“Cơn giận dữ của đàn ông” trong hai bộ phim hay nhất năm

(Dân trí) - Trong năm 2019, có hai bộ phim điện ảnh đặc sắc đặc tả “cơn giận dữ của đàn ông”, đó là “The Irishman” của đạo diễn Martin Scorsese và “Once Upon a Time in Hollywood” của đạo diễn Quentin Tarantino.

“Cơn giận dữ của đàn ông” trong hai bộ phim hay nhất năm - 1

Robert De Niro trong "The Irishman" (ảnh trái) và Brad Pitt trong "Once Upon a Time in Hollywood" (ảnh phải)

Cả hai bộ phim đều chứa đựng nhiều sự dữ dội trong cá tính của các nhân vật nam. Thông qua các nhân vật của mình, hai đạo diễn nổi danh trong làng điện ảnh - Martin Scorsese (77 tuổi) và Quentin Tarantino (56 tuổi) - gửi gắm những thông điệp về “cơn giận dữ trong cuộc đời người đàn ông”. Hãy cùng phân tích, so sánh…

Hai bộ phim được xem là hai siêu phẩm điện ảnh của năm 2019, được thực hiện bởi hai bậc thầy trong thế giới làm phim, ngoài ra, cả hai bộ phim đều có sự tương đồng đáng kể xét về mặt chủ đề.

Cả “Once Upon a Time in Hollywood” của Tarantino và “The Irishman” của Scorsese đều khám phá sâu kỹ những lĩnh vực mà trong đó đàn ông nắm vai trò làm chủ. Trong cả hai bộ phim, thế giới của các nhân vật nam đều xoay quanh những hình thái của bạo lực.

Trong “Once Upon a Time in Hollywood”, đó là những bộ phim hành động, phim điệp viên, phim cao bồi, là những pha hành động nguy hiểm, những diễn viên đóng thế mạo hiểm, và cả những băng nhóm tội phạm điên rồ. Còn trong “The Irishman”, đó là thế giới tội phạm, những phi vụ đâm thuê chém mướn...

Qua đó, cả hai đạo diễn đều khắc họa những nhân vật nam xoay quanh những hình thái bạo lực khác nhau. Ngoài ra, cách thức các nhân vật nam này tương tác với các nhân vật nữ trong phim cũng có nhiều tầng nghĩa.

“Cơn giận dữ của đàn ông” trong hai bộ phim hay nhất năm - 2

Leonardo DiCaprio trong "Once Upon a Time in Hollywood"

Nhân vật Sharon Tate (nữ diễn viên Margot Robbie) trong “Once Upon a Time in Hollywood” là hiện thân của sự vô tư, vui vẻ; nàng được đạo diễn Tarantino bảo vệ khỏi bạo lực kinh hoàng, khỏi âm mưu sát hại, dù trong thực tế điều đó đã xảy ra trong cuộc đời đoản mệnh của nữ diễn viên Sharon Tate (1943-1969).

Trong “The Irishman”, nhân vật Peggy Sheeran, con gái của sát thủ Frank Sheeran (nam diễn viên Robert De Niro) thì khác. Cô cũng được cha bảo vệ, nhưng cô luôn gần như câm lặng, sự im lìm đến ám ảnh của nữ nhân vật này biểu trưng cho sự khủng hoảng của cô khi chứng kiến thế giới bạo lực đen tối kinh hoàng mà người cha dấn thân vào.

Chính qua sự im lặng bền bỉ, dai dẳng của Peggy, người ta nhìn thấy sự sợ hãi kinh hoàng mà đạo diễn Scorsese muốn nhấn mạnh trong bộ phim vạch trần thế giới tội phạm.

Tarantino khai thác tính bạo lực trong thế giới của các nhân vật nam một cách nhẹ nhàng hơn, trong đó, người ta vẫn thấy được sự vui vẻ, vô tư đầy hân hoan ở các nhân vật như nam như tài tử sắp hết thời Rick Dalton (nam diễn viên Leonardo DiCaprio), nam diễn viên đóng thế Cliff Booth (tài tử Brad Pitt).

“Cơn giận dữ của đàn ông” trong hai bộ phim hay nhất năm - 3

Đạo diễn Martin Scorsese (ngoài cùng bên phải) trên phim trường "The Irishman" cùng các tài tử Robert De Niro (ngoài cùng bên trái) và Joe Pesci

Điều này góp phần đặc tả thế giới Hollywood ở thập niên 1960 mà Tarantino muốn hồi tưởng về nó thông qua bộ phim, đó là một thế giới gắn liền với tuổi thơ ông, trong đó, những người đàn ông sử dụng bạo lực như một câu trả lời dành cho những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của họ.

Điều này được lý giải phần nào bởi sự thống trị của những thể loại phim như phim cao bồi miền viễn Tây, phim chiến tranh, phim điệp viên… ở thời bấy giờ.

Ngược lại, “The Irishman” khắc họa tính bạo lực trong thế giới của các nam nhân vật một cách kinh hoàng và tiêu cực.

Trong “The Irishman”, có rất nhiều phi vụ diễn ra trong thế giới ngầm, đó là những hành vi tội ác, lặp đi lặp lại, nhưng không thấy có sự chuộc tội nào diễn ra. Đó là một thế giới không khoan nhượng, lạnh lùng, tàn nhẫn, với những mưu toan rạch ròi, không còn chỗ cho nhân tính.

Ở đó, các tay tội phạm chứng tỏ sự trung thành bằng cách hoàn tất các phi vụ được giao, những kẻ ngáng trở đều phải bị tiêu diệt. Nhân vật Frank Sheeran trong những năm tháng tuổi già nhìn nhận lại cả cuộc đời phạm tội của mình và chốt lại rằng: “No regrets” (Không có gì phải hối hận).

Trailer "Once Upon a Time in Hollywood"

Chuyện phim đặt ra cho ông ta rất nhiều cơ hội để thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn nhận nhưng ông ta luôn chối bỏ, ngay cả khi những tên trùm xã hội đen nắm quyền sinh quyền sát đã chết từ lâu và không còn có thể tác động tới nhân vật Frank Sheeran được nữa.

Sự bảo vệ mà nhân vật Frank Sheeran dành cho con gái trong “The Irishman” không đưa lại sự biết ơn giống như nhân vật Sharon Tate dành cho Rick và Cliff trong “Once Upon a Time in Hollywood”, ngược lại, những bạo lực được khắc họa trong “The Irishman” đã khiến Peggy trở nên lạnh lùng, xa cách cha đến mức không thể nào thay đổi được.

Rõ ràng, nhân vật Frank Sheeran đã không thể nào bảo vệ cho Peggy theo cách giống như những gì đã được Rick và Cliff thực hiện cho Sharon Tate. Những nhân vật nam trong “The Irishman” đã khiến Peggy khủng hoảng, đó là điều đạo diễn Martin Scorsese muốn nhấn mạnh.

Trailer "The Irishman"

Sau cùng, khi xem xong “Once Upon a Time in Hollywood”, người xem có thể cảm thấy vui vẻ bởi những bạo lực xảy ra trong phim ít ra là để bảo vệ cho điều tích cực, đẹp đẽ. Nhưng với “The Irishman” thì khác, đạo diễn Scorsese khắc họa bạo lực như một vấn đề, đó không phải là giải pháp.

Qua đó, ông tạo nên một bộ phim mang nhiều ý nghĩa, một bộ phim được xem như “lễ tang trọng thể” mà ông dành cho thể loại phim “gangster” vốn từng làm nên danh tiếng cho ông.

Bích Ngọc

Theo The Guardian/Hollywood Reporter