Công chúng nổi giận vì tranh khắc họa nữ thần khỏa thân bị gỡ bỏ

(Dân trí) - Bức họa đặc tả những nữ thần sông nước khỏa thân đã bị gỡ bỏ khỏi một triển lãm nghệ thuật khiến công chúng nổi giận.

Triển lãm Nghệ thuật Manchester - một trong những triển lãm hàng đầu tại Anh - mới đây đã phải đối diện với những tranh cãi đến từ dư luận sau khi họ gỡ bỏ một tác phẩm mỹ thuật. Đó là bức vẽ “Hylas và các nữ thần” được hoàn thành vào năm 1896 bởi họa sĩ người Anh John William Waterhouse (1849-1917).

Bức vẽ khắc họa chiến binh Hylas trong thần thoại Hy Lạp cổ đại đang bị quyến rũ bởi một nhóm các nữ thần sông nước khỏa thân. Bức vẽ đã tạm thời bị đưa ra khỏi gian trưng bày trong một động thái của triển lãm nhằm cân nhắc lại những tác phẩm nghệ thuật khắc họa cơ thể phụ nữ.

Mặc dù động thái này thể hiện sự vào cuộc trong lĩnh vực mỹ thuật, sau loạt vụ bê bối quấy rối phụ nữ trong nền công nghiệp giải trí Mỹ, nhưng công chúng Anh cho rằng hành động này không thực sự khôn ngoan và tác dụng đưa lại cũng sẽ không đáng kể.

Bức “Hylas và các nữ thần” của họa sĩ người Anh John William Waterhouse đã tạm thời bị đưa khỏi gian trưng bày của Triển lãm Nghệ thuật Manchester.
Bức “Hylas và các nữ thần” của họa sĩ người Anh John William Waterhouse đã tạm thời bị đưa khỏi gian trưng bày của Triển lãm Nghệ thuật Manchester.

Phòng Triển lãm Nghệ thuật Manchester hy vọng bằng cách đưa bức tranh ra khỏi gian trưng bày, họ sẽ mở ra những cuộc đối thoại xoay quanh việc trưng bày các tác phẩm hội họa khắc họa cơ thể phụ nữ.
Phòng Triển lãm Nghệ thuật Manchester hy vọng bằng cách đưa bức tranh ra khỏi gian trưng bày, họ sẽ mở ra những cuộc đối thoại xoay quanh việc trưng bày các tác phẩm hội họa khắc họa cơ thể phụ nữ.

Bức “Hylas và các nữ thần” khắc họa một chi tiết trong câu chuyện thần thoại về “Jason và bộ lông cừu vàng”, trong đó, chiến binh Hylas - người bạn đồng hành, người tùy tùng của dũng sĩ Heracles - khi thực hiện sứ mệnh đi tìm bộ lông cừu vàng đã bị mê hoặc bởi những nữ thần sông nước tuyệt đẹp.

Trong một lần đi ra sông lấy nước, Hylas đã gặp các nữ thần, họ vây lấy anh, các nữ thần cũng bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của Hylas, một nữ thần đã đặt nụ hôn lên môi Hylas và kể từ giây phút đó Hylas biến mất không để lại dấu vết.

Việc Triển lãm Nghệ thuật Manchester cất bức “Hylas và các nữ thần” đi chỉ là một cách để họ kích thích những đối thoại của công chúng xoay quanh việc trưng bày những tác phẩm có khắc họa cơ thể phụ nữ. Vị trí treo bức “Hylas và các nữ thần” hiện đang được để trống như một sự nhắc nhớ về việc bức tranh đang vắng mặt.

Bức tranh vốn nằm trong gian trưng bày có tên “Theo đuổi cái đẹp”. Tranh bị đem đi cất từ ngày 26/1 vừa qua và ngay lập tức đã làm dấy lên những tranh cãi từ phía công chúng và cả trên mặt báo Anh. Ngay cả những tấm thiệp có in hình bức tranh cũng bị tạm thời đem cất khỏi gian hàng bán đồ lưu niệm của triển lãm.

Đại diện phía triển lãm cho biết chính những cuộc tranh luận xoay quanh nạn quấy rối trong nền công nghiệp giải trí thời gian qua đã khiến họ đưa ra quyết định này. Nhiều chuyên gia hội họa đã lên tiếng xung quanh động thái này của triển lãm, cho rằng đây là một “tiền lệ nguy hiểm đối với những tác phẩm hội họa”.

Mới đây, cũng xảy ra một sự việc tương tự, khi Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York, Mỹ, khẳng định họ sẽ không gỡ bỏ bức “Thérèse nằm mơ” (1938) của họa sĩ Pháp Balthus, mặc dù có những ý kiến từ phía công chúng cho rằng bức tranh không thể chấp nhận trong đời sống văn hóa hôm nay.
Mới đây, cũng xảy ra một sự việc tương tự, khi Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York, Mỹ, khẳng định họ sẽ không gỡ bỏ bức “Thérèse nằm mơ” (1938) của họa sĩ Pháp Balthus, mặc dù có những ý kiến từ phía công chúng cho rằng bức tranh không thể chấp nhận trong đời sống văn hóa hôm nay.

>> Tranh khắc họa cô gái mới lớn bị yêu cầu đưa ra khỏi bảo tàng
>> Bức tranh khắc họa cô gái mới lớn sẽ không bị gỡ bỏ

Bích Ngọc
Theo Guardian