Cuộc đời đoản mệnh nhiều buồn đau của giọng ca “Yesterday Once More”
(Dân trí) - Sau cú suy sụp đầu tiên trước thềm hôn nhân và muốn hủy hôn, Karen được mẹ khuyên không nên hủy bỏ hôn lễ bởi người thân và bạn bè đang trên đường di chuyển từ khắp nơi về dự lễ cưới. Hơn thế, chi phí đã chi ra cho hôn lễ cũng đã tốn kém khá nhiều.
“Những thiệp mời đã được phát đi. Sẽ có phóng viên tới đưa tin. Lễ cưới nên được tổ chức. Chính con đã lựa chọn điều này, Karen”, bà Agnes khuyên con gái.
Đa phần mọi người ban đầu đều tin rằng tài sản của vị hôn phu sắp kết hôn với Karen cũng đáng kể dựa trên phong cách sống của người đàn ông này. Xe hơi đắt tiền và nhiều tài sản khác khiến Burris có diện mạo của một triệu phú, nhưng không nhiều người biết rằng Burris đang thể hiện nhiều hơn những gì mình thực sự có.
Người bạn gái của Karen có tên Evelyn Wallace cho hay: “Không lâu sau khi kết hôn, Burris bắt đầu hỏi mượn tiền của Karen, cô luôn dễ dàng bị thuyết phục và đáp ứng những đòi hỏi của chồng, chẳng bao lâu sau, những gì còn lại trong khối tài sản của Karen cũng chẳng còn gì nhiều nhặn”.
Karen bắt đầu chia sẻ với bạn bè về những nỗi lo âu đang ngày càng gia tăng của mình đối với chồng, không chỉ về vấn đề tài chính mà cả vấn đề tình cảm. Dù vậy, mong muốn được làm mẹ khiến Karen tiếp tục nỗ lực khi ở bên Burris nhưng hóa ra mong muốn của hai người hoàn toàn khác biệt. Đây chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly trong cuộc hôn nhân trục trặc ngay từ lúc khởi đầu.
Tháng 11/1981, Karen đệ đơn ly hôn và tập trung vào việc phục hồi sức khỏe. Cô được giới thiệu tới gặp bác sĩ Steven Levenkron để điều trị, ông là một chuyên gia trong lĩnh vực rối loạn thói quen ăn uống. Lúc này, cân nặng của Karen chỉ còn 35kg. Cô tiết lộ với bác sĩ Levenkron về việc mình thường tự ý sử dụng nhiều thuốc nhuận tràng và thuốc điều trị tuyến giáp.
Bác sĩ liền yêu cầu cô ngừng sử dụng mọi loại thuốc không theo chỉ định và thực hiện theo chế độ ăn uống - sinh hoạt mà bác sĩ đưa ra. Nhưng lúc này, Karen lại chuyển sang đi bộ thật nhiều, đồng thời thường xuyên luyện tập thể hình khiến tình trạng cân nặng không tiến triển. Bác sĩ Levenkron buộc phải mời gia đình Carpenter tới gặp để cùng tham gia việc trị liệu tâm lý.
Lần đầu tiên gia đình được biết rằng Karen có những vấn đề tâm lý và cần trị liệu tích cực. Điều này khiến cả gia đình bàng hoàng bởi họ chỉ nghĩ đơn giản Karen đã ăn kiêng thái quá, họ nghĩ rằng giải pháp đơn giản là cô hãy chịu ăn uống, mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Sau những sự quan tâm, nỗ lực không thành công, gia đình Carpenter khi ấy đã bắt đầu cảm thấy chán nản: “Mọi người xung quanh Karen đã làm tất cả những gì có thể. Tôi cũng đã thử mọi cách, từ thủ thỉ tâm tình, ngọt ngào năn nỉ, rồi giận dữ mắng nhiếc...
“Tất cả chuyện này khiến tôi cảm thấy phát điên. Hiển nhiên là những nỗ lực ấy không phát huy tác dụng và tôi thực sự thất vọng”, Richard Carpenter từng chia sẻ hồi năm 1993.
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên của cả gia đình Carpenter và bác sĩ Levenkron, Karen đã khóc không dừng lại được, cô xin lỗi vì đã khiến cả gia đình rơi vào một tình huống khốn khổ, xin lỗi vì đã để những rắc rối của cô gây đau khổ cho cuộc sống của mọi người.
Gia đình Carpenter cũng không cảm thấy thoải mái lắm khi họ phải di chuyển từ bang California tới New York để cùng thực hiện các buổi trị liệu tâm lý cho Karen.
Về sau, bác sĩ Levenkron chia sẻ hồi năm 1993 rằng: “Trong suốt quãng thời gian Karen điều trị ở New York, tôi không hề nhận được cuộc gọi nào từ gia đình, người thân của cô. Tôi chưa từng điều trị cho bệnh nhân biếng ăn nào mà gia đình của họ không gọi điện thường xuyên cho tôi, bởi gia đình thường sẽ quan tâm, lo lắng và muốn được cập nhật tình hình”.
Ngược lại, về sau, phía gia đình Carpenter cũng chỉ trích ngược lại rằng họ không bao giờ nhận được một cuộc gọi thông báo nào từ phía bác sĩ Levenkron.
Mùa thu năm 1982, Karen không có dấu hiệu tiến triển về sức khỏe. Giữa tháng 9, cô bắt đầu cảm thấy tim đập khác thường. Cô thường cảm thấy lo lắng, hồi hộp, rối loạn, buồn bã... Có lúc lại choáng váng, chóng mặt đến mức không thể bước đi. Cô được nhập viện để ăn qua đường truyền.
Karen bắt đầu đáp ứng tốt với cách điều trị này, cô nhanh chóng tăng cân sau vài ngày. Karen rất vui vẻ và phấn khích được cho những người tới thăm mình thấy kết quả tích cực. Nhưng đối với những người từng quen biết một Karen khỏe mạnh trước đây, đa số đều cảm thấy sốc và buồn bã bởi thực lòng, họ thấy cô đã trở nên gầy mòn khủng khiếp và hầu như không thể nhận ra được nữa.
Mọi người chỉ giả vờ tán đồng với Karen để khiến cô vui. Karen tích cực điều trị và cố gắng suy nghĩ lạc quan, tích cực về cân nặng của mình. Khi cô tăng được gần 14kg, sức khỏe thể chất - tinh thần của cô thực sự có biến chuyển tích cực rõ rệt.
Ngày 16/11/1982, Karen đến gặp bác sĩ Levenkron lần cuối để tặng ông một món quà chia tay, đó là một bức tranh thêu với dòng chữ màu xanh “you win - I gain” với ý nghĩa “bác sĩ giành chiến thắng, bệnh nhân đã tăng cân”.
Bác sĩ Levenkron bày tỏ lo ngại rằng Karen đã quyết định kết thúc quá trình điều trị quá sớm bởi việc điều trị này thường cần ít nhất 3 năm. Ông muốn giới thiệu một người bạn đồng nghiệp khác của mình ở Los Angeles để cô có thể điều trị tiếp sau khi quay trở về từ New York, nhưng cô từ chối.
Karen hứa sẽ liên hệ với bác sĩ thường xuyên và sẽ không tự ý dùng các loại thuốc nữa. Cha mẹ Karen có mặt để đón cô về nhà.
Trong lễ Tạ ơn năm đó, Karen ăn uống ngon lành khiến cả gia đình rất vui mừng. Sau khi trở về Los Angeles, Karen ngay lập tức đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè trở lại. Mọi người vẫn cảm thấy cô khá gầy guộc, yếu ớt nhưng bản thân Karen cảm thấy hạnh phúc trước những biến chuyển sức khỏe của mình. Cô thậm chí lên kế hoạch thu âm và biểu diễn trở lại cùng anh trai Richard.
Mặc dù tinh thần rất lạc quan, nhưng Karen bắt đầu ngủ li bì, mọi người cho rằng Karen vẫn chưa khỏe hẳn. Ngày 27/1/1983, cô giúp việc Florine Elie thực hiện việc lau dọn nhà cửa theo lịch hẹn hàng tuần tại căn hộ của Karen, Florine hoảng hốt phát hiện Karen đang nằm trên sàn nhà trong phòng riêng.
Cô lay nhẹ Karen khi đó vẫn đang có ý thức nhưng không hoàn toàn tỉnh táo: “Karen, có chuyện gì không vậy?”. “Không, tôi mệt thôi”, Karen đáp. “Có lẽ cô nên lên giường nằm”, Florine giúp Karen đứng dậy và nằm lên giường.
Florine vào hỏi thăm Karen lần nữa trước khi ra về lúc xong việc. Karen vẫn tỉnh và khẳng định cô hoàn toàn ổn.
Ngày 1/2/1983, Karen cùng anh trai Richard hẹn ăn trưa với một nhà sản xuất chương trình âm nhạc để bàn về kế hoạch biểu diễn trở lại của nhóm The Carpenters. Karen ăn uống với vẻ hào hứng rồi quay trở về căn hộ của mình. Đó là lần cuối cùng Richard gặp em gái mình.
Hôm sau, Karen gọi điện cho người bạn gái Itchie Ramone để nói về một số kế hoạch của cô trong tuần. Cô sẽ hoàn tất các giấy tờ ly hôn trong tuần đó và sẽ lên đường tới New York để gặp lại Itchie sau khi cô bạn đã trải qua sinh nở.
Tối hôm 2/2, Karen ở lại nhà cha mẹ và ngủ ở đó, cô gọi điện cho bạn gái Frenda Franklin để thống nhất về cuộc hẹn sơn sửa móng tay như một niềm vui nho nhỏ sau khi mọi thủ tục ly hôn hoàn tất.
Vào sáng thứ 6 ngày 4/2/1983, ngày cuối cùng trong cuộc đời mình, Karen trở dậy, vào bếp, bật máy pha cà phê, rồi lên phòng thay đồ. Khi cà phê đã sẵn sàng, bà Agnes gọi điện lên phòng con gái nhưng chuông đổ mà không có ai nhấc máy. Agnes đứng ở chân cầu thang gọi với lên phòng con, nhưng cũng không có lời đáp.
Bước vào phòng, bà Agnes thấy Karen nằm bất động, mặt úp xuống sàn phòng thay đồ. Cô đã ra đi vĩnh viễn. Khi ra đi, Karen nằm với tư thế rất thẳng, như thể cô không hề bị ngã. “Như thể con bé chỉ muốn nằm xuống sàn và rồi không muốn trở dậy nữa”, bà Agnes kể lại.
Khám nghiệm tử thi kết luận rằng sự ra đi của Karen Carpenter là bởi “vấn đề tim mạch gây ra bởi chứng biếng ăn”, mà hoạt chất chính gây ra vấn đề tim mạch này lại là một thứ thuốc Karen đã sử dụng để kích thích việc nôn đồ ăn ra, loại thuốc vốn chỉ được sử dụng trong trường hợp bị ngộ độc.
Không ai biết Karen đã dùng thứ thuốc đó. Trong những cuộc gọi tới bác sĩ Levenkron, Karen luôn khẳng định rằng cô vẫn duy trì tốt cân nặng của mình và hoàn toàn từ bỏ các loại thuốc nhuận tràng. Không ai nghi ngờ những điều Karen nói, không ai biết rằng thay vì dùng thuốc xổ, Karen chuyển sang loại thuốc còn nguy hiểm hơn - thuốc nôn.
Bác sĩ Levenkron chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau sự ra đi của Karen rằng: “Karen đã chiến đấu dũng cảm trong suốt một năm điều trị, khi trở về nhà, cô hẳn đã quyết định rằng phải làm sao để không bị sụt cân nhưng cũng không được tăng cân thêm nữa.
“Cô hẳn đã nghĩ điều mình đang làm là vô hại, nhưng trong 60 ngày sau đó, cô đã vô tình tự làm hại chính mình. Tất cả chúng tôi - những người đã điều trị cho cô - đều cảm thấy rất sốc”.
Bích Ngọc
Theo The Guardian