Cử nhân báo chí về quê làm "thái tử gà mía"

Phi Hùng

(Dân trí) - Suốt 10 năm theo đuổi nghề báo, nhưng nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước quyết định của chàng trai xứ Đoài khi anh từ bỏ ước mơ về quê hương lập nghiệp, trở thành "thái tử gà mía" đất 2 vua.

Ước mơ theo đuổi nghề báo suốt 10 năm

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Huy Ba (SN 1990) ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội - người bạn vốn từng là đồng nghiệp của tôi trong những năm tháng mới ra trường.

Gặp lại nhau, giữa chúng tôi không tránh khỏi những giây phút buồn vui xen lẫn, vui vì cả hai đã trưởng thành hơn sau khoảng thời gian dài được tôi luyện và đều có một mái ấm của riêng mình.

Nhưng cũng thật đáng tiếc khi cả hai không còn được đồng hành rong ruổi trên những con đường phủ đầy bụi mờ để lấy tư liệu viết bài, theo đuổi nghề báo như trước kia. Nguyễn Huy Ba vốn là một người được bạn bè đánh giá rất triển vọng với nghề bởi những bài phóng sự mang đậm dấu ấn riêng.

Cử nhân báo chí về quê làm thái tử gà mía - 1
Anh Nguyễn Huy Ba.

"Lâu không viết lách quên hết nghề rồi, giờ chỉ quanh quẩn với lũ gà, đầu tắt mặt tối từ sáng tới đêm khuya thôi bạn ạ", - Huy Ba cười.

Từng là chỗ quen biết từ lâu, nên Ba không ngần ngại chia sẻ về câu chuyện ước mơ theo đuổi nghề báo của mình.

"Nếu tính cả 2 năm mình thi trượt đại học thì tròn 10 năm mình ấp ủ theo đuổi ước mơ với nghề báo. Trong suốt 2 năm ở nhà, hàng ngày mình vừa phải phụ giúp gia đình chăm sóc cho đàn gà, vừa phải ôn thi rất vất vả.

Cho đến năm 2010, ước mơ mới thực sự mỉm cười khi mình nhận được giấy báo nhập học của trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chuyên ngành Báo in", - Huy Ba chia sẻ.

Chàng trai xứ Đoài cho biết, hồi mới tập viết, mỗi khi được đăng tin bài, dù đó chỉ là một mẩu tin nhỏ nhưng anh cũng cảm thấy rất vui, bởi nó tạo thêm động lực để anh tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Cử nhân báo chí về quê làm thái tử gà mía - 2

 Huy Ba từng được bạn bè đánh giá cao khi có những bài viết phản ánh về thực phẩm bẩn.

"Vì đam mê nên mình chấp nhận chạy xe hàng trăm cây số chỉ để có được vài chục chữ đăng trên mặt báo ngày hôm sau. Rồi có những đợt mưa rét cắt da cắt thịt, mình và bạn đồng hành vẫn rong ruổi bằng chiếc xe máy cũ, chạy hết tỉnh này đến tỉnh khác suốt mấy ngày trời. Nhiều khi chỉ dám chia nhau mẩu bánh mỳ để tiết kiệm tiền đổ xăng", - Nguyễn Huy Ba nhớ lại.

Anh Ba cho biết, thế mạnh của mình là những bài phóng sự điều tra. Sau một thời gian nhập vai điều tra về thực phẩm bẩn cùng người đàn anh - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (một cây bút nổi tiếng với mảng phóng sự điều tra), đã trở thành động lực khiến Huy Ba quyết định về quê lập nghiệp, sản xuất được một nguồn thực phẩm sạch, truy suất nguồn gốc cung cấp cho người tiêu dùng.

"Thời gian làm điều tra phản ánh những tiêu cực về thực phẩm bẩn mình thấy rất buồn và đau lòng, trong đầu luôn đặt ra câu hỏi rằng tại sao giữa con người với nhau lại có thể sẵn sàng làm tất cả, họ bất chấp để đạt được lợi nhuận mà không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Sẵn có thế mạnh về nghề nuôi gà mía của gia đình, vậy là mình quyết định rẽ sang hướng khác để về quê, với mong muốn làm ra những thực phẩm sạch nhất để cung cấp cho thị trường. Mình đã phải suy nghĩ nhiều đêm mới có thể quyết định điều đó, bởi trong con người mình ngọn lửa với nghề nghiệp vẫn đang cháy rực".

"Thái tử gà mía" đất 2 vua

Cái tên "thái tử gà mía" được bạn bè đại học đặt cho Nguyễn Huy Ba, bởi bố anh là Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây nhiều năm nay.

"Bạn bè biết bố mình là Chủ tịch hội nên trêu vậy, bản thân mình cũng không ngờ một ngày lại nối nghiệp của gia đình", - Ba chia sẻ.

Cử nhân báo chí về quê làm thái tử gà mía - 3
Anh Ba có biệt danh là "thái tử gà mía" đất 2 vua.

Cuối năm 2016, anh chia tay với nghề báo trở về quê phát triển trang trại gà mía, ngày đầu trở về quê nhìn thấy bố mẹ và các nông hộ trong vùng chăn nuôi theo cách truyền thống đã bao năm mà vẫn loay hoay tìm đầu ra, điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" lặp đi lặp lại.

Dù thời điểm đó, các ban ngành của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và thị xã Sơn Tây đang bắt đầu triển khai các chương trình xây dựng sản xuất theo mô hình chuỗi, nhưng gia đình Huy Ba và những hộ chăn nuôi trong vùng thì khó thay đổi để theo kịp guồng quay.

Cử nhân báo chí về quê làm thái tử gà mía - 4
Trở về quê, anh Ba loay hoanh tìm hướng đi mới cho gà mía.

Chính vì vậy, anh Ba quyết tâm đi học tập các mô hình sản xuất chuỗi, quy trình chăn nuôi thụ tinh nhân tạo...

Anh tâm sự, chăn nuôi của thời đại 4.0, nếu mình không áp dụng khoa học kỹ thuật, không quản lý quy trình tốt thì đến cuối cùng không biết mình lời hay lỗ, thiếu và yếu ở khâu nào để xử lý".

Gà mía vốn là sản vật tiến vua nổi tiếng, hiện nay sản phẩm đã được phát triển theo mô hình chuỗi do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội hỗ trợ, nên là người con của địa phương anh càng phấn khởi và có thêm động lực để sản xuất giống gà quý của quê hương theo cách bài bản và khoa học.

Nguyễn Huy Ba vui mừng khoe với tôi, vào tháng 10/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức Hội thi gà mía, con gà thi của gia đình anh đã đạt giải đặc biệt và được một công ty đấu giá 27 triệu đồng.

Cử nhân báo chí về quê làm thái tử gà mía - 5
Giờ đây sản phẩm gà mía đã được nhiều người biết đến hơn.

Bằng những nỗ lực đóng góp của mình cho quê hương, anh Ba giờ đây đã trở thành Giám đốc của HTX Đoài Phương, với 5 điểm trang trại gà, 2 điểm trang trại lợn và một khu giết mổ gia cầm.

Đến nay, gà mía của cơ sở anh không chỉ cung cấp con giống tốt đến nhiều trang trại của các tỉnh, mà sản phẩm còn được mọi người biết đến rộng rãi và đánh giá cao.

"Tôi thấy tâm đắc và đúng đắn nhất là đã dám mạnh dạn để nghề chọn người, dù đã có nhiều năm theo đuổi ước mơ, nhưng khi quyết định về quê lập nghiệp thì đây là một quyết định đúng đắn", - anh Ba chia sẻ.