Công ty lữ hành “bối rối” khi hàng loạt danh lam thắng cảnh đóng cửa

(Dân trí) - Nhiều công ty lữ hành tỏ ra bối rối khi hàng loạt di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành đóng cửa, dừng đón khách.

Hoàng loạt di tích, danh lam thắng cảnh đóng cửa

Sáng 5/2, BQL Phủ Tây Hồ - Hà Nội đã treo biển thông báo sẽ tạm đóng cửa, dừng đón khách kể từ ngày 5/2 để phòng dịch corona.

Đại diện BQL Phủ Tây Hồ cho biết, nếu du khách thập phương có nhu cầu đến lễ bái thì có thể đứng ngoài vái vọng. Đây cũng là việc làm “bất đắc dĩ” để đảm bảo an toàn cho mọi người trong mùa dịch. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều hộ dân kinh doanh tại đây, so với những năm trước, lượng khách những ngày Tết Nguyên đán vừa qua đổ về đây khá thưa vắng. Đặc biệt, khi có cảnh báo về dịch bệnh do virus corona gây ra, lượng khách lại càng ít hơn.

Công ty lữ hành “bối rối” khi hàng loạt danh lam thắng cảnh đóng cửa - 1

Phủ Tây Hồ treo biển tạm đóng cửa, dừng đón khách từ ngày 5/2.

Trước đó, vào 15h ngày 4/2, hàng loạt di tích khác như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Di tích Nhà tù Hoả Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn… cũng đồng loạt thông báo tạm dừng đón khách tham quan để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona gây ra.

“Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ VHTT&DL, thành phố Hà Nội về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… Trung tâm Bảo tồn Thăng Long - Hà Nội trân trọng thông báo tạm dừng hoạt động đón khách tham quan tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa từ 15h ngày 4/2/2020.

Thời gian mở cửa trở lại Trung tâm sẽ thông báo sau theo chỉ đạo của UBND thành phố. Kính mong quý khách thông cảm và hợp tác để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”, thông báo của Hoàng thành Thăng Long nêu rõ.

Trước đó, đơn vị này cũng khuyến cáo du khách khi đến tham quan di tích nên đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm virus corona.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, việc đóng cửa di tích là để chủ động trong việc vệ sinh, phun thuốc phòng dịch trong toàn khuôn viên di tích. Dự kiến, chiều nay, di tích sẽ tiến hành phun thuốc phòng dịch và đến 6/2 sẽ cho mở cửa đón khách trở lại.

“Việc đóng cửa di tích chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu của di tích mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp lữ hành nhận tour của khách quốc tế từ trước. Tuy nhiên, không còn cách nào khác là phải đặt an toàn của du khách lên trên hết”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, do “đại dịch” virus corona nên từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động vui Xuân đón Tết vì thế cũng ảm đảm chưa từng thấy. Ông Kiêu mong muốn đại dịch qua nhanh để mọi hoạt động sớm ổn định trở lại.

Công ty lữ hành "bối rối" vì virus corona

Ông Phạm Văn Bảy - GĐ Truyền thông Vietravel chi nhánh Hà Nội chia sẻ, việc các di tích, danh lắm thắng cảnh đóng cửa đã khiến cho các công ty lữ hành gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo cũng mới chỉ mang tính chất khuyến cáo chứ không yêu cầu đóng cửa hẳn nên các công ty lữ hành cũng không có cơ sở để làm việc với khách và các đối tác.

Công ty lữ hành “bối rối” khi hàng loạt danh lam thắng cảnh đóng cửa - 2

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đóng cửa, dừng đón khách từ chiều 4/2.

“Trước đây, khi có dịch bệnh và có các văn bản chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ VHTT&DL và Sở VHTT&DL/Sở Du lịch các tỉnh - thành phố thì nhiều khách hàng đã xin huỷ tour. Mới đây, chúng tôi lại tiếp tục nhận được hàng loạt thông báo tạm đóng cửa, dừng đón khách của các danh lam thắng cảnh ở Hà Nội, Côn Đảo, Nha Trang… từ 4/2 cho đến khi có thông báo mới.

Mặc dù chúng tôi đã cố gắng linh hoạt để xử lý các trường hợp nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Vì thực tế, các văn bản chỉ đạo vẫn chưa đủ cơ sở để chúng tôi đề xuất với đối tác hỗ trợ trong việc hoàn huỷ tour cho khách hàng, nhất là với dịch vụ lưu trú, điểm đến và các hãng hàng không.

Dưới góc độ công ty lữ hành, chúng tôi rất mong muốn các văn bản chỉ đạo cụ thể hoá hơn và có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp để chúng tôi có đủ căn cứ mà làm việc với đối tác và khách hàng”, ông Bảy nhấn mạnh.

Hướng dẫn viên Bùi Thị Hà - Hà Nội cho rằng, việc đóng cửa và tạm dừng đón khách ở các danh lam thắng cảnh đã làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của các công ty. Hệ quả của việc này là các tour sẽ không được thực hiện đúng như lịch trình. Tuy nhiên, chị Hà ủng hộ việc làm này bởi đó là giải pháp tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho du khách.

“Theo hợp đồng thì công ty lữ hành sẽ không phải đền bù cho khách mà chỉ hoàn tiền thôi vì sự việc này nằm trong các trường hợp bất khả kháng: thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên, sự việc này cũng khiến cho nhiều công ty lữ hành hết sức bối rối khi xử lý.

Theo tôi, những khách nào chưa bay vào Việt Nam thì nên dừng lại, hoãn tour sang hè. Tức là khoản tiền đặt cọc cứ để đó, hoãn sang thời điểm khác. Nếu khách không thể sắp xếp sang được vào dịp khác thì hoàn tiền lại chứ đi chơi trong sự sợ hãi cũng chẳng thoải mái gì. Nếu khách đã qua Việt Nam rồi thì có thể chuyển qua thành các chương trình như cooking class hoặc hoàn tiền landtour để họ tự do tham quan”, chị Hà bày tỏ.

Trước đó, ngày 4/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở về việc triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội năm 2020.

Theo đó, Sở đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ VHTT&DL và Thành phố về phòng, chống dịch bệnh trong các hoạt động lễ hội, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Dừng tất cả các lễ hội theo đúng chỉ đạo tại công điện 396 của Bộ VHTT&DL và Công văn số 343 của UBND Thành phố cho đến khi có thông báo mới.

Tạm dừng việc đón khách tham quan và tổ chức hoạt động văn hóa tại các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người. Thông báo rộng rãi cho nhân dân, du khách biết, thực hiện.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm