Cư dân mạng Trung Quốc "truy tìm" sự thật về cơn sốt HKT

(Dân trí) – Sau cơn “sốt” chóng vánh ban đầu, báo chí và người hâm mộ "thảm họa" HKT ở Trung Quốc bắt đầu đi tìm hiểu thực hư về chỗ đứng của ban nhạc này trong ngành giải trí Việt Nam.

“HKT đã làm hại ngành giải trí Việt Nam”



Sau khi cư dân mạng Trung Quốc “phát sốt” vì “thảm họa nhạc Việt” HKT, một số tờ báo điện tử như cnhubei.com (trang thông tin điện tử của tỉnh Hồ Bắc) bắt đầu đi tìm hiểu thực hư xung quanh thông tin “HKT là ban nhạc pop nổi tiếng nhất nhì tại Việt Nam”.

Kết quả khá thất vọng khi đa số người Việt đang sinh sống hoặc học tập tại Trung Quốc đều không biết gì về ban nhạc “đình đám” đang làm mưa làm gió trên mạng Trung Quốc trong những ngày qua.

Thực sự, âm nhạc Việt Nam chưa thâm nhập được vào thị trường âm nhạc Trung Quốc nên hình ảnh về các ca sĩ Việt đối với người Trung Quốc còn khá lạ lẫm. Các phóng viên Trung Quốc muốn biết các nghệ sĩ khác ở Việt Nam có phong cách thế nào, có giống với “ba anh thợ cắt tóc ở một thị trấn quê mùa” HKT không.

Sau khi tiếp xúc với những kiều bào sống tại Trung Quốc và được giới thiệu một số chương trình âm nhạc đang diễn ra cùng một số gương mặt ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, tờ cnhubei.com đã kết luận ca sĩ Việt Nam có nhiều nghệ sĩ ăn mặc đẹp, mang phong cách quốc tế. Phong cách của HKT chỉ là thiếu số, không được các bạn trẻ Việt ưa chuộng. HKT không đại diện cho phong cách âm nhạc và “gu” thời trang thịnh hành trong giới nghệ sĩ của dòng nhạc pop đương đại ở Việt Nam.

Cuối cùng, trang cnhubei kết luận: HKT đã làm hại ngành giải trí Việt Nam.

Bên cạnh phản ứng của giới truyền thông, các bạn trẻ Trung Quốc sau cơn “choáng ngợp” ban đầu cũng bắt đầu vỡ ra nhiều điều về ban nhạc này. Sau khi vào các forum âm nhạc Châu Á như Asianfinest.com, nhiều “fan hâm mộ” đã cùng nhau chia sẻ thông tin về HKT:

“Tôi sử dụng Google để tìm thông tin về HKT, xem báo chí Việt Nam từng có bao nhiêu bài viết về họ, nhưng hình như họ không nổi tiếng tại Việt Nam. Họ còn không có trang giới thiệu trên Wikipedia.”

“Trời ơi, người Trung Quốc đang hâm mộ ban nhạc tệ nhất Việt Nam à?”

“Họ có 151 likes và 1002 dislikes trên MV ở trang Youtube sao?” (Con số này vẫn tiếp tục tăng lên)

Cuối cùng, xin sử dụng bình luận của một thành viên trên diễn đàn thay lời kết:

“Đây cũng chỉ là một hiện tượng “nổi tiếng ảo” thường thấy trong thế giới Internet mà thôi.”

 
Pi Uy
Theo Cnhubei & Asianfinest

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm