhiều luật lệ cũ để thích ứng với một xã hội đã có nhiều thay đổi. Mặt khác, trong các vua Nguyễn, có thể xem Tự Đức là vị vua có kiến thức uyên bác và tài hoa nhất về văn chương, chữ nghĩa. Dưới thời ông, Nho giáo và việc học hành thi cử được đặc biệt chú trọng. Toàn bộ những đặc điểm trên được phản ánh rất rõ trong Hội Điển Tục Biên.
Chúng ta sẽ đọc được những thông tin rất cụ thể về việc thay đổi cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của triều Nguyễn khi xem phần Cơ Mật Viện (quyển (q) 2), Bộ Lại (q3-q10). Các chủ trương chính sách về kinh tế của triều Nguyễn ở nửa sau thế kỷ XIX thì được thể hiện rất rõ qua phần Bộ Hộ (q11-q16).
Phần chiếm tỉ trọng lớn và rất đáng chú ý của bộ Hội điển tục biên là phần Bộ Lễ (q17-q33). Sự quan tâm đặc biệt về giáo dục, khoa cử; các nghi thức và lễ hội cung đình, các chính sách về xã hội... của triều Nguyễn được thể hiện rất cụ thể trong phần này. Đặc biệt, tại phần Bộ Lễ có nhiều thông tin rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu và có thể làm chấm dứt nhiều cuộc tranh luận, như: các chữ húy được quy định trong thời Nguyễn..
Nghiên cứu phần Bộ Binh (q34-q37) và Bộ Hình (q38-q43), người ta sẽ thấy rõ thái độ của triều Nguyễn đối với an ninh của đất nước trước các hiểm họa xâm lăng qua các chủ trương, chính sách rất cụ thể.
Phần Bộ Công (q44-q49) có lẽ sẽ là phần đáp ứng được nhiều nhất cho các nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ, những người làm công tác bảo tồn, trùng tu di tích... . Đáng chú ý nữa là, tại phần này có nhiều thông tin mới, sẽ làm sáng tỏ rất nhiều về việc xây dựng Khiêm Lăng và cách thức mai táng vua Tự Đức, một vấn đề xưa nay vẫn được xem là đầy bí ẩn và đã bị không ít người xuyên tạc.
Các quy định khá cụ thể về việc xây dựng Bồi lăng (lăng vua Kiến Phúc), Tư lăng (lăng vua Đồng Khánh), Hân Vinh Từ Đường... cũng là những thông tin hết sức quý cho việc nghiên cứu về các di tích này.
Phần Bộ Công cũng cho thấy rõ cách thức tổ chức và hoạt động của các tượng cục cuối thời Nguyễn sơ. Sự tồn tại của tượng cục Pháp lam đến tận thời Đồng Khánh, hay sự tham gia với số lượng đông đảo của các tay thợ lành nghề miền Bắc tại kinh đô Huế trong giai đoạn này hẳn sẽ làm nhiều người rất ngạc nhiên.
Các phần còn lại, thuộc 11 quyển cuối cùng (q50-q60), tuy khá ngắn nhưng hết sức quý vì chúng sẽ bổ sung nhiều thông tin cụ thể về bộ máy tổ chức và hoạt động của những cơ quan quan trọng của triều Nguyễn trong nửa sau thế kỷ XIX, như : Nội Các (Q50), Đô Sát Viện (Q51), Đại Lí Tự (Q52), Thị Vệ Xứ & Cẩn Tín Ty (Q53), Phủ Nội Vụ (Q54), Võ Khố(Q55), Thương Trường (Q56), Khâm Thiên Giám (Q57) ...
10 năm cho bộ sách đồ sộ ra đời
Dù vẫn còn không ít khiếm khuyết nhưng với 15 tập sách, tổng cộng đến hơn 7.600 trang chữ tiếng Việt, chứa đựng những nguồn thông tin hết sức phong phú về triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, công trình trên đã gây được sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu và được bạn đọc chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, sau khi đọc Hội điển, người ta lại mong chờ những phần tiếp theo của bộ sách này, bởi Hội điển mới chỉ là phần ghi chép các điển chương, pháp chế, các chiếu chỉ, chỉ dụ, sớ, tấu... của triều Nguyễn từ năm Gia Long thứ 1 (1802) đến năm Tự Đức thứ 4 (1851). Phần tiếp theo ấy thuộc về bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên vẫn chưa được dịch và xuất bản.
Bộ Hội điển tục biên gồm 60 quyển chính và quyển Mục lục, cách sắp xếp các nội dung ghi chép về cơ bản gần tương tự như bộ Hội điển.