Cuộc thi ảnh vừa công bố đã gây tranh cãi
Theo nhiều nhiếp ảnh gia, trong số các ảnh đoạt giải chỉ lác đác vài tấm thể hiện được tiêu chí cuộc thi, còn lại là lạc đề hoặc không thuyết phục, nhất là ảnh đoạt những giải cao nhất
Ngày 8-8, triển lãm ảnh đoạt giải của cuộc thi Liên hoan Ảnh khu vực TP HCM lần thứ 5-2015, do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức với chủ đề “TP HCM, 40 năm đổi mới”, sẽ diễn ra tại TP HCM. Tuy nhiên, khi kết quả cuộc thi vừa được công bố, tranh cãi của người trong giới đã nổ ra, nhiều nhiếp ảnh gia (NAG) không đồng tình với kết quả này.
Huy chương vàng chưa xứng đáng?
Cuộc thi lần này thu hút hơn 600 tác phẩm tham dự của hơn 100 tác giả. Trong đó, tác phẩm “Phố đi bộ” của tác giả Nguyễn Thị Thu Ba đoạt huy chương vàng (HCV) đã gây nhiều tranh luận.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng “Phố đi bộ” tuy chụp công trình mới nhất ở trung tâm TP HCM nhưng cách thể hiện rất bình thường, ai cũng có thể chụp được, kể cả người mới chụp ảnh. Thời điểm chụp, góc chụp không mới; kỹ thuật phơi sáng được vận dụng nhưng phơi quá lâu dẫn đến mảng sáng ở tòa nhà UBND TP HCM và tượng đài Bác Hồ bị dư sáng, mất hết chi tiết, nhìn không rõ. Những vòi nước phun lên cũng không nhìn rõ, tóm lại không thể hiện được cái đẹp của tác phẩm. Đặc biệt, khi thể hiện chủ đề “Phố đi bộ”, tác giả chưa mô tả được sự thong dong, nhẹ nhàng, thư thái của người dân và du khách, xem ảnh có cảm giác như những “bóng ma”, nhòe nhoẹt...
“Ngoài “Phố đi bộ” đoạt HCV, những tác phẩm đoạt giải cao khác chưa thể hiện rõ nét chủ đề “TP HCM, 40 năm đổi mới”, như: “Vắt sữa bò”, “Sắc màu tuổi trẻ” - NAG Ngô Đình Hoàng nhận xét.
Theo ông Hoàng Thạch Vân - Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM (HOPA), thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo Liên hoan Ảnh khu vực TP HCM lần 5 - cuộc thi năm nay bám sát chủ đề và tác phẩm “Phố đi bộ” đoạt giải là xứng đáng vì nó mang tính thời sự, phản ảnh công trình mới nhất của TP. Kỹ thuật chụp ảnh của tác giả rất tốt, bố cục cân đối, phơi sáng tốt giúp hình ảnh khách tham quan có tính động và tĩnh, các vòi nước ở phố đi bộ làm cho hình ảnh tráng lệ.
“Tôi nghĩ cuộc thi này không có ảnh nào hay hơn “Phố đi bộ”. Nếu nói nhiều ảnh năm nay chụp vẫn chưa có tính mới mẻ là do NAG không gửi tác phẩm nào mới hơn nữa nên ban giám khảo phải chấm những ảnh từng thể hiện rồi” - ông Vân nhận xét.
Bên cạnh các giải chính, cuộc thi lần này còn có giải chuyên biệt với chủ đề “TP HCM 40 năm đổi mới”. Tuy nhiên, tác phẩm “Bến Nhà Rồng hôm nay” đoạt HCV cũng khiến không ít người thất vọng: Góc chụp không mới, nội dung ảnh chưa nói lên được vẻ đẹp của dòng sông. So sánh với tác phẩm cùng chủ đề của NAG trẻ Nguyễn Anh An vượt trội mọi mặt, một NAG cho rằng cách chấm giải như vậy sẽ khó khuyến khích được giới nhiếp ảnh trẻ tham gia.
Một NAG đã thốt lên: “Năm nào chấm giải xong, kết quả cũng làm mọi người chưng hửng! Hội kêu gọi sáng tác mới, góc nhìn mới... mà tư duy chấm ảnh của hội thì vẫn cũ! Nhiếp ảnh có phát triển hay không là tùy thuộc vào cách chấm giải. Chấm như vậy hoài sẽ chẳng ai còn quan tâm đến giải nữa”.
NAG Nguyễn Anh An cho biết anh có xem trực tiếp những buổi chấm điểm và thấy tác phẩm “Hòn ngọc Viễn Đông” của mình được vài giám khảo cho điểm cao. Sau đó, anh hết sức bất ngờ khi ảnh của mình không được giải nào. “Tôi tham dự cuộc thi này vì muốn đem tác phẩm đẹp nhất của mình để mọi người cùng nhìn ngắm. Tôi không nghĩ tác phẩm của mình là xuất sắc tuyệt đối nhưng nhìn những bức ảnh đoạt giải, từ giải cao đến giải thấp, đều chưa thuyết phục lắm” - anh bày tỏ.
Lùm xùm chuyện ban giám khảo
Những lùm xùm về cách chấm giải ở các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước lâu nay vẫn diễn ra thường xuyên. Năm 2014, tại buổi trao giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật TP HCM lần thứ 4, nhiều NAG lão thành đã lên tiếng về chất lượng nghệ thuật của những bức ảnh được triển lãm.
Không chỉ tranh cãi về tác phẩm đoạt giải lần này, những nghi vấn về cách chấm giải thiếu trung thực, không khách quan cũng được người trong giới bàn tán đủ kiểu. Từ chuyện vì sao quyết định thành lập ban giám khảo ban đầu là 5 nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội đồng Nghệ thuật thuộc VAPA nhưng thực tế khi chấm giải chỉ có 2 người, 3 người còn lại đã thay bằng 3 người khác của Hội đồng Nghệ thuật thuộc HOPA; đến việc có hay không giám khảo châm chước, ủng hộ cho “gà nhà”; rồi dư luận cho rằng ảnh đẹp bị loại để người xem khỏi phải so sánh với ảnh đoạt giải…
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật HOPA, ông Bùi Minh Sơn, cho biết vào giờ chót, 3 nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn, Lê Hồng Linh và Nguyễn Hoài Linh đều bận việc gia đình nên ban tổ chức phải thay bằng các giám khảo thuộc HOPA là Đồng Đức Thành, Hoàng Thạch Vân và Nguyễn Quang Phúc. Giải thích vì sao phải là các giám khảo của HOPA, ông Sơn cho rằng vì cuộc thi này dành riêng cho khu vực TP HCM, mà những giám khảo này có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về ảnh ở TP hơn. Việc thay giám khảo là điều kiện khách quan, không hề có khuất tất nào ở đây.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Trung Thủy, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Gia Định, sở dĩ có những đồn đoán về chất lượng ban giám khảo sau mỗi cuộc thi cũng là vì việc phân bổ giám khảo chấm ảnh hiện nay chưa theo chuẩn mực nào cụ thể. Ban giám khảo rất quan trọng nhưng ban tổ chức của cuộc thi không mời người chấm thi dựa trên sự hiểu biết của họ về lĩnh vực đó mà mời theo sự quen biết.
Thêm nữa, hiện vẫn còn tình trạng một số NAG “được lòng” thành viên ban giám khảo thì được ưu ái hơn những NAG khác, làm cho các tay máy trẻ mất niềm tin đối với phong trào. Một yếu tố nữa là trong bất kỳ cuộc thi nào cũng có đại diện của đơn vị nơi diễn ra cuộc thi tham gia khiến ban giám khảo phải châm chước chấm ảnh điểm cao, “lơ” đi về mặt ngôn ngữ nghệ thuật.
Ngày càng ít tác giả tham gia
HOPA có 430 hội viên nhưng cuộc thi ảnh khu vực TP HCM năm nay chỉ thu hút 103 tác giả, chưa kể lực lượng trẻ ngoài hội. Vì vậy, nhiều người đã đặt câu hỏi là tại sao không ai gửi những tác phẩm mới, tác phẩm tốt? “Ngày càng ít NAG tham gia các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước vì họ chán nản với tư duy chấm giải của ban giám khảo. Nếu có thi, họa chăng, họ cần tích điểm để được kết nạp vào VAPA” - một NAG đề nghị không nêu tên lý giải.
Theo Ngọc Lê
Người lao động