Cười nghiêng ngả với hài kịch “Thị Hến”
(Dân trí) -“Thị Hến” là vở diễn mới của NSND Lê Khanh được ra mắt công chúng tối ngày 10/12 tại nhà hát Tuổi trẻ. Với lối dàn dựng theo phương thức xã hội hóa, kết hợp nghệ thuật ước lệ của chiếu chèo, vở diễn đã mang lại cho khán giả những trận cười nghiêng ngả.
Giữa thời buổi mà các loại hình sân khấu đang ở mức báo động bởi không khí ảm đạm, buồn thiu vì vắng khách, việc các ghế ngồi ở nhà hát Tuổi trẻ tối ngày 10/12 chật kín không thừa một chỗ cho vở “Thị Hến” là một dấu hiệu đáng mừng. Vở diễn có sức lôi cuốn bởi nó được làm “mới hóa” trên nền chất liệu cũ là câu chuyện “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” vốn đã quen thuộc trong dân gian.
Đã từng tạo dấu ấn trong vở “Nhà Ôsin” - tác giả Nguyễn Huy Thiệp bởi cách dàn dựng theo phong cách hiện đại, đan xen những thể loại nghệ thuật đương đại như hiphop, rap một cách hài hòa. Ở “Thị Hến” NSND Lê Khanh lại bất ngờ mang đến những nét mới trên nền sử dụng tính ước lệ của chiếu Chèo ở sân khấu truyền thống để làm tăng tính châm biếm sâu cay và thể hiện ý đồ tác giả.
Ốc – gã trộm lành hiền, ngờ nghệch cõng thầy bói Nghêu mù đi ăn trộm được một món đồ ở nhà Lão trùm Sò giàu nứt đố đổ vách nhưng ti tiện, giả nghĩa giả nhân, bóc lột người dân đói khổ, rồi đem đến bán cho nhà Thị Hến, một góa phụ đẹp đến mặn mòi, nghiêng ngả. Không may bị Xã Trưởng bắt quả tang, giải Hến lên quan trên xét xử.
Trên Công đường nơi “xét xử không cần lí, hơn thua tại đồng tiền, đứa nào nào chống lại thì tống vào nhà lao cho mọt xác rũ xương”. Từ Quan huyện đến Thầy đề, lính lệ rặt một lũ hám gái tham tiền đều ngả nghiêng nghiêng ngả trước góa phụ mong manh sắc xảo. Thị Hến bày mưu cho cả lũ cùng chui vào một rọ phơi bày bộ mặt thật của lũ quan tham, hám gái đến bẽ bàng.
Cùng xem clip trích đoạn trong "Thị Hến".
Tuy nhiên nét mới lôi cuốn khán giả đến với “Thị Hến” đó là các nhân vật được tạo nên bởi cá tính riêng, dù “bỉ ổi”, “vô lương” như bọn quan lại hay một nàng Hến xinh đẹp “khéo, khôn”…cũng đều trở nên sinh động, hấp dẫn.
Cái cũ được đan xen trong cái mới khi đạo diễn NSND Lê Khanh đã làm nổi bật tiếng cười ở cả hai tuyến nhân vật “hề áo dài” và “hề áo ngắn”. Những tình tiết trong câu chuyện xoay quanh 3 nhân vật đại diện cho pháp luật từ cấp dưới đến cấp trên là Xã trưởng, Thầy đề và Quan huyện trong những toan tính, mưu mô để rượt đuổi cho được cô Hến đã mang đến những trận cười sảng khoái, thích thú cho người xem. Với lối diễn xuất “tự nhiên như không” tầng lớp quan lại tự bộc lộ bản chất tham lam, ngu dốt của mình nhằm tạo nên tiếng cười mang tính châm biếm sâu cay. Còn cô Thị Hến thông minh, khôn khéo đã “tạo cơ hội” để bọn quan tham tự “cởi trần” tính cách qua lớp quan áo hào nhoáng của đồng tiền, địa vị.
Nhạc cụ được sử dụng trong chèo tương đối phong phú, bao gồm các nhạc cụ gõ và các nhạc cụ ti trúc. Chiếc trống – hình ảnh chủ đạo không thể thiếu được trong không khí chèo được sử dụng một cách triệt để từ đầu đến khi kết thúc. Ở “Thị Hến” không khí của vùng đồng bằng Bắc Bộ còn dày đặc tiếng lợn, gà, trâu, bò, ốc, ếch… hay tiếng vo ve của côn trùng về đêm được tạo nên hoàn toàn bằng sự “giả giọng” của con người. Đây cũng là chất liệu mới tạo sự tự nhiên như chính cuộc sống vốn có của người dân thời bấy giờ.
Cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người dân hiền lành, chất phác luôn thắng khi đối đầu với bọn quan tham… Bài học mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc một lần nữa được khẳng định ở “Thị Hến” của đạo diễn, NSND Lê Khanh. Thổi hồn vào chất liệu cũ những nét mới, vở hài kịch “Thị Hến” đã mang đến cho người xem những trận cười sảng khoái, hả hê của việc “chính” luôn thắng “tà” dù là ở thời điểm nào của xã hội.
Phạm Oanh