Cuộc đời thăng trầm của “ông già nổi loạn”

Vẫn tóc dài, râu bạc; vẫn khí khái, hào sảng; vẫn đam mê, hăng say, nghệ sĩ lão thành Hữu Thành miệt mài ngày đêm trên phim trường chưa ngưng nghỉ

Hữu Thành đang được xếp vào hàng các nghệ sĩ lão thành nhất của điện ảnh Việt. Không thể phủ nhận bộ râu, mái tóc bạc cùng dáng dấp nông dân thực thụ của ông thực sự là “của hiếm” của điện ảnh. So với nhiều đồng nghiệp, ông tạo được những vai diễn để đời mang dấu ấn riêng, những vai diễn đạt đến trình độ bậc thầy mà không ai có thể thay thế.

Vai diễn để đời

Ở những vai diễn nông dân hiền lành, cam chịu, thường có rất nhiều diễn viên để đạo diễn lựa chọn. Song, với vai diễn nông dân cứng cỏi, mạnh mẽ thì Hữu Thành là lựa chọn duy nhất.

So sánh ông với người bạn già thân thiết nhất - nghệ sĩ Mai Thành - sẽ thấy cả một sự khác biệt thú vị. Nếu Mai Thành có gương mặt hiền lành, quắc thước thì Hữu Thành lại cứng cỏi, can trường. Nếu Mai Thành ăn nói từ tốn, nhẹ nhàng thì Hữu Thành lại hào sảng, rổn rảng. Nếu Mai Thành hợp với những vai ông giáo, hương làng, hương xã thì Hữu Thành lại hợp với những vai “ông già nổi loạn”.

Nghệ sĩ Hữu Thành và vợ

Nghệ sĩ Hữu Thành và vợ

Diễn viên Nguyễn Hậu cho biết cũng chính vì gương mặt gân guốc của Hữu Thành mà ông bén duyên với điện ảnh. Năm đó, đạo diễn Vinh Sơn cần một diễn viên già đóng vai thầy tu có dáng dấp phong trần, giang hồ trong phim Đất phương Nam. Sau nhiều ngày nhờ người tìm kiếm khắp nơi, Nguyễn Hậu đưa Hữu Thành tới gặp Vinh Sơn thì được “gật đầu cái rụp”. Hữu Thành đáp ứng được hình dáng bên ngoài, vừa chịu cạo râu tóc vừa biết tụng kinh. Hữu Thành lúc đó đang “đói” vì thất nghiệp, nghe được đóng phim thì mừng húm. Nói hôm trước, hôm sau ông cạo hết râu tóc, khoác áo cà sa, ngồi tụng kinh như thật. Ông bước vào điện ảnh nhẹ tênh.

Sau vai này, Hữu Thành có “lộc” hơn với phim ảnh. Những vai diễn của Hữu Thành khi là nông dân, khi thì già làng, khi thì người cha, người ông nhưng dù nghèo cách mấy cũng không bi lụy, đáng thương mà luôn toát lên nghị lực phi thường. Hữu Thành biết diễn xuất bằng ngoại hình lẫn nội tâm, cả hai phụ trợ lẫn nhau. Các vai diễn của ông được thể hiện bằng sự dung dị, nhẹ nhàng, bằng tình yêu với nghệ thuật, bằng cả cuộc đời lang bạt, bằng hỉ nộ ái ố trong cuộc đời. Chỉ vậy thôi cũng quá đủ để vai diễn chân thật.

Nổi tiếng nhất vẫn là vai diễn ba thằng Kìm trong Mùa len trâu, vai diễn để đời của ông. Năm đó, gần 10 nghệ sĩ lão thành được mời đi thử vai nhưng Hữu Thành đậu. “Hữu Thành được chọn là đúng. Ông ấy quá hợp vai” - Nguyễn Hậu khẳng định. Nghệ sĩ Mai Thành sau khi xem phim Mùa len trâu cũng vỗ đùi: “Anh đóng hay quá! Vai diễn đó đúng là chỉ để dành cho mình anh, không ai thay thế được!”.

Nhắc đến vai diễn ấy, nghệ sĩ Hữu Thành vừa tự hào nhưng cũng không khỏi rùng mình. Đó là phim mà ông phải “trần ai” nhất. “Trường đoạn mô tả cái chết của người cha và quá trình ông ta được thủy táng, tôi được bó buộc vào miếng da trâu rồi thả nổi trên sông đang mùa nước nổi. Phần vì lạnh, phần vì miếng da trâu bốc mùi hôi, ruồi bu vào khắp người, lại thêm 2 con quạ vây đậu trên đầu...” - ông nhớ lại. Nghe đến đây, Mai Thành cười ha hả: “Hóa ra tôi xui mà hên. Gặp tôi là tôi đầu hàng luôn rồi!”.

81 tuổi hãy còn xanh lắm!

Tôi thường gặp nghệ sĩ Hữu Thành, chủ yếu là… trên bàn nhậu. Ngoài đời thường, ông uống bia rất cừ nhưng hiếm khi thấy ông say. Ông hay bảo: “Con đừng lo cho bố. Coi vậy chứ bố còn khỏe re. Đời bố lang bạt kỳ hồ, dầm sương dãi nắng quen rồi. Giờ có vài ly bia có thấm tháp gì!”. Nói rồi ba thằng Kìm cười ha hả: “Bố còn sống 30 năm nữa nghe con!”.

Theo lời kể của diễn viên Nguyễn Hậu, từ thời còn theo cải lương, nghệ sĩ Hữu Thành đã có thú vui nhâm nhi vài ba ly với bạn hữu. Khi gia đình lâm vào khốn khó, Hữu Thành cùng vợ con lên thành phố, tối tối chạy xe đến những quán nhậu để đàn hát kiếm tiền.

Cuộc đời nghệ sĩ Hữu Thành từng trải qua những lúc thịnh, suy. Thịnh nhất là thời cải lương huy hoàng, ông là kép chánh của gánh hát Thái Bình. “Hồi đó, tên tuổi ông ấy lừng lẫy, được cưng như trứng nên lắm lúc làm trời, tỏ vẻ ta đây lắm!” - Mai Thành kể. Cuộc đời may rủi đâu có ai ngờ. Huy hoàng, lừng lẫy một thời rồi ông cũng có lúc đi qua những cửa ải nghiệt ngã nhất của cuộc đời. Khi gánh hát tan rã, ông về làm phó trưởng đoàn, chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Hậu Giang II nhưng vài năm sau cũng không trụ được. Năm 1990, ông bán nhà, dắt díu vợ con lên TP HCM.

“Năm đó, gia đình ông ấy như cái mền rách. Ông ấy ráng đi đóng phim để kiếm cơm cho mấy đứa nhỏ” - nghệ sĩ Mai Thành hồi tưởng. Đớn đau nhất là năm 2008, ông bà mất đi liên tiếp 2 con trai. Dư âm ngày cũ làm đôi mắt ông đục ngầu đi một lát rồi lại sáng lên. Ông bảo nếu không mạnh mẽ thì chắc không chịu nổi cú sốc quá lớn này.

Đời nghệ sĩ long đong, trôi dạt với đủ nghề nhưng ở tuổi 81, ông hiếm khi đau ốm. Chạy xe máy đều đều tới phim trường là chuyện nhỏ. Nghệ sĩ Mai Thành bảo: “Ông ấy sống đúng chất người miền Nam, phóng khoáng, chân thật. Chẳng khi nào tôi thấy ông phàn nàn, giận hờn, chẳng nề hà chuyện gì. Đi đóng phim cực là vậy nhưng ông ấy chẳng buồn khi tên tuổi mình chỉ được nhắc đến qua loa, mơ hồ chiếu lệ”.

Mối tình đẹp suốt 6 thập kỷ

Trong những câu chuyện kể về cuộc đời đầy thăng trầm, biến động của mình, nghệ sĩ Hữu Thành luôn nhắc đến vợ, người đã cùng ông trải qua những cay đắng của cuộc đời. Ðời nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ, chẳng tránh khỏi phận long đong nhưng ông không trải qua những cuộc tình dâu bể không thành. Điều ông tự hào nhất là đến khi đầu bạc, da mồi vẫn còn được yêu, được thương, được sống với người vợ duy nhất.

Những năm còn ở gánh hát Thái Bình của ông bầu Thới, Hữu Thành là kép chánh hát hay, diễn giỏi lại đẹp trai, phong độ nhất đoàn. Bà Ngọc Bình (con ông bầu Thới) cũng là đào chánh. Ông đề nghị với bầu Thới: “Nếu ông không gả con gái cho con, con sẽ rời đoàn”. Vậy là Hữu Thành vừa ở lại đoàn, vừa được cưới con gái ông bầu làm vợ.

Nghệ sĩ Mai Thành hỏi: “Tại sao đến từng tuổi này rồi mà ông còn cưng bà ấy dữ vậy?”. “Vì tôi thương. Lúc gánh hát tan rã, bà ấy cùng tôi lang bạt khắp xứ kiếm kế sinh nhai. Có đến mấy năm, bà ấy phải một mình buôn gánh bán bưng nuôi 6 đứa con thơ dại, cực khổ không sao kể hết. Một bên nhọc nhằn con cái, một bên lo lắng cho chồng. Giờ tôi muốn bù lại cho vợ”. Nói đến đây, nước mắt Hữu Thành ứa ra. Nhìn dáng hao gầy, đôi mắt xanh xao của vợ, ông cảm thấy xốn xang trong lòng.

Nghệ sĩ Mai Thành nói rằng ám ảnh lớn nhất của cuộc đời ông chính là căn phòng trọ của nghệ sĩ Hữu Thành bây giờ. “Đó là căn phòng ngột ngạt, chật chội. Cũng vì vậy mà bệnh tình của bà xã ông mới nặng thêm” - Mai Thành nói. Cuộc đời Hữu Thành rày đây mai đó nên ở chỗ nào cũng ưng ý, chỉ tội cho vợ ông. Ông bà đâu phải hạng lười nhác gì cho cam. Một nắng hai sương nào quản ngại nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám lấy.

Họ yêu nhau say đắm, lãng mạn tới những ngày về già khiến bà con cả con hẻm đường Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP HCM phải ghen tị. Từng tuổi này, ông còn gọi bà tiếng “em” ngọt xớt, trìu mến đến lạ lùng. Ông bà chân không còn nhanh, dáng đi không còn thẳng, vậy mà cứ nắm tay nhau, dìu nhau từ căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp ra quán cà phê đầu hẻm. Họ đã đi bên nhau, vượt qua cay đắng từ những ngày tóc hãy còn xanh.

Bây giờ có phim là ông bà lại tất tả lên đường. Bà lo thuốc men phòng trái gió trở trời. Sướng vui cùng hưởng, gian khổ họ cùng cam.

Theo Minh Nga
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm