Cuộc đời và nghiệp diễn của NSƯT Hoàng Yến qua lời kể của nhiều nghệ sĩ

(Dân trí) - Trong ký ức của nhiều nghệ sĩ, NSƯT Hoàng Yến không chỉ là một nghệ sĩ tài năng, một đời tận tuỵ với nghề mà còn là một nhân cách lớn.

Dấu ấn diễn xuất qua nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng

NSƯT Hoàng Yến sinh năm 1933 tại phố cổ Hà Nội. Bà đam mê điện ảnh nên đã đăng ký theo học và trở thành diễn viên khóa I của Trường Điện ảnh nay là Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Tốt nghiệp, bà về công tác tại Đoàn kịch - điện ảnh của Xí nghiệp Phim Truyện Việt Nam (sau này là Hãng phim truyện Việt Nam).

Cuộc đời và nghiệp diễn của NSƯT Hoàng Yến qua lời kể của nhiều nghệ sĩ - 1

Nghệ sĩ Hoàng Yến trong phim "Bao giờ cho đến tháng 10".

NSƯT Hoàng Yến đã tham gia rất nhiều phim điện ảnh lẫn phim truyền hình. Có thể kể đến vai bà Hiến trong phim “Bao giờ cho đến tháng 10”, vai bà cố Hồng trong phim “Số đỏ”, vai vợ cả Bá Kiến “Làng Vũ Đại ngày ấy”, vai mẹ Bình trong “Cây bạch đàn vô danh” vai mẹ Kim Đồng trong phim “Kim Đồng”, “Ngày ấy bên bờ sông Lam”, “Người về đồng cói”, “Của để dành”, Người ở bến sông”, "Hoa xuyến chi"...

Trong số các phim này, vai bà cô Thị Nở - một phụ nữ nông thôn đáo để, chua ngoa và nghiêm khắc với cô cháu gái... là một vai rất khác của NSƯT Hoàng Yến. Vì sau này, phần lớn đạo diễn tin tưởng giao cho bà vai người mẹ Việt Nam hiền hậu, tốt bụng, hết lòng yêu thương con cái.

NSƯT Thanh Loan kể, bà đóng chung với nghệ sĩ Hoàng Yến bộ phim “Người về đồng cói” của đạo diễn Bạch Diệp năm 1972. Trong phim, NSƯT Hoàng Yến vào vai bà mẹ của anh thương binh Lê Văn – một người mẹ với những tính cách điển hình của một bà mẹ nông thôn.

“Lúc đó, chị Hoàng Yến còn trẻ lắm. Mặc dù là gái Hà Nội gốc nhưng chị ấy vào vai bà mẹ nông thôn rất thuần thục và nhập tâm. Ở chị Hoàng Yến luôn toát lên một tình yêu nghề mãnh liệt. Mỗi vai diễn chị đều nghiên cứu kịch bản rất kỹ, có thâm nhập thực tế và diễn xuất rất dung dị.

Chị luôn truyền cho thế hệ trẻ lòng đam mê nghề và sự tận tuỵ khi làm nghề. Chị cũng thuộc thế hệ đầu đàn của Hãng Phim truyện Việt Nam và tham gia rất nhiều phim điện ảnh. Có vai chính, có vai phụ... nhưng các vai chị Hoàng Yến đảm nhận đều có những dấu ấn riêng”, NSƯT Thanh Loan chia sẻ thêm.

Cuộc đời và nghiệp diễn của NSƯT Hoàng Yến qua lời kể của nhiều nghệ sĩ - 2

Dù là con gái Hà Nội gốc nhưng khi hoá thân thành những bà mẹ nông thôn NSƯT Hoàng Yến đều diễn rất chân thật và tự nhiên.

“Một nhân cách nghệ sĩ lớn, một người mẹ rất Việt Nam”

Trong hơn 50 năm gắn bó với nghiệp diễn xuất, NSƯT Hoàng Yến đã tham gia hàng trăm bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình. Trong đó, vai diễn để lại dấu ấn sâu sắc nhất là vai bà Vi phim “Của để dành” do NSƯT Đỗ Thanh Hải làm đạo diễn, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Phim quay từ năm 1998 nhưng phát sóng năm 2000.

Theo tìm hiểu, nhân vật bà Vi lúc đầu được đạo diễn Đỗ Thanh Hải “nhắm” đến NSƯT Ngọc Thoa. Tuy nhiên, thời điểm đó sức khỏe của NSƯT Dương Viết Bát - chồng NSƯT Ngọc Thoa đang tính “bằng ngày bằng tháng” nên bà phải từ chối vai diễn để ở nhà chăm sóc chồng. Sau đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hải mời NSƯT Hoàng Yến đảm nhận vai này dù lúc đó tuổi của bà cũng đã khá cao.

Cuộc đời và nghiệp diễn của NSƯT Hoàng Yến qua lời kể của nhiều nghệ sĩ - 3

Hình ảnh trong phim "Của để dành".

NSƯT Đỗ Thanh Hải chia sẻ rằng, trong phim “Của để dành”, vai bà Vi là nhân vật trung tâm nên “va chạm” với tất cả các nhân vật khác. Và dù lớn tuổi nhưng nghệ sĩ vẫn chịu khó học thoại vì thời đó vẫn vừa làm phim, vừa nhắc thoại cho diễn viên. Nam đạo diễn ấn tượng nhất ở NSƯT Hoàng Yến đó là phong thái ứng xử rất thanh lịch, đúng kiểu phụ nữ Hà Nội, có gì không hài lòng chỉ nhẹ nhàng nhắc chứ không bao giờ tỏ thái độ.

“Tôi nhớ nhất trường đoạn bác Hoàng Yến diễn với Hương Mai trong vai bé Luyến. Đó là trường đoạn quan trọng của phim và chỉ có hai bác cháu thôi. Chúng tôi đã chuẩn bị cho trường đoạn đó rất nhiều ngày. Nhân vật của bác Yến chỉ ngồi để xem cảnh đứa bé diễn cảnh nhớ mẹ chứ không thoại nhiều.

Cứ mỗi một cảnh xong bác lại gọi bé Hương Mai ra thủ thỉ. Không biết hai bà cháu nói với nhau điều gì nhưng nhiều khi đoàn chưa quay đã thấy Hương Mai ngồi khóc. Bác làm công tác tâm lý cho một diễn viên trẻ chỉ đóng cháu của mình, đó là điều mà khi nhắc đến bác Hoàng Yến tôi rất nhớ”, NSƯT Đỗ Thanh Hải kể.

Cuộc đời và nghiệp diễn của NSƯT Hoàng Yến qua lời kể của nhiều nghệ sĩ - 4

Nghệ sĩ Hoàng Yến và con gái Hoàng Hương.

NSND Lan Hương cũng cho biết, chính chị là người đã lồng tiếng cho vai bà Vi trong phim “Của để dành” thời đó. Đây là vai diễn mà khi lồng tiếng, có nhiều đoạn chị đã không kìm được cảm xúc.

“Với tôi, bà là “của để dành” của điện ảnh, truyền hình Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu bén duyên với truyền hình tôi đã được làm việc cùng bà. Với bà không có vai diễn nào nhỏ cả. Dù vai ngắn hay vai dài, dù quay ở gần hay ở xa, vất vả tới đâu bà cũng luôn làm việc với tâm thế của một nghệ sĩ lớn. Sự nhân hậu, khiêm nhường của bà luôn khiến tôi ngưỡng mộ và kính trọng.

Là thế hệ vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam nhưng khi có truyền hình bà đã gắn bó với phim truyền hình và cả kịch truyền hình ngay từ những ngày đầu tiên. Bà làm việc với đầy sự tôn trọng, nghiêm túc… chính điều đó đã khiến tôi học hỏi được rất nhiều. Với tôi bà còn là một nhân cách nghệ sĩ lớn, một người mẹ rất Việt Nam”, NSND Lan Hương xúc động nói.

Cuộc đời và nghiệp diễn của NSƯT Hoàng Yến qua lời kể của nhiều nghệ sĩ - 5

Nghệ sĩ Hoàng Yến và con trai Hoàng Phương.

Theo nhiều nghệ sĩ, dù thường được giao những vai khắc khổ trên phim nhưng ngoài đời NSƯT Hoàng Yến có một cuộc sống yên ấm với người chồng là đạo diễn Hồng Minh (từng công tác tại Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam). Các con của ông bà sau này nối nghiệp cha mẹ. Con gái là nghệ sĩ Hoàng Hương – diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, người con trai là Hoàng Phương – công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam.

Thông tin từ gia đình cho biết, tang lễ của NSƯT Hoàng Yến sẽ được cử hành vào hồi 9 - 10h30 ngày 9/7 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm