Cổng tam quan chùa Bổ Đà xây đúng quý trình, không phá vỡ cảnh quan?

(Dân trí) - Đó là ý kiến của ông Trần Minh Hà - Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang về những ồn ào liên quan đến việc chùa Bổ Đà - ngôi chùa độc đáo nhất xứ Kinh Bắc xây dựng cổng tam quan.

Chùa cổ "bỗng" mọc cổng tam quan?

Những ngày qua, giới chuyên môn lẫn du khách bàn tán khá nhiều về việc chùa Bổ Đà (Bắc Giang) - Di tích Quốc gia đặc biệt được công nhận vào năm 2016 vừa “mọc” thêm cổng tam quan.

Chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc . Chùa tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu , thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang .

Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc với vườn tháp lớn - đẹp nhất Việt Nam, hàng trăm cuốn kinh sách trong đó có bộ mộc bản kinh Phật thiền phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam được khắc vào khoảng năm 1741 và hàng chục pho tượng Phật mang nhiều giá trị độc đáo có từ thời Lê.

Vẻ đẹp cổ kính của chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: TL.
Vẻ đẹp cổ kính của chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: TL.

Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng vào thời Hậu Lê ). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương - có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm.

Theo TS. Nguyễn Hồng Kiên - Chủ biên cuốn “Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích” thì chùa vốn không có tam quan dù có tới hai lớp cổng nối nhau bằng các trình tường bằng đất.

“Mặc dù có nhiều hạng mục công trình, nhưng ở chùa Tứ Ân lại không có tam quan… Lối chính vào khu nội tự nằm phía Tây và phải đi qua hai lớp cổng cách nhau khoảng 50m. Đoạn đường giữa hai cổng rộng khoảng 2m, lát đá sa thạch, hai bên có tường đắp đất cao hơn 2m”- trích trong cuốn “Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích”, trang 211.

Vì thế, việc ngôi cổ tự này bỗng dưng mọc lên một cổng tam quan đồ sộ khiến cho cảnh quan của chùa không còn giữ được nét nguyên sơ đã làm dấy lên nhiều tranh cãi.

TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng, việc không có tam quan là một giá trị đặc biệt độc đáo của chùa Bổ Đà. Đặc điểm này ở chùa Bổ Đà và một số ngôi chùa khác là nét độc đáo không chỉ về kiến trúc, mà cả về tôn giáo tín ngưỡng.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc - di sản cũng tỏ ra bất bình khi cổng tam quan được xây dựng đã khiến cho ngôi chùa cổ mất đi nét đẹp riêng có theo thời gian và làm phá vỡ cảnh quan trong tổng thể kiến trúc. Bên cạnh đó, đây là một Di tích Quốc gia đặc biệt nên việc xây dựng cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia bảo tồn di tích và cơ quan quản lý.

Xây cổng đúng quy trình, không ảnh hưởng đến di tích

Tuy nhiên, Sở VHTT&DL Bắc Giang cho rằng, trước khi xây dựng cổng tam quan chùa Bổ Đà, Sở đã có văn bản xin ý kiến của Bộ VHTT&DL và đã nhận được công văn của Bộ VHTT&DL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký. Công văn thỏa thuận báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng tam quan chùa Bổ Đà (quy mô mặt bằng 3 gian, 2 chái, 2 tầng mái; tầng dưới tường hồi bít đốc, tầng trên 1 gian, 2 chái mái đao).

Bộ VHTT&DL cũng đề nghị Sở này chỉ đạo cơ quan liên quan công khai nội dung báo cáo để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chính quyền địa phương, trụ trì chùa Bổ Đà trước khi trình phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Cổng tam quan chùa Bổ Đà đang xây dựng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia. Ảnh: Tiền phong.
Cổng tam quan chùa Bổ Đà đang xây dựng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia. Ảnh: Tiền phong.

Ngay sau khi tiếp nhận được công văn của Bộ VHTT&DL, Sở VHTT&DL Bắc Giang đã có công văn gửi UBND huyện Việt Yên đề nghị thực hiện một số nội dung như: thông báo nội dung báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng tam quan chùa Bổ Đà tại địa phương nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, chính quyền địa phương, trụ trì chùa Bổ Đà trước khi ra quết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật; Lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng và di sản văn hóa, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình.

Ông Trần Minh Hà - Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang cho biết, ngay khi UBND huyện Việt Yên đề xuất ý tưởng xây dựng cổng tam quan chùa Bổ Đà, Sở đã gửi văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTT&DL. Bộ VHTT&DL sau khi xem xét văn bản đã có công văn thỏa thuận đồng ý cho xây dựng cổng tam quan này và chúng tôi cũng có văn bản yêu cầu UBND huyện phải làm đúng quy định.

“Việc xây dựng do huyện trực tiếp thực hiện và Sở với vai trò quản lý nhà nước đã có văn bản chỉ đạo cụ thể. Về cơ bản, họ cũng thực hiện đúng quy trình.

Phải nói rõ rằng, lúc UBND huyện Việt Yên đề xuất xây dựng cổng tam quan thì chùa Bổ Đà chưa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt mà mới chỉ trong quá trình làm hồ sơ thôi. Đến tận 2017, chùa mới chính thức được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Thời điểm chúng tôi có văn bản báo cáo và xin chỉ đạo của Bộ, nếu Bộ yêu cầu tổ chức hội thảo thì chúng tôi sẽ làm nhưng không thấy Bộ có ý kiến gì nên chúng tôi làm theo đề xuất thôi”, ông Hà chia sẻ thêm.

Theo ông Trần Minh Hà, vì công trình được xây dựng theo vốn xã hội hóa nên dù ý tưởng được đề xuất từ năm 2016 nhưng đến 2017, việc xây dựng cổng tam quan chùa Bổ Đà mới thực hiện được. Ngay lúc huyện triển khai xây dựng cũng không có văn bản báo cáo Sở. Vì thế, khi Sở biết chuyện đã cử cán bộ xuống kiểm tra và thấy việc xây dựng đúng quy trình nên cũng không có ý kiến gì.

Liên quan đến ý kiến của các chuyên gia về việc xây dựng công tam quan làm ảnh hưởng đến di tích, ông Trần Minh Hà cho rằng, đó là một ý kiến để địa phương nghiên cứu thêm. Theo ông Hà, thực ra khu vực xây cổng tam quan không động đến di sản.

“Trước đây chùa cũng có cổng nhưng trông sập sệ lắm. Vừa rồi, họ cũng muốn làm đàng hoàng lên. Thực ra, ý kiến của các nhà nghiên cứu cũng là một kênh để tham khảo. Tuy nhiên, xét về gốc độ bình thường thì việc họ làm cổng đó cũng là để bà con thuận tiện đi lại. Ví dụ như đi qua cổng tam quan là đi thẳng vào nhà thờ Tam Bảo luôn.

Còn vị trí xây cổng trước đây là một khu vườn bị bỏ hoang, không có ai qua lại, cách biệt hẳn với các công trình trong trong chùa. Và nhân tiện việc xây cổng họ cũng có ý định cải tạo cảnh quan khu vườn cho đẹp lên. Công trình này không ảnh hưởng gì đến tường bao hoặc nền móng di tích gì cả. Chỉ có điều, công trình mới nằm trong khuôn viên di tích mang trầm tích lâu đời có thể sẽ không ăn nhập gì với tổng thể kiến trúc nhưng theo thời gian tôi nghĩ việc đó sẽ khắc phục được”, ông Trần Minh Hà bộc bạch.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm