Công bố những thước phim quý giá về cuộc đời cố NSƯT Thanh Nga
(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của vợ chồng cố NSƯT Thanh Nga, cháu trai của bà là nghệ sỹ Hữu Châu cùng gia đình đã quyết định công bố những thước phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của nữ nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh này.
Theo đạo diễn Lê Quang Thanh Tâm - người đóng vai trò đạo diễn của phim thì đây là lần đầu tiên những tư liệu quý về “nữ hoàng cải lương” được công bố rộng rãi.
Nam đạo diễn chia sẻ, trong bộ phim tài liệu này, người hâm mộ sẽ được nghe nghệ sĩ Phạm Duy Hà Linh - con trai duy nhất của vợ chồng NSƯT Thanh Nga kể lại nhiều mẩu chuyện xúc động về cha mẹ mình và cả nỗi thương nhớ khôn nguôi sau khi phải chứng kiến cha mẹ bị sát hại, âm dương cách biệt.
Bên cạnh đó, khán giả còn có cơ hội lắng những người thân của NSƯT Thanh Nga là bà Lư Ánh Mai (em ruột) và Lư Phương (cháu ruột) trải lòng về bà. Đặc biệt, phim còn có cả những hoài niệm của một thế hệ nghệ sỹ vàng từng cận kề bên nữ nghệ sỹ Thanh Nga như: Mộng Tuyền, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kim Hương, Xuân Lan…
NSƯT Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh 1942, quê quán ở Tây Ninh. Cha của bà là ông Nguyễn Văn Lợi, mẹ là bà Nguyễn Thị Thơ (tức bà bầu Thơ) trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời.
Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh do nghệ sĩ Năm Nghĩa - dưỡng phụ của Thanh Nga làm bầu gánh. Nhờ nhạc trưởng Út Trong của đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi mới 8 tuổi, bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu qua vai đào con trong các tuồng như: Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn di hận, Lửa hờn… Biệt hiệu “Thần đồng Thanh Nga” có từ giai đoạn này. Rèn luyện cho chín muồi, bà bước vào vai chính đầu tiên lúc 16 tuổi là vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới.
Nhờ sự dìu dắt của những nghệ sĩ bậc thầy: Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, cô Ba Thanh Loan… cộng với sắc đẹp dịu dàng, lộng lẫy, quyến rũ và lối ca diễn truyền cảm đặc biệt, Thanh Nga đã gây ấn tượng sâu đậm trong giới mộ điệu qua những vai kế tiếp như: Xuân Tự trong tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Giáng Hương trong Sân khấu về khuya, Diệp Thúy trong Đôi mắt người xưa, Uyên trong Ngã rẽ tâm tình, Trinh trong Con gái chị Hằng, Mía trong Bọt biển… Tính đến ngày mất, nghệ sĩ Thanh Nga đã thu hình cho đài truyền hình Sài Gòn hơn 80 vở diễn, đa số là cải lương và một số ít vở kịch truyền hình.
Thanh Nga đến với điện ảnh khi đã là ngôi sao sáng chói bên lĩnh vực cải lương. Sau thành công rực rỡ với vai diễn đầu tiên trong phim nhựa màu Đôi mắt người xưa hồi đầu thập niên 60, Thanh Nga đã trở thành một trong những minh tinh màn bạc xuất sắc ở miền Nam trước năm 1975, qua những cuốn phim khác như: Hai chuyến xe hoa, Ngàn năm mây bay, Mùa thu cuối cùng, Bụi phấn hồng, Thương muộn, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Xa lộ không đèn, Nắng chiều, Lan và Điệp, Loan mắt nhung, Mãnh lực đồng tiền, Sau giờ giới nghiêm, Người cô đơn, Một thoáng đam mê, Đứa con trong lửa đỏ,…
Thanh Nga tham gia phim ảnh nhiều là từ năm 1969, khi cải lương khủng hoảng và bị xuống dốc trầm trọng, nhiều gánh hát phải tự giải tán, nhiều đào - kép phải giải nghệ đi tìm phương cách mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Nghệ sĩ Thanh Nga được hãng Cosunam Films của bà Gilberte Nguyễn Văn Lợi (đây cũng là người chị cùng cha khác mẹ với Thanh Nga) mời đóng vai chánh trong phim Loan mắt nhung. Sau phim này, nghệ sĩ Thanh Nga tiếp tục để lại ấn tượng sâu đậm trong Mùa Thu cuối cùng qua vai Thùy.
Cũng chính nhờ tham gia đóng phim mà ngoài việc giúp mẹ và đoàn Thanh Minh vượt qua những khó khăn thời sân khấu khủng hoảng, Thanh Nga còn giúp mẹ có tiền nuôi người em trai thứ 7 sang Pháp du học và sống tại nơi đây cho đến ngày mất.
Theo đạo diễn Lê Quang Thanh Tâm, sinh thời, có rất nhiều chuyện đồn thổi về cuộc sống tình cảm của nghệ sĩ Thanh Nga. Vì thế, dù là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng bà luôn phải đối mặt với dư luận cay nghiệt của một đời nghệ sỹ. Những rắc rối không đâu cứ ùa đến, thậm chí cả việc vu oan, tố cáo...
Có những lúc tưởng chừng Thanh Nga sẽ quỵ ngã nhưng tình yêu nghệ thuật đã nâng đỡ bà thành công nối tiếp thành công. Đặc biệt, bên cạnh bà luôn có chỗ dựa vững vàng của người chồng hết mực yêu và thấu hiểu bà đó là ông Phạm Duy Lân.
“Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga sống với nhau rất hạnh phúc. Nhất là thời gian họ dọn về ở cư xá Đô Thành, đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ, Q. 3). Hai người thường chở nhau trên chiếc Honda. Ông Lân vóc dáng cao lớn vững chãi, bên cạnh là Thanh Nga xinh đẹp, mảnh mai.
Chồng Thanh Nga yêu thương và rất thông cảm nghề nghiệp của vợ. Ở bên ông, Thanh Nga thêm điều kiện thăng hoa cùng vai diễn. Sau ngày sinh đứa con trai đầu lòng (và cũng là duy nhất) Phạm Duy Hà Linh năm 1973, vợ chồng Thanh Nga về ở đường Ngô Tùng Châu từ năm 1974. Đó cũng là nơi ông Lân mở văn phòng luật sư riêng và hoạt động điện ảnh của Thanh Nga rộn rịp với nhiều thành công.
Đêm 26/11/1978, diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt. Hơn 23 giờ khuya hôm ấy, một kẻ lạ mặt đã chĩa súng vào vợ chồng bà rồi bóp cò, viên đạn bắn trúng ngực trái… Nghệ sĩ Thanh Nga ra đi ở tuổi 36 tuổi khi sự nghiệp của bà đang thời kỳ rực rỡ nhất.
Linh cữu vợ chồng Thanh Nga được quàn tại Hội Văn học nghệ thuật TP Sài Gòn. Hàng vạn khán giả Sài Gòn và các tỉnh ngoài Trung, trong Nam về thắp hương vĩnh biệt, đứng tràn cả ra đường Tú Xương - Trương Định... Đám tang Thanh Nga là một đám tang đông đảo người đưa tiễn nhất Sài Gòn thời bấy giờ”, đạo diễn Thanh Tâm kể.
Theo nam đạo diễn này, cố nghệ sĩ Thanh Nga có sở thích sưu tầm búp bê. Trong nhà của nữ nghệ sỹ này có cả một thế giới búp bê. Đây là những hiện vật bà đã bỏ công sưu tầm sau những chuyến lưu diễn, những chuyến xuất ngoại và được khán giả ái mộ tặng.
Lúc sinh thời, nữ nghệ sĩ cũng rất thích mặc áo dài, áo bà ba, thích màu vàng. Thanh Nga có thói quen hễ thích bộ trang phục nào thì cứ mặc hoài một kiểu. Mặc rồi giặt, giặt xong lại mặc tiếp. Thanh Nga là người rất chăm chút đến mái tóc. Bà cầu kỳ bới tóc mỗi khi lên sân khấu, đóng phim hoặc chụp ảnh.
Nữ nghệ sĩ còn rất thích làm bếp, nấu ăn và làm bánh. Mỗi lần rảnh, bà lại tụ tập anh, em bạn bè tới nhà, tự tay nấu ăn hay làm bánh đãi mọi người. Lúc cải lương gặp khủng hoảng năm 1972, Thanh Nga còn tần tảo làm bánh cho em và cháu đi bán. Thanh Nga bày tỏ quan điểm của mình về phụ nữ như sau: “Phụ nữ cái gì tốt cũng nên học tập để biết”… Tất cả những điều này đều được đạo diễn khai thác triệt để trong cuốn phim tài liệu được công bố.
Hà Tùng Long
Ảnh: LQTT