Công Trí kể câu chuyện “huyền thoại” về loại vải thượng hạng của Việt Nam
(Dân trí) - NTK Công Trí vừa trình làng 40 mẫu thiết kế phối giữa lãnh Mỹ A với trang sức sơn mài cao cấp. Thông qua bộ sưu tập này, NTK gốc Đà Nẵng muốn kể câu chuyện “huyền thoại” về loại lụa được cho là thượng hạng ở Việt Nam.
Trong làng thời trang Việt, NTK Công Trí được xem là một trong những tên tuổi hàng đầu. Anh hiện là thành viên của Hiệp Hội thời trang cao cấp Châu Á và có mặt trong top 100 nhà thiết kế đương đại nổi bật nhất trên toàn thế giới. Tên tuổi của anh cũng gắn liền với nhiều chương trình thời trang, giải trí và nghệ thuật trong nước….
NTK Công Trí cho biết, anh biết đến lãnh Mỹ A - loại vải thượng hạng và quý hiếm bậc nhất Việt Nam vào hồi đầu năm 2016, khi bắt tay thiết kế bộ sưu tập số 9 mang tên “Lúa”. “Lúa” đã tạo được ấn tượng đặc biệt trong Tokyo Fashion Week và tiếp tục chinh phục các tín đồ thời trang tại Vietnam International Fashion Week 2016 (vào tháng 4/2016 tại TP.HCM).
Theo Công Trí, khi mang “Lúa” đến với xứ sở Phù Tang, khán giả Nhật Bản đã rất trầm trồ trước những mẫu thiết kế từ chất liệu lãnh Mỹ A của Việt Nam. Nhiều người không nghĩ rằng, Việt Nam lại có thể có những chất liệu đặc biệt như thế. Và khi biết thêm câu chuyện đằng sau mỗi tấm lãnh Mỹ A, người Nhật lại càng yêu thích hơn những mẫu thiết kế này.
Tuy nhiên, nếu với bộ sưu tập “Lúa”, Công Trí mới để Lãnh Mỹ A xen vào như một cuộc dạo chơi bên cạnh những chất liệu khác như: voan, nhung, lụa, đũi… thì trong bộ sưu tập tháng 11/2016, lãnh Mỹ A đứng một mình không cần bất cứ sự bổ trợ nào, trong sự độc tôn và kiêu hãnh về chất liệu.
Màu đen duy nhất và hiệu ứng sơn mài trên chất liệu lãnh Mỹ A là “cơ hội” để Công Trí thể hiện dấu ấn phong cách đặc trưng của mình. Đó là những chi tiết thủ công tinh xảo với kỹ thuật xử lý smocking đan tết vải với kỹ thuật mắt nan… Cộng hưởng giữa sắc đen bóng huyền ảo của lãnh Mỹ A và nghệ thuật bố cục chi tiết tinh xảo đã tạo nên bộ sưu tập thuần Việt vừa gần gũi nhưng không kém phần lạ lẫm, tạo sức hút thị giác ấn tượng đầy sang trọng và hiện đại.
NTK Công Trí tâm sự rằng: “Tôi biết đến và sử dụng loại chất liệu này để thiết kế từ đầu năm nay, trong bộ sưu tập số 9 của tôi. Trước giờ, tôi chưa bao giờ thấy loại chất liệu nào cầu kỳ đến như lãnh Mỹ A. Để tạo ra được một mét vải, người nhân công phải thực hiện rất nhiều thao tác với nhiều công đoạn cầu kỳ. Nó là một điều thú vị so với những loại vải khác. Những loại vải khác có thể nhuộm công nghiệp nhưng loại vải này chỉ có thể làm thủ công.
Vải này đặc tính rất đỏng đảnh, khi may rất khó may, dễ nhăn, dễ bị lỗi… Thậm chí đã đặt mũi kim nào thì phải chính xác mũi kim đấy. Và để chạy đường chỉ cho vải này tôi phải sang tận Nhật Bản mới mua được loại kim mũi tròn, loại kim này ở Việt Nam không có.. Vải này có một đặc tính rất hay đó là làm cho người thiết kế lẫn người lao động phải cực kỳ cẩn trọng, nghiêm túc và tỉ mỉ”.
Vì lẽ đó mà khi anh quyết định kết hợp giữa lãnh Mỹ A với sơn mài để tạo ra bộ sưu tập gồm 40 mẫu thiết kế là nhằm truyền đi những thông điệp đa nghĩa về “hồn” Việt.
“Thông điệp của tôi trong bộ sưu tập lần này đơn giản là những gì thuộc về đất nước - con người Việt Nam luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc sáng tạo. Đặc biệt, tôi cũng muốn mọi người hãy sử dụng hàng Việt Nam vì đất nước chúng ta có rất nhiều chất liệu tốt, đẹp và những câu chuyện hay ho phía sau. Chúng ta cũng có quyền tự hào vì chỉ đất nước mình mới có những loại chất liệu đó. Và với sự kết hợp giữa Lãnh Mỹ A với trang sức sơn mài lần này, tôi muốn đưa đến cho mọi người một khái niệm mới “lụa sơn mài”. Cả hai đều là “hồn vía” của Việt Nam”, NTK Công Trí chia sẻ thêm.
NTK gốc Đà Nẵng bày tỏ, khi đến với xưởng sơn mài của Hanoia, anh đã rất ngạc nhiên vì các công đoạn làm sản phẩm rất tỉ mỉ, công phu và đạt đến độ xuất sắc. Điều này khiến anh rất hứng thú khi “phối hôn” giữa lãnh Mỹ A với sơn mài vì lãnh Mỹ A là một màu đen tuyền, rất khó kết hợp với các chất liệu khác. Sự kết hợp này đã tạo nên những bộ trang phục sống động. Với hai họa tiết chủ đạo là quạt mo cau và lá tre, đắp vải đen trên nền đen, chỉ khác nhau về các sắc độ đầy biến ảo… Công Trí đã trình diễn một thứ ngôn ngữ mê dụ của các sắc đen.
Được coi là “nữ hoàng của các loại tơ tằm”, lãnh Mỹ A từng chỉ dành cho những quí bà, quí cô thuộc gia đình thượng lưu, giàu có. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, những xấp lãnh Mỹ A nức tiếng Nam kỳ theo thương lái đến tay giới quyền quí ở tận Nam Vang (Campuchia) và Xiêm La (Thái Lan). Ngày ấy, Tân Châu (An Giang) nổi danh là xứ tơ tằm với những nương dâu, ruộng tằm xanh biếc.
Trải qua nhiều biến cố của thời cuộc, tơ tằm Tân Châu mai một dần nhưng nghề dệt lãnh vẫn còn. Sử dụng những sợi tơ loại một của Bảo Lộc - Lâm Đồng, nơi những con tằm khỏe mạnh đến từ núi Phú Sĩ (Nhật Bản) xa xôi được ăn loại lá dâu tốt nhất để nhả ra những sợi tơ dài trắng ngà, mềm mượt và không mối nối. Những sợi tơ này là xương sống để tạo nên những tấm lãnh óng ả, đẹp không tì vết.
Sau khi dệt xong, những tấm lãnh này được nhuộm bằng nhựa của trái mặc nưa theo một công thức bí truyền độc đáo. Không biết ai đã tìm ra công dụng của trái mặc nưa, nhưng loại cây này được trồng phổ biến ở miền Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar. Cây mặc nưa đỏng đảnh, ưa đất cằn, ra trái từ cuối tháng Tư ta, lai rai đến hết tháng Chạp và thường không trữ được quá ba ngày. Nhựa của nó ban đầu có màu vàng sánh, sau chuyển dần đen kịt trong môi trường không khí và thấm vào từng thớ lãnh Mỹ A một màu đen huyền hoặc.
Nhờ chất tơ hảo hạng, nhờ trái mặc nưa kỳ bí và nhờ quy trình dệt nhuộm vô cùng phức tạp, lãnh Mỹ A đến nay vẫn là thứ lụa tuyệt vời. Lãnh luôn có một mặt bóng và một mặt mờ. Bề mặt lãnh mịn màng, đen bóng, càng dùng lâu càng trở nên óng ả. Khoác tấm lãnh Mỹ A huyền bí lên người, bạn sẽ cảm nhận sự mịn màng của thớ lụa, và say với hương thơm mặc nưa dịu dàng, quyến rũ. Bạn cũng sẽ thấy mát rượi vào mùa hè và ấm áp những ngày đông. Đặc biệt, lãnh Mỹ A mang hiệu ứng của da, của giấy và của lụa trên từng mét vải nên nó còn được gọi với cái tên thân thiết - lụa sơn mài.
Hà Tùng Long