Giải cứu thành công đội bóng “nhí” Thái Lan mắc kẹt trong hang sâu:

Cuộc chạy đua giành bản quyền viết sách, làm phim bắt đầu

(Dân trí) - Đội bóng “nhí” Thái Lan sau 18 ngày mắc kẹt trong hang sâu ngập nước đã được giải cứu thành công. Câu chuyện thu hút sự quan tâm của người dân trên khắp thế giới sẽ được chuyển thể thành sách, thành phim… Cuộc chạy đua bản quyền chính thức bắt đầu.

Hiện tại, đã có một nhà làm phim Hollywood có mặt ở Thái Lan để xúc tiến việc sở hữu bản quyền thực hiện bộ phim điện ảnh kể câu chuyện về những cậu bé bị mắc kẹt trong hang sâu ngập nước, cùng sứ mệnh giải cứu khó khăn, nguy hiểm.

Đội bóng “nhí” Thái Lan sau 18 ngày mắc kẹt trong hang sâu ngập nước đã được giải cứu thành công.
Đội bóng “nhí” Thái Lan sau 18 ngày mắc kẹt trong hang sâu ngập nước đã được giải cứu thành công.

Ông Michael Scott, người sáng lập hãng phim Pure Flix Entertainment (Mỹ) đã sớm có mặt tại Thái Lan và bắt đầu chia sẻ với nhiều tờ tin tức về kế hoạch làm phim của mình. Ông đã có mặt ở gần nơi diễn ra cuộc giải cứu suốt những ngày qua để nắm được tinh thần cuộc giải cứu.

Hãng phim của ông cũng đã bắt đầu tìm diễn viên, biên kịch và nhà đầu tư để nhanh chóng xúc tiến việc thực hiện bộ phim. Hãng phim cho biết hiện tại đã có một số đối tác tiềm năng liên hệ với hãng, trong đó có những nhà đầu tư người Thái Lan.

Ý tưởng về việc viết sách, làm phim về câu chuyện giải cứu đội bóng đã bắt đầu dâng cao kể từ khi lần lượt các thành viên trong đội bóng “nhí” được giải cứu khỏi hang sâu ngập nước.

Đặc biệt, sau khi tất cả các thành viên đều đã được giải cứu thành công, với một cái kết có hậu, càng nhiều phía có ý định thực hiện sách truyện, phim ảnh. Cuộc giải cứu này đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới với từng động thái diễn ra đều được báo chí quốc tế cập nhật.

Những cuộc giải cứu đã luôn là đề tài hấp dẫn đối với giới làm phim Hollywood, có thể kể tới “The 33” (2015) - bộ phim kể về cuộc giải cứu những người thợ mỏ ở Chile sau một vụ sập hầm suýt nữa đã trở thành một thảm họa kinh hoàng; hay “The Pennsylvania Miners’ Story” (2002) - bộ phim kể về cuộc giải cứu 9 người thợ mỏ tại bang Pennsylvania (Mỹ).

Một bức vẽ khắc họa 13 thành viên của đội bóng nhí được thực hiện bởi tài khoản Instagram Mosssuzy_thest
Một bức vẽ khắc họa 13 thành viên của đội bóng "nhí" được thực hiện bởi tài khoản Instagram "Mosssuzy_thest"

Nhà làm phim Michael Scott có lợi thế hơn so với nhiều đồng nghiệp khác trong giới làm phim Hollywood, đó là ông thường hay lưu lại Bangkok (Thái Lan). Khi bắt đầu diễn ra cuộc giải cứu, ông đã ngay lập tức đi tới khu vực hang động và đã làm tình nguyện viên trong một số hoạt động diễn ra ở nơi giải cứu.

Cùng với đó, ông cũng tranh thủ phỏng vấn các thợ lặn. Hiện tại, phía hãng phim Pure Flix đang theo đuổi tham vọng có được “bản quyền trọn đời” trong việc chuyển thể câu chuyện giải cứu thành phim điện ảnh, một thỏa thuận mà hãng hy vọng sẽ có thể thực hiện với tất cả các nhân vật chính có liên quan tới cuộc giải cứu.

