“Có những bức tranh họa Kiều lùn, béo…”

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Khi vẽ minh họa cho Truyện Kiều phải hiểu được tinh thần, nội dung câu chuyện. Tuy nhiên, có những bức tranh họa Kiều không đẹp ví dụ như vẽ Kiều lùn, béo...”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Sáng 29/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội đã diễn ra khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa “Ai nhớ Tố Như...” với nhiều hoạt động trưng bày, ra mắt sách, trình diễn, dành cho người yêu mến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020), đồng thời nhằm kết nối, lan tỏa, thể hiện sự yêu mến "Truyện Kiều" của đông đảo độc giả.

Bà Hà Thị Hương Mai, đại diện đơn vị tổ chức cho biết chuỗi sự kiện diễn ra trong 3 ngày, từ 29 đến 31/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

“Có những bức tranh họa Kiều lùn, béo…” - 1

Hình ảnh khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa "Ai nhớ Tố Như..." với nhiều hoạt động trưng bày, ra mắt sách, trình diễn, dành cho người yêu mến "Truyện Kiều" của Nguyễn Du sáng 29/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là không gian trưng bày bộ sưu tập về Nguyễn Du và Kiều. Đây là bộ sưu tập công phu với hàng trăm ấn phẩm là các phiên bản “Truyện Kiều” khác nhau qua các thời kỳ (từ năm 1914 đến nay). Bên cạnh đó, còn có các tác phẩm tiêu biểu khác của Nguyễn Du và hơn 40 bức họa “Truyện Kiều” của các họa sĩ trong, ngoài nước. 

Nhân dịp này, sự kiện cũng giới thiệu về 3 ấn phẩm “Kim Vân Kiều”, “Lãm Thúy Tập”, “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do MaiHaBooks phối hợp với Nhà Xuất bản Thế giới phát hành.

Trong đó, “Kim Vân Kiều” là bản “Truyện Kiều” tái bản theo bản in năm 1951 của Nhà Xuất bản Văn học, giữ nguyên phong cách trình bày. “Lãm Thúy Tập” được tái bản theo bản in năm 1926, do Nguyễn Bá Cung soạn, với đủ mọi thể Nôm lẩy truyện “Kim Vân Kiều”. “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” tái bản theo bản in năm 1942, là tuyển tập những dòng ngâm, bình, vịnh hay về “Truyện Kiều” và 11 bức họa “Truyện Kiều” của các họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tỵ...

“Có những bức tranh họa Kiều lùn, béo…” - 2
Nhà sử học Dương Trung Quốc (phải) xem các ấn phẩm liên quan đến "Truyện Kiều" tại sự kiện.
“Có những bức tranh họa Kiều lùn, béo…” - 3

Bộ ba cuốn sách liên quan đến "Truyện Kiều" do MaiHaBooks và Nhà Xuất bản Thế giới cho ra mắt.

Đặc biệt, thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả yêu mến “Truyện Kiều” là sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà thư pháp, họa sĩ, nghệ sĩ tên tuổi tại buổi toạ đàm “Kiều trong cuộc sống hôm nay” mở màn chuỗi sự kiện văn hoá “Ai nhớ Tố Như…” sáng 29/10. Tại đây, các học giả, nhà nghiên cứu tên tuổi về Nguyễn Du và “Truyện Kiều” đã đưa ra những góc nhìn riêng lý thú.

Theo GS Trần Đình Sử, giá trị lớn nhất Đại thi hào Nguyễn Du để lại là nghệ thuật viết, các tác phẩm chữ Nôm, trong đó có Truyện Kiều đi vào lòng người hấp dẫn lôi cuốn khiến người đời muốn đọc đi đọc lại, muốn lưu trữ. Ba tác phẩm được in với nhiều công phu, bằng chữ viết tay, có những điểm thú vị. Trong các tác phẩm về Kiều vừa ra mắt, có tác phẩm dựa trên các câu thơ của Kiều để sáng tác những bài thơ mới, một mặt thể hiện sự đam mê, thuộc Truyện Kiều, một mặt thế hiện khả năng sáng tác mới, mang tính chất chơi văn thể hiện tài hoa của mỗi người, điều này rất khó, hiện nay ít người làm được.

“Tôi rất quan tâm đến vấn đề giảng dạy “Truyện Kiều” trong trường học. “Truyện Kiều” thường được học từ lớp 10 nhưng đến lớp 12 thi tốt nghiệp lại thi văn học đương đại, do đó giá trị của “Truyện Kiều” giảm đi, tôi nghĩ nên đưa vào chương trình học và thi lớp 12 để học sinh quan tâm nhiều hơn đến tác phẩm này, đi vào thực tế cuộc sống của nhiều người”, GS Trần Đình Sử nói.

“Có những bức tranh họa Kiều lùn, béo…” - 4

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương (thứ hai từ trái sang) nói về tranh minh hoạ "Truyện Kiều" tại toạ đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay".

Họa sĩ Lê Thiết Cương thì lại chú ý tới những hoạ phẩm Kiều: “Nói về các tác phẩm họa Kiều, giai đoạn Đông Dương, bộ tứ họa sĩ của Việt Nam là Trí-  Lân-  Vân - Cẩn. Nếu xét về hội họa nói chung thì người ta có thể sáng tác trên bất kỳ cảm hứng nào, nhưng khi minh họa trên “Truyện Kiều” thì năng lực, cảm hứng, cách tiếp cận thi ca của người họa sĩ phải tinh tường hơn người khác.

Và minh hoạ ấy- nội dung bức tranh ấy phải gắn liền với những câu Kiều tác giả chú thích ở dưới. Nhưng nếu chỉ thế thì chưa đủ để là một minh hoạ đẹp. Minh hoạ đẹp là vừa bám theo nội dung của truyện vừa mang đậm cá tính, phong cách của người hoạ sĩ. Tất cả các bức họa trong “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” ngày hôm nay đều đạt tiêu chuẩn đó.

Người họa sĩ thời Đông Dương, tôi mê nhất khi họa Kiều là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, đề tài tranh vẽ về Kiều chơi đàn Nguyệt.

Khi vẽ minh họa cho Truyện Kiều phải hiểu được tinh thần, nội dung câu chuyện. Có những bức tranh vẽ Kiều rất đẹp. Tuy nhiên, có những bức tranh họa Kiều không đẹp ví dụ như vẽ Kiều lùn, béo...”

“Có những bức tranh họa Kiều lùn, béo…” - 5
“Có những bức tranh họa Kiều lùn, béo…” - 6

Một số bức hoạ "Truyện Kiều" được trưng bày tại sự kiện.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nhận xét, các tác phẩm này rất có ý nghĩa và cần thiết, vì từ giai đoạn đổi mới đến nay các giá trị văn chương cổ đại ngày càng được đưa tới công chúng nhiều hơn. Người biên soạn các tác phẩm này có tư duy chính xác. “Tôi nghĩ “Truyện Kiều” là di sản của Việt Nam, đặt ra nhiều câu hỏi cho các thế hệ từ những người 15 tuổi đến 70 - 80 tuổi càng đọc càng ngẫm ra nhiều điều, thấm thía được kiếp người.

Với mỗi cấp học khác nhau sẽ có những cách suy nghĩ khác nhau khi đọc “Truyện Kiều”. Đối với học sinh, khi đọc Truyện Kiều sẽ có nhiều câu hỏi như vì sao tà tà bóng ngả về Tây mà không phải về phía Đông? Ngày nay, văn hóa đọc cũng đang có xu hướng được nhân rộng nhiều hơn, tuy nhiên điều này còn phải phụ thuộc vào mỗi người thích hay không thích “Truyện Kiều”!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm