Con tem 345 tỷ đồng: Đắt nhất thế giới nhưng từng bị bán với giá "như cho"

(Dân trí) - Thoạt nhìn qua, con tem này trông như một mẩu giấy cũ, nhưng trong thực tế, xét về kích thước, trọng lượng và chất liệu, đây có lẽ là món đồ "giản dị" nhất mà đắt giá nhất thế giới.

Con tem 345 tỷ đồng: Đắt nhất thế giới nhưng từng bị bán với giá như cho - 1

Vào tháng 6 này, con tem "British Guiana One-Cent Magenta" sẽ được rao bán đấu giá tại New York (Mỹ).

Vào tháng 6 này, con tem "British Guiana One-Cent Magenta" sẽ được rao bán đấu giá tại New York (Mỹ) với mức giá kỳ vọng trong khoảng từ 10 - 15 triệu USD (tương đương từ 230 - 345 tỷ đồng).

Con tem "British Guiana One-Cent Magenta" màu đỏ tươi, giá một xu, vốn được phát hành tại Guyana (một quốc gia ở Nam Mỹ, từng là thuộc địa của Anh) hồi năm 1856, đây được xem là con tem nổi tiếng nhất và đắt giá nhất thế giới.

Loạt tem "British Guiana One-Cent Magenta" khi ấy chủ yếu được sử dụng để phục vụ cho việc giao chuyển ấn phẩm báo chí tại Guyana, phần lớn những con tem này đã bị vứt bỏ và sau cùng chỉ còn một con tem được giữ lại, chính bởi tính "độc nhất vô nhị" mà nó có giá trị lớn đến thế.  

Con tem đắt nhất thế giới sắp tới sẽ được đem ra đấu giá tại New York (Mỹ) với mức giá kỳ vọng lên tới 15 triệu USD (tương đương hơn 345 tỷ đồng). Con tem quý này đã luôn được săn tìm bởi những nhà sưu tầm tem trên khắp thế giới.

Con tem này ban đầu nằm trong cuốn sổ sưu tầm tem của một cậu bé người Anh sống tại Guyana có tên Vernon Vaughan. Khi ấy, cậu bé Vernon mới bắt đầu niềm đam mê sưu tầm tem, vào năm 1873, khi Vernon 12 tuổi, cậu tìm thấy con tem này trong một tập giấy tờ, thư tín của gia đình.

Con tem 345 tỷ đồng: Đắt nhất thế giới nhưng từng bị bán với giá như cho - 2

Đối với cậu bé Vaughan ngày đó, đây chỉ đơn giản là một con tem lạ để cho thêm vào bộ sưu tập, nhưng đối với giới chơi tem hôm nay, nó là cả một gia tài.

Đối với cậu bé Vaughan ngày đó, đây chỉ đơn giản là một con tem lạ để cho thêm vào bộ sưu tập, nhưng đối với giới chơi tem hôm nay, nó là cả một gia tài. Với cậu bé mới bắt đầu chơi tem ngày ấy, cậu nghĩ con tem này có thể có chút ít giá trị, nên đã giữ lại và sau đó đem bán con tem đi với giá... 6 shilling, nghĩa là một mức giá rất thấp, gần như "cho không, biếu không".

Con tem từ đó bắt đầu qua tay các nhà sưu tầm và đã từng có thời thuộc vào bộ sưu tập tem của nhà quý tộc - bá tước Philipp La Rénotière von Ferrary sống tại Paris (Pháp). Ông được biết đến là nhà sưu tầm tem sở hữu bộ sưu tập lớn nhất thế giới.

Trong đó, con tem độc nhất vô nhị "British Guiana One-Cent Magenta" chính là một trong những điểm nhấn đáng kể nhất trong bộ sưu tập của nhà quý tộc. Khi qua đời hồi năm 1917, ông đã dành tặng bộ sưu tập tem này cho nước Đức, nơi ông coi là quê hương nguồn cội của mình.

Con tem một xu trở thành con tem đắt nhất thế giới

Con tem 345 tỷ đồng: Đắt nhất thế giới nhưng từng bị bán với giá như cho - 3

Chính hành trình qua tay các nhà sưu tầm có tiếng đã khiến con tem càng thêm đắt giá.

Trải qua những biến động thời cuộc, kể từ năm 1920, bộ tem của bá tước Philipp La Rénotière von Ferrary thuộc quyền sở hữu của nước Pháp, các con tem bắt đầu được đem rao bán đấu giá và xác lập nên những con số kỷ lục.

Những phiên đấu giá tem khi ấy đã thu hút những nhà sưu tầm tem nổi tiếng nhất thế giới. Con tem "British Guiana One-Cent Magenta" lần đầu lập kỷ lục thế giới về giá khi được mua bởi một doanh nhân ngành dệt người Anh có tên Arthur Hind.

Chính hành trình qua tay các nhà sưu tầm có tiếng đã khiến con tem càng thêm đắt giá. Sau ông Arthur Hind, con tem còn từng thuộc về một kỹ sư người Úc có tên Frederick T Small, ông này giữ kín việc mình sở hữu con tem, tới mức chính vợ ông từng chia sẻ rằng, bà không hề hay biết việc ông đã chi ra số tiền lớn để có được con tem ấy.

Đến năm 1980, con tem lại được mua với mức giá kỷ lục 935.000 USD bởi một người mua ẩn danh, về sau, danh tính người này được tiết lộ, đó là doanh nhân người Mỹ John du Pont, một triệu phú có cá tính lập dị, một vận động viên thể thao nghiệp dư, một nhà sưu tầm tem có tiếng.

Trong cuộc đời mình, ông John du Pont (1938 - 2010) từng phạm tội giết người, ông sát hại đô vật Dave Schultz, sự việc từng được kể lại trong bộ phim "Foxcatcher" (Kẻ săn cáo - 2014) với diễn xuất chính của Steve Carell.

Người hiện tại đang nắm quyền sử hữu con tem này là nhà thiết kế giày người Mỹ Stuart Weitzman. Một số người chủ sở hữu trước đây của con tem đã từng để lại những dấu ấn nhỏ của họ trên mặt sau của con tem, chẳng hạn như nhà thiết kế giày Stuart Weitzman đã vẽ lên tem hình ảnh một đế giày cao gót bên cạnh hai chữ viết tắt SW.

"Nàng Mona Lisa của giới sưu tầm tem"

Con tem 345 tỷ đồng: Đắt nhất thế giới nhưng từng bị bán với giá như cho - 4

Qua từng lần rao bán, giá của con tem này vẫn tiếp tục tăng.

Qua từng lần rao bán, giá của con tem này vẫn tiếp tục tăng. Sắp tới đây, con tem sẽ lại được đem ra bán đấu giá thêm lần nữa và được kỳ vọng sẽ lại lập kỷ lục. Giới sưu tầm thường ví con tem này là "Nàng Mona Lisa của giới chơi tem".

Hiện nay, trên thế giới chỉ còn lại duy nhất một con tem này, tạo nên tính "độc nhất vô nhị", "có một không hai" khiến nhiều nhà sưu tầm ham thích.

4 lần con tem được rao bán đấu giá trước đây là 4 lần xác lập kỷ lục thế giới về giá trả cho một con tem độc nhất. Lần này, con tem được kỳ vọng sẽ xác lập thêm kỷ lục nữa vào ngày 8/6 tới đây tại New York, Mỹ. Nhà đấu giá cho biết số tiền thu về sẽ được dành tặng cho các tổ chức từ thiện.

Nhiều người không đam mê sưu tầm tem có thể không hiểu tại sao một... "mẩu giấy nhỏ" lại có sức hấp dẫn và giá trị lớn "khủng khiếp" tới như vậy, ông David Goldthorpe, giám đốc điều hành cấp cao tại nhà đấu giá Sotheby chia sẻ: "Con tem bé nhỏ giản dị này chính là một minh chứng đỉnh cao cho niềm đam mê sưu tầm, cho một đỉnh cao chung mà người có thú sưu tầm tem cùng hướng tới.

Con tem này là hiện thân của sự mê cuồng khi bạn đã đam mê sưu tầm một thứ gì đó, trong đó chứa đựng cả xúc cảm mãnh liệt của cuộc đua rượt đuổi, cạnh tranh giữa các nhà sưu tầm với nhau. Và trong trường hợp này, con tem này chỉ có một, nghĩa là tất cả họ chỉ có chung một đích hướng đến mà thôi, không có cơ hội thứ hai, không có con tem thứ hai như thế".