Công chiếu bộ phim về Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Việt Nam

(Dân trí) - Bộ phim tài liệu “Bước chân an lạc” (Walk With Me) được hai nhà làm phim người Anh - Marc J. Francis và Max Pugh thực hiện trong 3 năm. Phim dự kiến sẽ công chiếu tại TP.HCM và Hà Nội bắt đầu từ ngày 1/3.

Trước khi ra mắt ở Việt Nam, bộ phim này được công chiếu ở nhiều nước Âu Mỹ cùng các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như: Thái Lan, Hong Kong... Phim vốn dự kiến chiếu ở Việt Nam từ tháng 11/2017 song vì nhiều lý do, phải dời tới đầu tháng 3 năm nay.

Với một hành trình tiếp cận không định trước của việc làm phim không bằng kịch bản mặc định như thông thường, “Bước chân an lạc” dẫn dắt người xem có dịp hạnh ngộ với thế giới tu hành của vị Thiền sư nổi tiếng , đồng thời khắc họa khá rõ nét cuộc đời của một cộng đồng thiền sinh đã quyết tâm từ bỏ của cải vật chất đời thường, cùng hướng tâm về một đời sống tâm linh, cùng thực hành pháp chánh niệm của Phật giáo.

Chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Đạo diễn Max Pugh chia sẻ: “Cách đây mười năm em trai tôi đã từ bỏ nhà cửa, tiền bạc, xe hơi để đến sống đời thiền sinh ở thiền viện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Quyết định này không bất ngờ với tôi vì trước đó em tôi đã nghiên cứu về Phật Giáo vài năm, trước khi cậu ấy tốt nghiệp đại học.

Chúng tôi đã nói nhiều về lựa chọn nghề nghiệp của cậu ấy, nhưng cho đến khi một thầy tu lớn tuổi trong cộng đồng của cậu tiếp cận tôi về việc ghi hình khóa giảng dạy của Thiền sư Nhất Hạnh ở Mỹ và Canada hồi năm 2011, khi ấy tôi mới bắt đầu chính thức có cơ hội trải nghiệm đời sống của một Thiền sư. Vào thời điểm ấy, tôi bắt tay với người bạn cũ của mình là đạo diễn Marc J. Francis cùng thực hiện bộ phim tài liệu “Bước chân an lạc” này.

Trải nghiệm được đồng hành trong đời sống với các Thiền sư của Làng Mai đã thay đổi cuộc đời tôi theo nhiều cách. Thực hành lắng nghe chuyên sâu, chia sẻ chuyên sâu và sống kề cận các Thiền sư Làng Mai đã khuyến khích tôi đào sâu và làm việc chăm chỉ hơn, để tìm ra cách thể hiện con đường tu tập của họ trên phim một cách tốt nhất và chân thực nhất có thể.

Chúng tôi đầu tư nhiều thời gian trong quá trình làm phim để được trải nghiệm đầy đủ, đồng thời xem đấy là cơ hội phát triển một ngôn ngữ điện ảnh khi kể chuyện về Chánh niệm”.

Công chiếu bộ phim về Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Việt Nam - 2
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire do ông viết.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách "Vietnam: Lotus in a Sea of Fire" do ông viết.

Đạo diễn Marc J. Francis bày tỏ: “Trước khi bắt tay làm phim này, tôi biết rất ít về Thiền sư Thích Nhất Hạnh dù rằng tôi đã luôn tò mò về Thiền - Phật giáo… Khi gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu tiên, tôi đã thực sự ấn tượng bởi cảm giác hiện hữu ấy và nhất là với cái cách mà Thiền sư thực hành Chánh niệm. Cuộc gặp gỡ đó truyền cảm hứng cho tôi tìm ra cách làm bộ phim này để ghi lại trải nghiệm hiện hữu này, bằng ngôn ngữ điện ảnh trong một bộ phim tài liệu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Huế. Ông từng được người bạn nổi tiếng của mình là Martin Luther King, Jr. đề cử vào giải Nobel Hòa Bình năm 1967.

Công chiếu bộ phim về Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Việt Nam - 4
Rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã đi theo con đường của Thiền sư.
Rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã đi theo con đường của Thiền sư.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn được khắp phương Tây biết đến là người rất nhiệt tâm với các hoạt động nhân quyền ở tầm quốc tế, đồng thời là nhà thơ và cũng là tác giả vô cùng thành công.

Đạo diễn lừng danh người Mexico Alejandro G. Inarritu xem thiền sư Thích Nhất Hạnh là “một trong những người có trí tuệ thâm sâu nhất” trên thế giới.
Đạo diễn lừng danh người Mexico Alejandro G. Inarritu xem thiền sư Thích Nhất Hạnh là “một trong những người có trí tuệ thâm sâu nhất” trên thế giới.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm