Cục Mỹ thuật phủ nhận sử dụng tranh giả của họa sĩ Nguyễn Sáng
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Cục Mỹ thuật), Bộ VHTTDL khẳng định hai bức tranh của danh họa Nguyễn Sáng được treo tại Cục là do tác giả tự tay chép bản thứ hai để tặng đơn vị này.
Trước đó, phản ánh đến báo chí, họa sĩ Quang Việt, hiện công tác tại Nhà xuất bản Mỹ thuật cho rằng, hai bức tranh ký tên danh họa Nguyễn Sáng treo tại Cục Mỹ thuật là tranh giả. Theo ông Việt, ai đó đã cố chép lại tranh của danh họa nổi tiếng nhưng không đạt được thần thái của tác giả.
Câu chuyện bắt đầu từ khi họa sĩ Quang Việt thực hiện một cuốn sách về Nguyễn Sáng do Nhà xuất bản Mỹ thuật in năm 2017. Thời gian này, ông tình cờ xem lại hai bức tranh của Nguyễn Sáng được minh họa trên cuốn Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh, số 8 năm 2013, của Cục Mỹ thuật thì thấy hoàn toàn khác với tranh của Nguyễn Sáng. Theo ông Quang Việt thì Cục Mỹ thuật đang sử dụng 2 bức tranh giả danh Nguyễn Sáng, còn tranh thật đã biến mất.
Trả lời về vấn đề này, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, ông từng nhìn thấy hai bức tranh của Nguyễn Sáng ở Cục Mỹ thuật từ những năm 1980. “Cục có hẳn những bộ sưu tập của các tác giả lớn, trong đó có Nguyễn Sáng. Tôi tin rằng, thông tin nguồn gốc tác giả, tác phẩm ở đó đều chính xác”, họa sĩ Khánh Chương nói.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ thêm: “Có thể ở những phiên bản khác, tác giả sẽ vẽ khác đi so với bản gốc. Ví dụ như 2 bức tranh của danh họa Nguyễn Sáng được treo ở Cục Mỹ thuật hiện nay. Tôi tin đó là tranh do chính tác giả chép lại. Và mỗi lần chép lại như thế, tác giả có quyền sáng tác thêm. Ở nước ngoài hiện nay, mỗi bức tranh, tác giả có quyền chép lại 10 lần. Tất cả đều được xem là tranh gốc. Chỉ cần họa sĩ đánh số là được”.
“Trong khi tranh giả luôn cố gắng để giống nhất có thể so với tranh thật thì tranh chép của chính tác giả về các phiên bản khác nhau của cùng một bức tranh luôn có “độ chênh” nhất định”, ông Khánh Chương cho biết.
Nguyễn Sáng (1923 - 1988) là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam, tác phẩm của ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (1996). Theo đánh giá của giới mỹ thuật, ông là người đã trải mình trên mọi chất liệu nghệ thuật. Từ tranh khắc, sơn dầu cho đến sơn mài, ông đều đóng góp cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam những tác phẩm quý giá. Đặc biệt, với chất liệu sơn mài, Nguyễn Sáng đã tạo ra một kỹ thuật mới về màu sắc.
Nguyễn Sáng được coi là người đứng đầu trong bộ tứ “Sáng - Nghiêm - Liên - Phái” (Nguyễn Sáng - Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Bùi Xuân Phái) của hội họa Việt Nam hiện đại.
Theo Đào Bích
Lao Động