Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên từng tỏa sáng tại Oscar

(Dân trí) - Họ là những diễn viên tỏa sáng trên màn ảnh ngay từ vai diễn đầu tiên, tuy vậy, tài năng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với vận may, tiền tài, danh tiếng...

Nam diễn viên trong phim “Captain Phillips” (2013) đang sống trong cảnh “rỗng túi”

Nam diễn viên người Mỹ gốc Somali - Barkhad Abdi - vừa nhận được đề cử ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải Oscar 2014 với vai diễn ấn tượng trong phim “Captain Phillips” (Thuyền trưởng Phillips).

Đây là vai diễn đầu tiên của nam diễn viên 28 tuổi, tuy vậy, với sự khởi đầu suôn sẻ này, Abdi đã sớm được đến gần với vinh quang mà nhiều diễn viên Hollywood vẫn thèm muốn.

Để có thể tham gia đóng phim, Abdi đã bỏ việc ở cửa hàng bán điện thoại. Tuy vậy, giờ đây - hai năm sau khi tham gia diễn xuất trong “Captain Phillips” - tiền đã tiêu hết mà Abdi vẫn chưa nhận được lời mời đóng phim tiếp theo, anh đã hoàn toàn “rỗng túi”.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar

Nhiều người sẽ cho rằng nam diễn viên Barkhad Abdi thật may mắn khi nhanh chóng có được danh tiếng với đề cử Oscar ở ngay vai diễn đầu tiên.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar

Tuy vậy, ít ai biết rằng giờ đây, cuộc sống của anh còn chật vật hơn cả thời là nhân viên bán hàng thuê. Hiện tại, Abdi đang thất nghiệp.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar

Nam diễn viên Tom Hanks vào vai thuyền trưởng Richard Phillips trong bộ phim lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật xảy ra năm 2009, khi con thuyền Maersk Alabama bị cướp biển tấn công. Lúc này, thuyền trưởng Phillips bị cướp biển Ấn Độ Dương bắt làm con tin. Trong phim, nam diễn viên Barkhad Abdi vào vai thủ lĩnh toán cướp.

Dù nhận được nhiều giải thưởng điện ảnh với vai diễn đầu tiên này, nhưng một thực tế là giải thưởng không đồng nghĩa với… tiền mặt. Vì vậy, dù thời gian gần đây, thường xuyên xuất hiện trên thảm đỏ các sự kiện điện ảnh nhưng cuộc sống của Abdi thực tế rất khó khăn.

Vốn là một người lao động bình thường, anh Abdi không có nhiều tích lũy về mặt kinh tế. Sau 2 năm tham gia đóng phim, giờ đây, tiền cát-xê mà đoàn làm phim từng trả cho anh đã hết nhẵn, chưa tìm được việc mới và cũng chưa nhận được lời mời đóng phim nào, Abdi hiện đang có một cuộc sống không lấy gì làm dễ chịu.

Hiện tại, đi đâu, anh cũng phải nhờ một người bạn tốt bụng cho ngồi nhờ xe. Bộ vest lịch lãm mà người ta thấy Abdi mặc đi dự các sự kiện cũng là đi thuê. Dù cuộc sống khó khăn là vậy nhưng Abdi rất thích nghề diễn viên và dự định sẽ chuyển tới sống hẳn ở thành phố Los Angeles để có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp diễn xuất.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar


Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar

Cách đây hai năm, Abdi được đoàn làm phim “Captain Phillips” trả cát-xê 65.000 đô la (gần 1,4 tỉ VNĐ). Đến giờ, khi phim đã đạt được những thành công nhất định cũng là khi Abdi bắt đầu sống chật vật vì tiền cát-xê đã cạn.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar

Đôi khi người ta thấy Abdi lái xe hơi đẹp, mặc vest xịn, nhưng thực tế, tất cả những thứ đó đều không thuộc quyền sở hữu của Abdi. Đoàn làm phim tuy có thuê xe cho anh đi lại, nhưng chỉ dành cho những sự kiện phục vụ trực tiếp cho việc quảng bá phim.

Hiện tại, Bakhad Abdi đã “rỗng túi”, ngoài tiền tiêu vặt hàng tuần mà nhà sản xuất hỗ trợ, anh hiện không có nguồn thu nào khác: “Tôi chưa bao giờ coi mình là người nổi tiếng. Tôi chỉ coi danh tiếng bình thường thôi. Tôi cũng chẳng quan trọng việc phải mua được thứ nọ thứ kia, tôi sống đơn giản lắm. Nếu có tiền, tôi sẽ mua một chiếc xe hơi bình dân để phục vụ đi lại”.

“Captain Phillips” được đề cử tổng cộng 6 giải Oscar, hiện đã thu về hơn 217 triệu đô la tiền vé so với mức kinh phí đầu tư 55 triệu đô la. Khi mới bắt đầu đóng phim, Abdi nhận được số tiền cát-xê 65.000 đô la, kể từ đó đến nay, dù bộ phim đã thành công lớn nhưng anh không nhận thêm được bất cứ khoản tiền thù lao nào.

Trailer phim “Captain Phillips”

Nam diễn viên Lamberto Maggiorani trong phim “Bicycle Thieves” (1948) lóe sáng một lần rồi vụt tắt

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar


Lamberto Maggiorani đến với điện ảnh như một cuộc chơi. Anh là một diễn viên vô danh, trước khi tham gia vào “Bicycle Thieves” (Kẻ cắp xe đạp), anh chưa từng diễn xuất, nhưng với vai diễn đầu tiên này, Lamberto Maggiorani đã trở nên nổi tiếng. Bộ phim “Bicycle Thieves” do Maggiorani đóng vai chính được coi là một trong những siêu phẩm điện ảnh của Ý.

Phim nhận được giải danh dự tại Oscar 1950, trở thành phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất được chiếu tại Mỹ năm 1949-1950.

Trước năm 1949, giải Oscar vẫn chỉ trao cho những bộ phim nói tiếng Anh, chưa có giải dành cho phim nước ngoài, nhưng sự thành công của “Bicycle Thieves” tại Mỹ khi đó đã khiến Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ phá lệ và dành giải thưởng danh dự cho phim.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar


Từ những năm sau, trong các hạng mục của giải Oscar có bổ sung thêm giải dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. “Bicycle Thieves” vì vậy được xem là bộ phim nước ngoài đầu tiên đoạt giải Oscar.

Đạo diễn của phim - De Sica - từng lang thang khắp các đường phố Rome để tìm được một diễn viên ưng ý. Một hôm, ông tình cờ gặp Lamberto Maggiorani đang cùng vợ con rong chơi trên một chiếc xe đạp.

Người đàn ông 39 tuổi, dáng cao gầy, khuôn mặt hiền lành đó đã khiến De Sica chạy theo và mời đóng phim. Maggiorani đã ưng thuận.

Sau khi phim quay xong, Maggiorani trở về với công việc của một công nhân ở nhà máy luyện kim. Trở lại làm công nhân nhưng Maggiorani vẫn chờ đợi những lời mời đóng phim tiếp theo.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar


Một hôm, ban quản lý nhà máy sa thải anh, Maggiorani bắt đầu rơi vào cảnh nghèo khó giống như chính cuộc sống của nhân vật mà anh đảm nhận trong phim “Bicycle Thieves”.

Sau vai diễn thành công đầu tiên, cái duyên với điện ảnh của Maggiorani dường như đã hết, anh chỉ được mời đóng những vai rất phụ, rất mờ nhạt trong những bộ phim không để lại dấu ấn.

Năm 1983, sau một cơn bạo bệnh, Lamberto Maggiorani - “Kẻ cắp xe đạp” lừng danh - đã trút hơi thở cuối cùng tại Rome, thọ 73 tuổi, chấm dứt cuộc đời bi kịch của một diễn viên “lóe sáng một lần rồi vụt tắt”.

Trailer phim “Bicycle Thieves”

Nam diễn viên Thinle Lundup Lama trong phim “Himalaya” (1999) và đóng góp không được đền đáp xứng đáng

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar


“Himalaya” (1999) là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Nepal được xướng tên trong danh sách đề cử của giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Trong khi đạo diễn và các diễn viên của phim đã đạt được những thành công mới trong sự nghiệp, một phần nhờ vào sự thành công bất ngờ của “Himalaya” thì nam diễn viên nghiệp dư cao tuổi Thinle Lundup Lama, 73 tuổi, diễn viên chính của phim, đang phải sống trong cảnh nghèo đói.

Ông Lama hiện đang sống ở ngôi làng Upper Dolpa, nơi người dân hay phải chịu cảnh thiếu đói vì mất mùa.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar


“Himalaya” kể về cuộc sống của những người chăn bò. Trong phim, ông Lama vào vai một tù trưởng. Bộ phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ bạn bè quốc tế, đem lại một cái nhìn mới về điện ảnh và đất nước Nepal.

Cuộc sống của ông Lama trước và sau khi tham gia bộ phim này chẳng có gì thay đổi. “Giờ đây, tôi trở nên nổi tiếng ở cái làng nghèo khó này. Nhiều khách du lịch tìm tới chụp ảnh cùng tôi…”, ông Lama cho biết.

Cuộc sống khốn khổ của những diễn viên tỏa sáng tại giải Oscar


Dù góp phần mang lại thành công cho bộ phim, nhưng ông Lama thậm chí còn không được mời tham dự lễ trao giải Oscar, không được tham gia vào các sự kiện quảng bá phim…

“Khi tham gia đóng phim, tôi được trả gần 4 đô la/ngày. Quá trình quay kéo dài 9 tháng. Mọi người trong làng tưởng tôi nhận được nhiều tiền lắm nhưng giá trị đồng tiền đã thay đổi rất nhiều, tính đến nay, chẳng còn là bao”.

Ông Lama cho biết ông thực sự muốn được tiếp tục đóng phim nhưng chẳng còn cơ hội nào tới với một người già như ông. Kể từ ngày bộ phim đóng máy, ông Lama lại tiếp tục phải lần hồi kiếm ăn từng bữa.

Trailer phim “Himalaya”

Bích Ngọc
Tổng hợp