Công bố “Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa” là Di tích lịch sử cấp Quốc gia
(Dân trí) - Sáng 17/7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ đón nhận và công bố hai Di tích lịch sử Quốc gia “Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây, đảo Nam Yết” và “Địa điểm lưu niệm tàu C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển)”.
Theo ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở Văn hóa Thể hao & Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Khánh Hòa, ngày 22/8/1956, phái bộ quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đến thị sát và đặt bia chủ quyền trên các đảo chính của quần đảo Trường Sa. Đến nay, tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết vẫn còn bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được xây dựng từ năm 1956, và đó cũng là 2 bia cũ nhất còn được bảo tồn ở quần đảo Trường Sa.
Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Bia chủ quyền đảo Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Các chữ trên thân bia được khắc lõm chìm vào trong, với nội dung: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22/8/1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Ngày 29/4/1975, quần đảo Trường Sa được giải phóng góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Căn cứ vào giá trị khoa học về nhiều mặt như: lịch sử, quân sự, hải quân, văn hóa… của quần đảo Trường Sa, tháng 11/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xếp hạng di tích lịch sử “Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết” là di tích cấp tỉnh. Đến ngày 13/6/2014, Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định xếp hạng di tích “Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết” là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trong khi đó, Địa điểm lưu niệm tàu C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển) là nơi Lữ đoàn 125 cùng với chính quyền địa phương xây dựng Bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sỹ tàu C235 đã hy sinh năm 1968 tại mũi Bà Nam, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa khi vào chi viện cho cách mạng miền Nam. Hiện bên phải bia tưởng niệm còn một số mảnh vỡ tàu C235, và hàng năm các ban ngành, chính quyền địa phương, Học viện Hải quân làm lễ tưởng niệm rất trang nghiêm, long trọng. Đến ngày 26/4/2014, Bộ VH-TT&DL xếp hạng “Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển)” là di tích lịch sử Quốc gia.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh hai tấm bia chủ quyền được xây dựng trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết năm 1956 thực sự là những bằng chứng lịch sử quan trọng vì ở đó đã khắc ghi cụ thể việc quản lý liên tục, toàn diện của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Việc xếp hạng hai bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là thể hiện thái độ trân trọng và tinh thần quyết tâm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
“Quyết định xếp hạng và quyết tâm bảo vệ, phát huy giá trị những di tích này sẽ góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng của mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng tại lễ đón nhận và công bố hai di tích nói trên, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết trên địa bàn hiện có 15 di tích Quốc gia, việc đón nhận thêm 2 di tích lịch sử được xếp hạng Quốc gia lần này đã khẳng định truyền thống yêu nước và cách mạng, lịch sử văn hóa, văn hiến của dân tộc; khẳng định nền độc lập - tự do, chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào, chiến sỹ thị xã Ninh Hòa và huyện Trường Sa đẩy mạnh hơn nữa công tác gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.
Viết Hảo