Không chỉ ông Michael Scott và hãng phim Pure Flix đang nóng lòng thực hiện cuộc chạy đua giành bản quyền chuyển thể câu chuyện giải cứu lên màn ảnh rộng, nhiều phía cũng đang cùng xúc tiến việc này.

Giải thích về quy trình mà mình đang theo đuổi, ông David A.R. White - người đứng đầu một công ty xuất bản chuyên về những câu chuyện có thật và truyền cảm hứng cho hay: “Chúng tôi trước hết cần có được câu chuyện của các thành viên trong đội bóng, sau đó phải đảm bảo rằng nhà văn có quyền kể lại câu chuyện theo hướng kịch tính hóa và truyền cảm hứng hơn. Những câu chuyện có thật khi kể ra trên trang sách cần phải mang một chút tính giải trí và nhất định phải gây cảm động”.

Bức vẽ cầu mong phép màu cho cuộc giải cứu thành công được lan truyền trên mạng
Bức vẽ cầu mong phép màu cho cuộc giải cứu thành công được lan truyền trên mạng

Câu chuyện giải cứu này chắc chắn sẽ còn được nhiều phía quan tâm, để làm thành phim truyền hình, phim tài liệu… Hiện tại, công ty Discovery (Mỹ) - đơn vị nổi tiếng với các chương trình khám phá - thám hiểm thu hút người xem truyền hình trên khắp thế giới, cũng đang có kế hoạch làm phim tài liệu về cuộc giải cứu này.

Bà Jamie Raab, đại diện của nhà xuất bản Celadon Books (Mỹ) cho hay: “Nếu được đặt vào tay một nhà văn giỏi, câu chuyện này sẽ có rất nhiều 'đất' để khai thác. Câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu chúng tôi còn tìm kiếm được gì mới mẻ, khác biệt và đặc sắc để đưa vào trong cuốn sách.

“Trước đó, truyền thông gần như đã đưa hết lên mặt báo rồi, họ cũng đã đẩy cao kịch tính của cuộc giải cứu lên tới đỉnh điểm rồi. Hơn thế, liệu vài tháng sau, câu chuyện này có còn nhận được sự quan tâm của độc giả nữa không, chúng tôi cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng”.

Một bức vẽ hoạt họa về cuộc giải cứu, vẽ bởi tờ tạp chí Hattrick Magazine (Thái Lan)
Một bức vẽ hoạt họa về cuộc giải cứu, vẽ bởi tờ tạp chí Hattrick Magazine (Thái Lan)

Dù vậy, bà Jamie Raab tin rằng câu chuyện này sẽ được các nhà xuất bản “chạy xô” thực hiện thành sách. Về phía mình, bà Jamie Raab đánh giá rằng câu chuyện cuộc đời có thể sử dụng làm nền, xoay quanh những cậu bé trong đội bóng có lẽ sẽ khá hạn hẹp, bởi các em còn quá nhỏ, chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống để sở hữu những câu chuyện riêng ấn tượng.

Bà Cindy Spiegel, người đứng đầu nhà xuất bản Spiegel & Grau (Mỹ) chia sẻ rằng hiện bà đang quan tâm nhất tới vị huấn luyện viên, người đã đưa 12 cậu bé trong đội bóng nhí vào hang thám hiểm, người đã ở bên các cậu bé trong suốt quá trình diễn ra cuộc giải cứu.

Khoan nói tới chuyện đúng sai trong hành động mạo hiểm quá đỗi của vị huấn luyện viên, bà Cindy rất tò mò muốn biết thêm về nhân vật này: “Nếu thực hiện một cuốn sách, chúng tôi sẽ tập trung vào vị huấn luyện viên, làm thế nào mà anh có thể truyền cho bọn trẻ lòng dũng cảm và sức chịu đựng lớn đến vậy, để tất cả đều có thể sống sót”.

Bích Ngọc
Theo Wall Street Journal/Deadline

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm