Thanh Hoá:

Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài

(Dân trí) - Mới đây, Viện khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hoá thế giới Thành nhà Hồ tổ chức công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

 

Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài  - 1
Khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Theo đó, tại hố khai quật ở khu vực khe núi phía sau trường Tiểu học Vĩnh Ninh, đã làm xuất lộ mặt bằng kiến trúc với bốn cấp nền được kè bằng đá tảng kích thước lớn. Nhiều viên đá tảng vẫn còn nằm nguyên vị trí cũ, thẳng hàng theo hướng Đông - Tây, một số đá tảng bị đổ xuống nằm ngổn ngang.

Trong đó, mỗi cấp nền có chiều rộng và khoảng cách khác nhau. Cụ thể, khoảng cách từ kè đá của cấp nền hai tới kè đá cấp nền 3 là 8,8m; trong khi cấp nền ba nằm cao hơn cấp nền 2 là 0,5 - 0,7m, chiều rộng 5m. Cấp nền bốn cao hơn cấp nền hai từ 0,5 - 1m, chiều rộng 7,4m...

Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài  - 2
Nền móng cũ chùa Du Anh mới phát hiện.

Quanh vị trí khai quật tìm thấy bốn chân tảng thời Trần đã bị dịch chuyển khỏi vị trí. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bốn chân tảng thời Lê Trung Hưng được tạo hình đẹp và cầu kỳ hơn so với chân tảng thời Trần và cũng bị dịch chuyển khỏi vị trí, nằm ngổn ngang quanh khu vực khai quật.

Ngoài các di vật bằng đá, trong phạm vi khu vực khai quật cũng tìm thấy số lượng lớn ngói thời Trần; gốm men, ngói mũi nhọn thời Lê sơ; ngói mũi sen trang trí hoa văn thời Lê Trung Hưng, đinh sắt các loại…

Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài  - 3
Chùa Du Anh được xây dựng trên lưng chừng núi Xuân Đài.

Theo bảng “Sơ lược lịch sử văn hóa chùa Thông” do Trần Duy Phương soạn, thì “Du Anh tự, chùa Thông Cù là tên gọi khác của chùa Thông. Ngôi chùa được khởi dựng từ thời tiền Lê bằng gạch ngói mang về từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)…

Cuối thời Trần, vua Trần Nghệ Tông đã đưa công chúa Du Anh về dự hội và chữa bệnh ở ngôi chùa này, công chúa khỏi bệnh bằng cây thuốc lấy ở động Hồ Công.

Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài  - 4
Tìm thấy nhiều chân tảng bằng đá.

Sau đó, vua Trần phát tâm công đức nâng cấp ngôi chùa. Công chúa Du Anh là người trực tiếp đốc công xây dựng, tô tượng, đúc chuông, trùng tu tam quan. Từ đó ngôi chùa được mang tên là Du Anh.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Bình, nghiên cứu viên Viện khảo cổ học, cho biết, hố khai quật phía sau trường Tiểu học Vĩnh Ninh chính là khu vực am công chúa.

Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài  - 5
Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài  - 6
Hệ thống chân tảng đã bị xê dịch so với vị trí ban đầu.

Trong cuốn Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí đề cập, bên phải chùa có am công chúa ở lưng chừng sườn núi, gạch đá vẫn còn. Kết quả khai quật cho thấy sự công phu trong việc chọn mặt bằng và xây dựng kiến trúc.

Bên cạnh đó là bốn chân tảng thời Trần và bốn chân tảng thời Lê Trung Hưng đã phản ánh quá trình tồn tại lâu dài và thường xuyên được tu sửa của công trình này.

Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài  - 7

Hố khai quật phía sau trường Tiểu học Vĩnh Ninh.

Các dấu tích kiến trúc và di vật xuất lộ tại hố khai quật cho thấy, di tích này có niên đại sớm hơn cả Thành nhà Hồ và Đàn tế Nam Giao. Kết quả khai quật khảo cổ học đã chỉ ra đây là một di tích với quy mô kiến trúc to lớn, nhiều hiện vật đẹp mang tính đẳng cấp cao, cần được bảo vệ nguyên trạng.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Bình, còn nhiều kiến trúc vẫn chưa rõ hết quy mô do diện tích khai quật quá hẹp. Vì vậy, cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật và nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo đối với di sản văn hoá này.

Công bố kết quả khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài  - 8
Ngoài gốm men, ngói trang trí còn phát hiện nhiều đinh sắt các loại…

Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, cho biết, kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy quy mô kiến trúc to lớn, niên đại kéo dài của di tích và thu được nhiều hiện vật đẹp, đẳng cấp cao, là cơ sở khoa học chân xác.

Tiến sĩ Trọng cho biết thêm, dấu tích kiến trúc cùng hiện vật cần được trưng bày, quảng bá sâu rộng nhằm giáo dục ý thức bảo vệ di sản, phát huy giá trị di tích gắn với thúc đẩy phát triển của du lịch tâm linh.

 

Duy Tuyên