Con người “vội vã” đưa ra những quyết định của cuộc đời ra sao?
(Dân trí) - Một nghiên cứu tâm lý mới đây đã chỉ ra rằng chúng ta chẳng cần tới 6 tháng để biết liệu một người có phải “một nửa” của mình hay không. Trước nay, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng tìm “một nửa” là điều gì khó khăn, nhưng khoa học “bảo” rằng... không phải vậy.
Thực tế, khi gặp được người mà chúng ta cho rằng phù hợp với mình, ta chẳng cần tới 6 tháng để tự đưa ra được quyết định, rằng liệu đối phương có phù hợp để kết hôn hay không.
Một nghiên cứu khoa học xã hội vừa được các chuyên gia tiến hành đã đi tới kết luận rằng chúng ta nhanh chóng đưa ra quyết định hơn mình tưởng. Nhìn chung, những người đã từng trải qua hôn nhân chỉ cần 172 ngày ở trong một một quan hệ tình cảm, để biết liệu họ có nên bước tiếp với đối phương.
Những người độc thân chưa từng đi qua hôn nhân cần 210 ngày (lâu hơn mức 6 tháng một chút) để đi tới một quyết định nghiêm túc.
Trong đời sống, chúng ta thường mặc định hôn nhân là chuyện “cả đời”, cần cân nhắc chín muồi, không thể nào nóng vội. Nhưng các nhà nghiên cứu lại thấy thực tế, việc chúng ta có muốn tính chuyện “trăm năm” với một người nào đó hay không, lại được quyết định ngay ở quãng thời điểm 6 tháng sau khi bước vào một mối quan hệ.
Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng quyết định kết hôn là một lựa chọn khó khăn, phức tạp nhất của đời người, cần rất nhiều thời gian mới đưa ra được một quyết định.
Còn các nhà nghiên cứu của trường Đại học Chicago (Mỹ) sau khi tiến hành thử nghiệm tâm lý đã đi tới khẳng định: Con người nhanh chóng đưa ra quyết định “trăm năm” hơn họ tưởng, và con người cũng không “kén chọn” như họ nghĩ.
Kết luận này còn có thể đem áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác, như việc ta có thích một người mới gặp hay không, hoặc có thích một hình thái nghệ thuật nào đó không...
Nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên trang khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ). Theo các chuyên gia của Đại học Chicago, chúng ta thường hình dung rằng mình cần nhiều thời gian để đưa ra một quyết định nào đó, chỉ bởi chúng ta nghĩ mình cần có được nhiều thông tin.
Nhưng như nhiều chương trình truyền hình thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò cũng cho thấy, thường hai người có cảm tình và đi đến quyết định gắn bó với nhau dù có thể họ mới chỉ biết rất ít về nhau, lượng thông tin thu thập được có khi còn rất ít ỏi.
Tương tự, chúng ta cũng nhanh chóng đưa ra nhận định về một người mới gặp. Lý trí của nhiều người bảo họ cần phải nhiều lần chứng kiến một người có hành động không đẹp mới có thể đưa ra kết luận tiêu cực về đối phương (khoảng 5 lần chứng kiến). Nhưng trong thực tế, chỉ cần 3 lần có cảm nhận không hay về đối phương, ta đã đưa ra kết luận.
Khi chúng ta đánh giá về năng lực của bạn học, về một người hàng xóm, về khả năng của một vận động viên hay vận may của một người..., ta đều đưa ra nhận định nhanh hơn mình tưởng khá nhiều.
“Người ta thường chỉ cần ít thông tin trước khi đưa ra một quyết định, thông thường, chúng ta còn chẳng nhận ra là mình đang quyết định dựa nhiều vào cảm tính, thay vì dựa trên quan sát thấu đáo từ thực tế”, đại diện nhóm nghiên cứu kết luận.
Khi tiếp xúc với một phong cách nghệ thuật mới, nhiều người cho rằng họ cần phải được xem khoảng 15 bức tranh mới có thể biết liệu mình có thích phong cách đó hay không, nhưng thực tế, chỉ cần xem tới bức tranh thứ 3, người ta đã âm thầm có được một nhận định.
Đối với một món ăn, thức uống, ta nghĩ mình cần nếm ít nhất 3 lượt mới biết có thích không, nhưng thực tế chỉ nếm có một lần ta đã có quyết định ngay.
Kết luận của nghiên cứu là: “Những nhận định của chúng ta được sản sinh ra nhanh hơn ta tưởng. Thay vì cẩn trọng cân nhắc, suy xét, chúng ta nhiều khi nhanh chóng đưa ra quyết định cho mình”.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail/PNAS