“Cuộc đời của Yến” - Thêm một dáng phim lạ

(Dân trí) - Giữa thời buổi mà công tác quảng bá, tiếp thị xem như yếu tố rất quan trọng để bảo đảm doanh thu của một bộ phim, cái tựa phim "Cuộc đời của Yến" từa tựa một cô gái vận áo nâu xẻ tà; quần láng đen dám thênh thang bước vào siêu thị hiện đại.

 

Hình ảnh từ phim “ Cuộc đời của Yến”
Hình ảnh từ phim “ Cuộc đời của Yến”

Nghe sơ qua câu chuyện kể, thoáng tóm lược điều bộ phim muốn chuyển tải tới người xem, càng giật mình hơn vì hai tác giả chính: nhà Biên kịch Hồ Hải Quỳnh và Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đều là những cô gái, chàng trai dưới 30 tuổi mà dám kể chuyện về đau buồn, vinh nhục của vài ba thế hệ..

Ấy vậy nhưng “ Cuộc đời của Yến”, từ trường đoạn này sang trường đoạn khác cứ như nuốt lấy chúng ta. Còn khi đèn trong phòng chiếu bật sáng, nhiều người xem nắc nỏm: Giản dị, chân thực, lay động đến tâm can về chính những điều tưởng như đã mòn vẹt, sơ cũ.

Tôi không được đọc trực tiếp kịch bản văn học, nhưng bằng vào những gì đã thấy, đã nghe từ phim, thì cốt kịch phim không khác gì một câu chuyện tự thuật của bà, của mẹ mà một người viết trẻ hồn nhiên, bản năng không gia công gọt tỉa bao nhiêu, càng không tìm tới thủ pháp điển hình, khái quát để câu chuyện có thật ấy trở thành một áng văn.

Càng không tìm ra được những chi tiết độc đáo, thấm đượm chất edotique (quốc dị) trong mối tình của cặp vợ chồng Yến- Hạnh, kể cả tới khi anh chồng bỏ lên khu kinh tế mới, Yến tìm lên và phát hiện chồng có người đàn bà khác? Càng khó hơn nữa khi câu chuyện của họ còn giăng mắc trên cái nền của những năm tháng kháng chiến chống Pháp, qua thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, chi viện cho miền Nam đánh giặc Mỹ...

Hãy nhớ lại một cốt chuyện na ná như “ Cuộc đời của Yến” là tiểu thuyết “ Một thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu. Mọi so sánh đều khập khiễng và dĩ nhiên, đích đến của phim và sách hoàn toàn khác nhau. Nhưng ngay một nhà văn “ cứng cựa” như Lê Lựu khi muốn cuốn hút người đọc vào cuộc tình “ đũa lệch” kia anh đã phải khai thác đến cùng kiệt chất edotique của nông thôn và nông dân Việt Nam cộng thêm những diễn tiến không kém phần lạ của mấy chục năm chiến tranh, cách mạng.

Nghe nói, khi đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ quyết định đưa câu chuyện tình Yến-Hạnh lên màn ảnh, có ai đó đã nói với anh: “ Kịch bản dễ làm phim, nhưng khó thành phim hay”. Theo tôi thì nên chỉnh lại nhận xét đó như sau: "Kịch bản khó làm và phim cũng khó mà hay !".

Vậy những gì mà Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã ” nhìn thấy” ở kịch bản văn học, để nêm nếm, chế biến, xào xáo lại và điều quan trọng là “ tiêu hóa “ chất liệu ấy, thổi hồn cốt riêng vào chúng thông qua phương tiện tổng hợp của điện ảnh để biến thành một bộ phim không nhạt nhẽo, không tầm thường, đạt tới cái đích cần đến?

Mà cũng chỉ dẫn ra đây vài ví dụ...

Ví như chạm vào hai mốc lịch sử chống Pháp và chống Mỹ, đạo diễn biết tiết chế hình ảnh vừa đủ để khắc họa tính cách hai nhân vật Yến và Hạnh; mà tỉnh táo, khôn ngoan không sa đà để nhân vật của họ nhúng sâu vào bản thân những sự kiện đã nhiều bộ phim khác đề cập tới. Không dấu diếm điều lo lắng khi thấy trên màn ảnh xuất hiện những chiếc xe bò cải tiến, cái sân kho hợp tác vào ngày mùa, những khẩu hiệu đỏ chói “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ”.. Nhưng may sao, bối cảnh hợp tác xã ấy chỉ đủ là cớ Hạnh bị hiểu sai, vu oan, phải bỏ vợ con ở quê, tìm lên vùng kinh tế mới.

Ví như, ngay khi còn ở quê, Hạnh đã được Lanh thầm yêu, trộm nhớ nhưng đạo diễn cũng biết kiềm Hạnh, kiềm Lanh ở chừng ấy. Càng không đẩy Lanh cùng Hạnh cùng đi với nhau lên vùng kinh tế mới. Bởi lẽ, nếu hai người bỏ làng ra đi cùng nhau, sau này Hạnh khó tìm được cái “happy end” khi trở về với gia đình.

Cũng như vậy, khi Lanh chứng kiến Yến lên thăm chồng ở trên vùng kinh tế mới, đạo diễn không cho hai người đàn bà này “ giáp chiến “. Chính vì thế Đạo diễn đã ngầm tạo ra lối thoát cho cả 3 nhân vật Yến, Hạnh, Lanh.

Hình ảnh từ phim “ Cuộc đời của Yến”
Hình ảnh từ phim “ Cuộc đời của Yến”

Tôi đánh giá cao sự xử lý đạo diễn ở đoạn kết của bộ phim: Chỉ thấy tiếng đám trẻ reo: “ Mẹ ơi, Bố đã về”. Không có cảnh Yến lao vào vòng tay của Hạnh. Cũng không có cảnh Hạnh quỳ xụp “xám hối” với vợ con. Ngay sau đó chuyển qua cảnh ông bố mở cái hòm gỗ trong vẫn còn chứa mấy chiếc vòng, mấy cái chai xưa kia cô bé Yến và cậu bé Hạnh chơi ném cổ vịt. Cảnh tiếp là cô con gái út cùng cha chơi ném cổ vịt. Tiếng cô bé nhắc lại chuyện xưa kia cha thua mẹ nhưng cha không chịu cõng mẹ..Và bây giờ ông bố Hạnh vui vẻ cõng cô con gái út trên lưng chạy trên cánh đồng. Rồi với khoảng không gian mênh mông được quay từ trên cao. Rồi là những bậng mây trắng nõn, vòm trời xanh biếc, những con diều chao đảo trong gió sớm. Và âm nhạc thật hay, thật xúc đông.

Trong một bộ phim truyện, sử lý đạo diễn là yếu tố quan trọng hàng đầu để bộ phim không giống ai; đôi khi không giống cả nguyên tác văn học,thậm chí là ngược cả với điều đoán định của người xem, nhưng cuối cùng vẫn được họ chấp nhận...

Sẽ có bạn nói những dẫn chứng trên là chuyện nhỏ. Ấy thế, nhưng sang đến tận những năm 70 tuổi của nền điện ảnh nước nhà, nhiều phim của chúng ta vẫn mắc vào căn bệnh mãn tính: Không biết tiết chế đến đâu là đủ, đến đâu là thừa. Nhiều đạo diễn hay bị sa đà không làm chủ được mình. Khi kể một câu chuyện bằng hình ảnh không biết cách NHẤN, NHÁ để thể hiện rõ độ đậm nhạt trong việc tìm ra màu sắc chủ đạo.

Nói một cách khái quát nhất, sự thành công của phim “ Cuộc đời của Yến” cũng là chỗ bản lĩnh, độ tinh tế của Đạo diễn Đinh Tuấn Dũng chính là đã biến cải một chất liệu chuyện kể từ chất tự sự sang chất tự sự - trữ tình, mà chất trữ tình là chủ đạo.

Nếu như phim dừng lại ở chất tự sự, thử hỏi sẽ ra sao đây?

Có lẽ, nắm chắc điều này, ống kính máy quay của Nghệ sỹ Vũ Quốc Tuấn và âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý có thể xem là đã “hợp đồng binh chủng” hết sức hợp lý, đắc địa, đúng thời cơ, đúng bài bản. Không thể hình dung nổi “ Cuộc đời của Yến “ sẽ ra sao, nếu thiếu vắng đi tay máy tài hoa,thẩm mỹ cao Vũ Quốc Tuấn; phần âm nhạc đầy trăn trở, sâu lắng , mà hết sức có hồn của nhạc sỹ trẻ Lê Cát Trọng Lý.

Các diễn viên Thúy Hằng,Lâm Tùng, Minh Hương đều làm trọn phần vai của mình. Tôi đặc biệt đánh giá cao diễn xuất của Thuý Hằng trong vai Yến. Có cảm giác với phim “ Cuộc đời của Yến’’ Thúy Hằng đã hé lộ năng lực diễn biết thể hiện “ những dòng chảy ngầm” trong nội tâm nhân vật như thường thấy ở kịch của văn hào Nga Anton Pavlovist Tsekhov.

Tôi càng quý hơn sự hồn nhiên , trong sáng, diễn cứ như đang tham gia một trò chơi, tung tăng, nhởn nhơ với cây cỏ, hoa lá của hai bé con sắm vai Yến và Hạnh khi còn nhỏ xíu.

Sau rốt, không thể bỏ qua một cái lạ nữa: “ Cuộc đời của Yến” chuyển tải tới công chúng khán giả thông điệp gì? Phim kêu gọi chúng ta tôn trọng nền tảng đạo đức trong mỗi gia đình. Phim ngợi ca đức hạnh “ miếng nạc thì để phần chồng, miếng xương mẹ gặm…”. Phim đề cao sự hy sinh thầm lặng trong chịu đựng, trong nhẫn nhục của người mẹ, người vợ Việt Nam. Phim đưa chúng ta tới một cái kết hợp lý, nhân bản trong sự đoàn tụ, xum họp sau những sơ sẩy, sứt mẻ. Ô, chả lẽ một tác giả biên kịch trẻ, một đạo diễn trẻ đã dũng cảm đối mặt với căn bệnh thời thượng “ hội chứng đám đông” để mạch phim, tứ phim bám rễ vào những gì được xem là chính thống, là truyền thống? Hay vì phim nằm trong ý đồ chỉ đạo được trù liệu trước.

Bạn cứ thoải sức hoài nghi, thoải sức thân vân…

Riêng tôi, tôi chỉ biết “ Cuộc đời của Yến” là một bộ phim lạ, đặc sắc, ánh lên những vật vã trăn trở, những tìm tòi nghệ thuật.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã bộc lộ: “ Tôi làm phim này bằng chính tình cảm dành cho Bà tôi, Mẹ tôi”.

Và tôi tin rằng đó cũng là tâm trạng của tất cả các thành viên trong đoàn làm phim.

TPHCM, những ngày cuối năm 2015
Tô Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm