Hà Nam:

Cụ bà đưa hát dặm Quyển Sơn đi khắp Châu Âu

(Dân trí) - Từ một người nông dân chân lấm tay bùn, cả cuộc đời “một nắng hai sương” gắn bó với đồng ruộng. Cũng vì nặng duyên với điệu hát dặm Quyển Sơn mượt mà, thanh thoát, đằm thắm, mà cụ bà Trịnh Thị Răm đã “gánh” điệu hát dặm Quyển Sơn đi khắp 14 quốc gia.

Đi khắp các vùng miền trải dài trên đất nước hình chữ S chúng ta, không khó để được nghe những câu hát, làn điệu, câu hò…nó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, trong lao động, học tập và cả trong chiến đấu của người Việt Nam.

Hát dặm Quyển Sơn và những biến cố thăng trầm cùng lịch sử

Hát dặm Quyển Sơn Hà Nam, nay thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng cũng vậy, những bài hát dặm Quyển Sơn hầu hết đều là điệu hát thờ thánh, mang âm hưởng tín ngưỡng ca ngợi quê hương, dân tộc, khích lệ lao động mùa vụ và ca ngợi người anh hùng nơi trận mạc.

 Cụ Trịnh Thị Răm với bằng khen Nghệ nhân dân gian.
 Cụ Trịnh Thị Răm với bằng khen "Nghệ nhân dân gian".

Tương truyền, khi Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh thắng giặc Xiêm, lúc về qua rừng trúc dưới chân núi Cấm, thuộc vùng Quyển Sơn, ông đã cho hạ trại khao quân mừng chiến thắng ở đây. Tại đây ông đã truyền dạy cho người dân cách trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm và làn điệu hát dặm, cũng từ đấy người dân nơi đây ai cũng đều biết đến điệu hát dặm Quyển Sơn.

Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Lý Thường Kiệt ấy, dân làng nơi đây đã lập đền thờ Trúc ngay dưới chân núi Cấm. Cũng bắt đầu từ đấy, cứ đến ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng Quyển Sơn lại mở hội tưởng nhớ công ơn to lớn của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Trong ngày hội sẽ tôt chức múa hát dặm Quyển Sơn. Phường múa hát có khoảng 30 người, diễn ngay ở sân đền Trúc.

Ba mươi người trong phường múa hát này được tuyển chọn vô cùng khắt khe, những người được chọn ngoài những cô gái xinh đẹp, hát hay, múa giỏi còn phải là người mà nhà không có tang, thanh tân. Trước đây, khi diễn trong lễ hội phường múa hát là những cô gái phải mặc áo mớ ba nhiễu đỏ trong cùng rồi the đen, the đỏ bên ngoài, yếm đỏ, váy lĩnh, khăn đỏ, mũ tiên đính ngọc. Hết hội, những cô gái múa hát dặm Quyển Sơn lại trở về với công việc đồng áng thường nhật.

Cụ Răm đang kể lại quá trình đi lưu diễn ở Châu Âu.
Cụ Răm đang kể lại quá trình đi lưu diễn ở Châu Âu.

Sau nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hát dặm Quyển Sơn dần mai một theo dòng thời gian. Nhất là từ khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lăng nước ta, cũng từ đó những cô gái trong làng lớn lên cũng chỉ thuộc vài ba câu hát. Tưởng chừng như hát dặm Quyển Sơn sẽ dần dần mai một rồi thất truyền. Nhưng đến năm 1991, có một số người dân đi lấy đá đã phát hiện ra Ngũ Động (nay là Ngũ Động Thi Sơn), chính nơi đây là nơi cất giấu quân lương của Lý Thường Kiệt.

Nhận thấy việc phục dựng lại lễ hội tưởng nhớ công ơn to lớn của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và những điệu hát dặm đã mai một cùng thời gian là điều hết sức cần thiết. Các cấp chính quyền đã bắt tay ngay vào việc phục dựng. Việc phục dựng lễ hội thì ít khó khăn hơn, nhưng cái khó nhất vẫn là những điệu hát dặm Quyển Sơn truyền thống.

 Khi hát dặm Quyển Sơn cụ Răm rất nhập tâm.
 Khi hát dặm Quyển Sơn cụ Răm rất nhập tâm.

Nhưng khắp nơi trong xã bây giờ nếu tìm được cô gái trẻ nào thuộc hết các làn điệu của hát dặm Quyển Sơn thì đúng thật là vấn đề nan giải. Chỉ còn duy nhất cụ Trịnh Thị Răm là bà trùm đời thứ 4, người duy nhất vẫn còn nhớ được hết 38 làn điệu của hát dặm Quyển Sơn.

Người nặng lòng với điệu hát dặm Quyển Sơn

Gặp cụ Trịnh Thị Răm (92 tuổi) nơi cụ đang sinh sống tại nhà cháu ngoại, căn nhà nằm sát chân cầu Quế, nơi con sông Đáy êm đềm, dịu dàng chảy qua, cụ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, chân đã mỏi, nhưng khi nói về những làn điệu hát dặm Quyển Sơn, ánh mắt cụ vẫn sáng ngời đầy năng lượng.

