Cục NTBD “hé lộ” giải pháp chấn chỉnh vấn nạn “thi chui”

(Dân trí) - Trước tình trạng các người đẹp, người mẫu “xé rào thi chui” ngày càng phổ biến, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn, Cục NTBD về những vướng mắc của luật trong việc quản lý các cá nhân ra nước ngoài tham gia các cuộc thi sắc đẹp.

Thời gian gần đây, tình trạng các người đẹp Việt Nam “xé rào thi chui” khi biết không thể xin được giấy phép xảy ra ngày càng nhiều. ông nhìn nhận gì về vấn đề này?

 

Đúng là thời gian gần đây, tình trạng cố ý “thi chui" các cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài của một số cá nhân có chiều hướng gia tăng. Đa phần những người này đều là các người mẫu hoạt động tự do. Và mặc dù không đủ điều kiện đại diện cho quốc gia tham dự các cuộc thi người đẹp mang tầm cỡ quốc tế nhưng các cá nhân này vẫn cố ý vi phạm. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi luôn theo sát diễn biến và các thông tin liên quan đến việc đi tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

 

Ngay khi nắm được thông tin về những sự việc này, Cục NTBD đều có văn bản gửi cho Sở VH,TT&DL địa phương đề nghị vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Lê Minh Tuấn thừa nhận tình trạng “thi chui” đang ngày càng gia tăng và hình phạt hành chính 15 – 30 triệu chưa đủ sức răn đe.
Ông Lê Minh Tuấn thừa nhận tình trạng “thi chui” đang ngày càng gia tăng và hình phạt hành chính 15 – 30 triệu chưa đủ sức răn đe.

Nhưng cũng phải nhìn nhận, với mức xử phạt hành chính theo Nghị định 158/NĐ-CP của Chính phủ về những vi phạm trong lĩnh vực văn hoá hiện nay chưa đủ sức răn đe đối với các người mẫu “thi chui” này. Ở góc độ của một cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá biểu diễn, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đề ra các giải pháp tối ưu nhất nhằm hạn chế tối đa tình trạng “thi chui”, đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật.

Trước đây, trong các cuộc gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD có chia sẻ, Nghị định 79 sửa đổi quy định về thẻ hành nghề sẽ giúp góp phần hạn chế hơn trình trạng thi chui. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Hiện nay về căn cứ pháp lý để xây dựng văn bản cấp thẻ hành nghề gồm Nghị định 76/NĐ-CP và Thông tư Liên tịch giữa Bộ VH,TT&DL và Bộ Nội vụ ban hành đã có nội dung quy định về việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Để có sự thống nhất trong các Văn bản quy phạm pháp luật nhất là pháp luật chuyên ngành, khi thực hiện sửa đổi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Ban soạn thảo tiếp tục bổ sung nội dung cấp thẻ hành nghề vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 79. Ngay sau khi Chính phủ đồng ý ban hành Nghị định sửa đổi, Cục NTBD sẽ trình Bộ VHTT&DL ban hành thông tư hướng dẫn cấp thẻ hành nghề hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Nội dung thông tư sẽ tập trung vào đối tượng hành nghề nghệ thuật, thời trang tự do và có những chế tài đề cập, xem xét đến những trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tất nhiên là bao gồm các trường hợp cố ý mang danh nghĩa đại diện quốc gia ra nước ngoài dự thi sắc đẹp không đúng quy định.

Đối với các trường hợp cố ý vi phạm, tái phạm nhiều lần sẽ có những quy định xử lý nghiêm như đình chỉ thẻ hành nghề tham gia hoạt động nghệ thuật, trình diễn thời trang trong một thời gian nhất định và những trường hợp có hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ bị áp dụng mức xử lý nghiêm khắc hơn.

Những trường hợp vi phạm nhiều lần như người đẹp Huỳnh Thuý Anh sẽ bị tạm dừng thẻ hành nghề trong một thời gian nhất định.
Những trường hợp vi phạm nhiều lần như người đẹp Huỳnh Thuý Anh sẽ bị tạm dừng thẻ hành nghề trong một thời gian nhất định.

Luật quy định, 3 người đạt giải cao nhất của một cuộc thi cấp quốc gia mới được cấp phép để tham gia các cuộc thi Hoa hậu mang tầm quốc tế ở nước ngoài. Nhiều người cho rằng đây chính là bước cản lớn nhất khiến các người đẹp phải tìm cách “xé rào thi chui”?

Nếu nói về đối tượng đủ điều kiện được cấp phép để ra nước ngoài tham dự các cuộc thi Hoa hậu mang tầm quốc tế thì không chỉ gói gọn trong 3 người đạt giải cao của một cuộc thi cấp quốc gia. Theo quy định của Nghị định 79, những thí sinh đạt giải Nhất - Nhì - Ba trong các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp cấp tỉnh đều đủ điều kiện đại diện cho địa phương, cho quốc gia tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Mỗi năm, các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch đều có tổ chức các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp. Chẳng hạn năm 2014, cuộc thi cấp quốc gia có Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Đại Dương, cuộc thi cấp khu vực, vùng miền, ngành có Hoa khôi Áo dài, Hoa khôi Sinh viên và các cuộc thi Người đẹp cấp tỉnh, thành phố như: Người đẹp tỉnh Bắc Ninh, Người dẹp Hải Phòng, Người đẹp Hạ Long, Người đẹp Đà Nẵng. Như vậy có thể thấy có nhiều đối tượng đủ điều kiện tham dự. Và các trường hợp người đẹp “thi chui” bị phạt từ trước đến nay đều không nằm trong diện nêu trên.

Từ thực tế trên có thể thấy, những người đẹp từng đạt giải trong một cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp đủ điều kiện được cấp phép thì lại rất ít nhu cầu tham gia các cuộc thi ở nước ngoài, còn những người rất có nhu cầu thì lại không nằm trong diện được cấp phép. Phải chăng chúng ta nên linh hoạt hơn trong việc đưa ra luật?

Đối với các cuộc thi quốc tế có uy tín, họ thường thông qua các đơn vị có tư cách pháp nhân của Việt Nam để tuyển chọn thí sinh có đủ điều kiện tham gia cuộc thi của họ. Tôi lấy ví dụ như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế… và nhiều cuộc thi khác nữa cũng đều có tiêu chí tuyển chọn thí sinh rất chặt chẽ. Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng, hầu hết các cuộc thi mà các thí sinh “thi chui” là những cuộc thi có quy mô nhỏ, công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp, ít người biết đến… Những cuộc thi đó muốn quy tụ được đông đảo thí sinh đến từ các quốc gia thì họ thường thông quan các kênh khác nhau để liên hệ gửi thư mời trực tiếp với cá nhân người mẫu, người đẹp.

Ông Tuấn cho rằng, những người đẹp “thi chui” không đủ tư cách đại diện cho đất nước Việt Nam kho bản thân họ không tôn trọng pháp luật.
Ông Tuấn cho rằng, những người đẹp “thi chui” không đủ tư cách đại diện cho đất nước Việt Nam kho bản thân họ không tôn trọng pháp luật.

Nhiều người cho rằng, một cuộc thi dù to hay bé, một giải thường dù ít hay nhiều… thì đó cũng là niềm vui, là vinh dự của đất nước. Cớ sao không ghi nhận và tạo điều kiện cho các cá nhân để họ mang nhan sắc Việt “tô đậm” trên “bản đồ nhan sắc” thế giới mà lại cấm?

Bất kỳ ai trong chúng ta khi đã mang quốc tịch Việt Nam thì đi ra nước ngoài bạn vẫn là một công dân của Việt Nam. Và đã là công dân Việt Nam thì cá nhân đó có quyền và nghĩa vụ phải mang những điều tốt đẹp nhất của đất nước mình để quảng bá cho bè bạn thế giới. Riêng đối với những thí sinh “thi chui” chúng tôi đánh giá họ luôn đặt mục đích cá nhân lên trên hết nhằm tìm kiếm danh hiệu cho bản thân, thông qua đó được nhiều người biết đến hơn. Nhưng một khi đã nói là đại diện cho Việt Nam, cho màu cờ sắc áo của Việt Nam tham gia một cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài trước hết phải thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của một công dân đó là tuân thủ đúng luật pháp. Một khi chưa tuân thủ pháp luật thì chưa đủ tư cách để đại diện cho quốc gia được. Bởi vì tất cả các cá nhân đó khi ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp, họ đều khoác lên danh nghĩa đại diện quốc gia. Nghị định 79 quy định rất rõ, nếu cá nhân các người đẹp muốn đại diện hình ảnh quốc gia tham dự các cuộc thi, thì phải đáp ứng đủ điều kiện theo luật định.

Quy định thí sinh đạt 3 giải cao nhất trong cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, cấp vùng, miền, ngành, đoàn thể và cấp tỉnh sẽ đủ điều kiện đại diện địa phương, đại diện quốc gia tham dự các cuộc thi quốc tế là nhằm tạo điều kiện cho những cá nhân đã có kinh nghiệm trải qua các cuộc thi sắc đẹp trong nước, được Ban giám khảo đánh giá, kiểm chứng về kiến thức văn hoá, vẻ đẹp về trí tuệ và hình thể để tham dự cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Trong thực tế, thời gian vừa qua chúng ta đã chứng kiến một số trường hợp người mẫu tự do, vừa tạo ra những “xì căng đan” như tung lên mạng, lên phương tiện truyền thông các hình ảnh của cá nhân rất phản cảm, trái thuần phong mỹ tục dân tộc, phát ngôn phản cảm... và bị dư luận phản ứng gay gắt thì vài ngày sau ra nước ngoài khoác lên danh nghĩa đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu, người mẫu quốc tế. Hành vi này pháp luật không cho phép và dư luận xã hội cũng phản ứng gay gắt đối với các trường hợp này.

Cám ơn ông về những chia sẻ này!

Hoàng Khánh Đăng