Hồi tưởng lại những ký ức, cụ Răm vẫn còn nhớ như in những làn điệu hát dặm nặng tình ngấm vào máu thịt của mình. Năm 12 tuổi, cụ được lên hát trên Đền. Nhờ có giọng hát hay, trí nhớ tốt, nên cụ Răm được bà trùm bấy giờ truyền dạy kỹ lưỡng 38 làn điệu của hát dặm. Trong 38 làn điệu ấy có một nửa là nhạc múa, còn lại là hát. Hát dặm Quyển Sơn không dùng nhạc cụ đệm theo, mà chỉ dùng đôi sênh tre, do cụ Trùm gõ nhịp lúc khoan, lúc nhặt.

Núi Cấm nơi có Đền Trúc và Ngũ Động.
Núi Cấm nơi có Đền Trúc và Ngũ Động.

Đến năm 18 tuổi, cụ Răm lập gia đình nên không còn nằm trong phường hát trên Đền nữa. Nhưng những làn điệu, nhạc múa đã ăn sâu vào tâm trí cụ. Sau này khi chiến tranh xảy ra, là người được truyền dạy trực tiếp từ các cụ trùm, nên cụ trùm đời thứ 3 là cụ Thinh thấy không ai xứng đáng bằng cụ Răm nên đã “truyền ngôi” vị trùm cho cụ.

Nhưng lúc chiến tranh xảy ra, người người, nhà nhà lo đánh giặc giữ nước cứ vậy hát dặm ít người để ý đến. Khi bắt đầu làm công tác phục dựng lễ hội và truyền dạy lại những câu hát, làn điệu dặm Quyển Sơn, một mình cụ Răm đứng ra truyền dạy cho lớp trẻ trong làng. Cứ như thế hết lớp này đến lớp khác, cụ đã truyền dạy hát dặm cho không biết bao nhiêu người.

Cụ Răm tâm sự: “Với hát dặm Quyển Sơn, người hát phải thực sự yêu và hiểu từng làn điệu, nếu không hiểu và không yêu thì sẽ khó mà đi vào lòng người. Múa và hát dặm Quyển Sơn là do người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt bày cho người dân vùng này. Bài hát dặm đầu tiên được chép bằng chữ Nôm có tên là "Lý Đại vương bình Chiêm sự tích diễn ca".

Tâm nguyện duy nhất của cụ Răm chỉ làm sao những làn điệu hát dặm Quyển Sơn sẽ không bị thất truyền. Nhưng không ngờ hát dặm Quyển Sơn lại mau chóng nổi và được một nghệ sỹ múa người Pháp gốc Việt là Easola Thủy về nước tìm đến xin thu âm hát dặm của cụ Răm.

Bất ngờ lớn đã xảy ra khi một năm sau đó, nghệ sỹ Easola Thủy quay về Việt Nam và ngỏ ý muốn mời cụ Răm đi diễn ở các nước Châu Âu. Lúc này cụ Răm cũng đã ở cái tuổi “thất tuần”, nhưng nghĩ đến việc nếu chỉ để hát dặm Quyển Sơn chỉ không thất truyền thôi là chưa đủ, cần phải đưa hát dặm đi khắp nơi để thế giới biết đến, thế là cụ Răm đồng ý ngay.

Từ một người nông dân chân lấm tay bùn, cụ Răm cùng 13 cụ nông dân hát chèo của hai làng Thượng Liệt và An Khê, thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã bắt đầu cuộc hành trình lưu diễn ở Châu Âu.

 Người nông dân đưa hát dặm Quyển Sơn đi đi khắp Châu Âu.
 Người nông dân đưa hát dặm Quyển Sơn đi đi khắp Châu Âu.

Trong những năm 2005 và 2006, cụ Răm đi 4 đợt, mỗi năm 2 đợt và mỗi đợt 4 tháng. Chủ yếu cụ lưu diễn tại các nước Châu Âu như: Đan Mạch, Na Uy, Anh, Bỉ, Đức và Mỹ… Tính ra đã là 14 quốc gia Châu Âu khác nhau.

Nhờ đóng góp một phần công sức lớn trong việc khôi phục lại hát dặm Quyển Sơn mà cụ Trịnh Thị Răm đã vinh dự được công nhận "Nghệ nhân dân gian" của Hội Văn nghệ Dân gian Việt nam.

Cụ Răm tâm sự: “Giờ tôi cũng không làm trùm nữa, đã truyền lại cho em gái tôi. Điều tôi mong muốn nhất là làn điệu, câu ca hát dặm Quyển Sơn sẽ được nhiều người biết đến, không chỉ là trong nước mà là còn là bạn bè quốc tế”.

Đức Văn