1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Có một Trần Lập không giống ai, phía sau rock, phượt, xe và…

(Dân trí) - Nhắc đến thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường người ta sẽ thấy anh yêu rock đến độ cuồng si khó lý giải, mê phượt đến mức có thể bỏ hàng tháng trời rong ruổi trên các cung đường Tây Bắc – Đông Bắc không hề biết mệt, mê xe đến độ có thể thao thao bất tuyệt cả ngày trời về đủ các loại xe mà không biết chán… Tuy nhiên, ngoài những thứ đó, Trần Lập còn là một con người rất khác biệt với những điều không phải ai cũng biết.

Rock

Trước khi thành lập ban nhạc Bức Tường, Trần Lập đã có một thời hát nhạc sàn. Số phận đã sắp đặt cho anh đến gần với con đường ca hát chuyên nghiệp khi đang là sinh viên Đại học Xây dựng và gặp được Tuấn Hùng guitar. Nhiều sinh viên trường Đại học Xây dựng thời đó vẫn còn nhớ, vào đúng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1995), sáu chàng trai gồm: Trần Lập, Tuấn Hùng, Đức Hiệp, Ngô Đình Hải, Nguyễn Hoàng, Vũ Văn Hà xuất hiện trên sân khấu, chơi đàn và hát một lèo hàng chục bài cover: Let's Twist Again, Ngọn lửa cao nguyên, Knife, Have You Ever Seen the Rain và Holiday... khiến 300 khán giả có mặt đứng ngồi không yên.

Các thành viên Bức Tường thời mới lập nhóm. Ảnh: TL.
Các thành viên Bức Tường thời mới lập nhóm. Ảnh: TL.

Chính âm nhạc, mà cụ thể là nhạc Rock đã đưa cuộc đời Trần Lập sang một hướng khác. Với tư cách là “thủ lĩnh” của Bức Tường, ngay sau khi thành lập nhóm, Trần Lập không chỉ tham gia biểu diễn mà còn bắt tay sáng tác. Những sáng tác đầu tay bằng tiếng Việt bị chê bai đã không làm anh nản chí mà quyết tâm mày mò để sáng tác những ca khúc nhạc Rock nửa Việt, nửa Anh với nhiều chất lửa để hợp với thị hiếu âm nhạc thời bấy giờ. Thật bất ngờ là những ca khúc do Trần Lập sáng tác đã nhanh chóng trở thành một thứ nước “giải khát” làm đã cơn khát của hàng triệu người trẻ đương thời.

Những Trở về, Dế mèn, Tâm hồn của đá, Mắt đen, Cây bàng, Bông hồng thủy tinh, Đường đến ngày vinh quang... được giới trẻ thuộc làu làu và truyền nhau hát trong mọi dịp. Chất lửa đầy lạc quan, đầy khí thế và hừng hực sức trẻ trong mỗi ca khúc như “thắp” lên trong người trẻ những niềm tin vào một tương lai. Càng về sau, những ca khúc nhạc Rock do Trần Lập sáng tác càng đậm màu sắc Việt Nam với những câu chuyện đi ra từ sách vở như: “Người đàn bà hóa đá”, “Dấu vết nghiệt ngã”, “Chuyện tình của thủy thần”...

Trần Lập không chỉ hát Rock, anh còn truyền lửa cho người nghe bằng tinh thần lạc quan trong Rock.
Trần Lập không chỉ hát Rock, anh còn truyền lửa cho người nghe bằng tinh thần lạc quan trong Rock.

Đặc biệt, bất kỳ ở đâu, cứ hễ cất giọng hát đầy nội lực và khỏe khắn lên là người ta nhận ra ngay Trần Lập. Trong cái chất giọng của anh, ngoài sự khoáng đạt của một người đàn ông luôn nhìn đời bằng ánh mắt lạc quan thì còn cả một chất lửa ngùn ngụt được hun đắp nên từ những ngày đầu anh đến với Rock. Cái chất lửa ấy, bao nhiêu năm vẫn không thay đổi.

Trần Lập từng thú nhận rằng, Rock đã ngấm vào máu của anh. Vì lẽ đó, đã có lúc Bức Tường nghèo khó tới mức không đủ tiền mua nhạc cụ, cạn kiệt tài chính, xuống tinh thần... nhưng anh vẫn tìm cách xoay sở để duy trì “sự sống” của ban nhạc. Rồi khi ban nhạc có chỗ đứng, Trần Lập lại trăn trở với việc tổ chức các đêm nhạc xuyên Việt để đưa Rock đi “truyền lửa”. Đã có lần, có người hỏi Trần Lập: “Giữa Rock và vợ, nếu được chọn một, anh sẽ chọn ai?”, Trần Lập trả lời rằng, anh có thể chấp nhận mang tiếng là người đàn ông hư hỏng chứ nhất quyết không thể “phản bội” cả hai bởi với anh tình yêu đối với âm nhạc và vợ là không đong đếm được.

Phượt và xe

Không chỉ là “thủ lĩnh” của Bức Tường, Trần Lập còn được xem là “linh hồn” của những chuyến phượt. Lúc sinh thời, khi được hỏi “Anh có phải là tín đồ của chủ nghĩa xê dịch”, Trần Lập cười bảo: “Tôi chẳng phải là tín đồ hay thần dân của chủ nghĩa nào cả, những chuyến đi giúp tôi có thêm trải nghiệm để sống tốt hơn”. Trần Lập quan niệm rằng, tuổi trẻ cần phải đi thật nhiều thì mới hiểu và biết nhiều về thế giới xung quanh. Vì lẽ đó mà anh mới viết “Vì cuộc đời là những chuyến đi dài, để được sống với đam mê, dẫu có dại khờ. Luyện ý chí vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách trên những chặng đường...”.

Trần Lập trong chuyến phượt ở Hà Giang hồi tháng 9/2015. Ảnh: TL.
Trần Lập trong chuyến phượt ở Hà Giang hồi tháng 9/2015. Ảnh: TL.

Đi nhiều nên Trần Lập rất dày dặn kinh nghiệm trong phượt và nắm rất rõ địa hình của từng vùng miền. Anh từng có rất nhiều bài viết chia sẻ về kinh nghiệm đi phượt ở từng địa hình khác nhau, trong đó anh thậm chí còn tỉ mẩn tư vấn từng loại dụng cụ mang theo khi đi phượt, đặc điểm dân cư ở một số nơi anh đã đặt chân đến. Và nhờ những chuyến đi ấy mà những âm nhạc của Trần Lập luôn có được sự thênh thang và đầy ắp niềm kiêu hãnh về cảnh đẹp quê hương. Trần Lập đã đặt chân tới nhiều nơi nhưng nơi anh yêu thích nhất vẫn là vùng núi Tây Bắc Việt Nam.

Vào tháng 9/2015, trước khi anh phát hiện mình bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối, anh cùng bạn bè đã có chuyến đi chinh phục hơn 2000 km biên cương phía Bắc đúng mùa lúa chín, từ Tây Bắc sang Đông Bắc cùng gần 10 người bạn đều là những người anh em thân thiết trong giới mê nhạc Rock.

“Tháng 9, tháng 10 là thời gian lý tưởng nhất để chúng ta rong ruổi miền núi phía Bắc. Tiết trời se mát, những thửa ruộng bậc thang vàng rực mùa lúa chín. Lòng người thân thiện đất trời mênh mang miền ngược miền xuôi”, anh viết.

Trước đó, vào tháng 8/2015, Trần Lập thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt từ TP HCM và cán đích ở Hà Nội đúng dịp Quốc khánh. Điểm dừng chân đầu tiên là Đà Lạt, sau đó tới Buôn Mê Thuột - Pleiku - Kontum - Quảng Ngãi - Hội An - Đà Nẵng. Sau đó tiếp tục chặng Huế - Đông Hà - Quảng Bình - Hà Tĩnh - Vinh, dừng chân dọc đường ở đèo Hải Vân, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, tiến ra Ninh Bình và về Hà Nội đúng ngày 1/9.

“Đường dài miền này qua miền khác, đường này qua đường nọ, lên đèo xuống biển qua rừng, nơi đâu cũng tuyệt. Gặp những con người gặp những nụ cười gặp muôn vàn câu chuyện. Thời gian cứ vùn vụt vùn vụt dưới bánh xe không mỏi và niềm đam mê cứ chất dày thêm...”, Trần Lập chia sẻ cảm xúc về chuyến đi này.

Trần Lập rất thích ngồi ở những quán cà phê là điểm hẹn của dân chơi xe motor. Ảnh: TL.
Trần Lập rất thích ngồi ở những quán cà phê là điểm hẹn của dân chơi xe motor. Ảnh: TL.

Về xe, nhạc sỹ Lưu Thiên Hương kể rằng, trong cuộc đời chị chưa bao giờ thấy ai mê xe, am hiểu về xe như Trần Lập. Đến như việc uống cà phê, anh cũng chọn quán cà phê xe cổ - điểm hẹn của giới mê xe để được trò chuyện, tán gẫu và ngắm xe.

“Tôi chắc đến bây giờ anh Lập vẫn không biết là tôi lúc đầu chả hiểu gì về motor nhưng nói chuyện với anh ấy, thấy anh ấy nói hay quá nên mỗi lần hẹn hò cà phê với anh tôi cũng tìm hiểu về các loại xe rồi nói chuyện như có chút am hiểu, anh Lập vì thế cũng say sưa giảng giải, dần dần tôi mê xe lúc nào không biết”, Lưu Thiên Hương nói.

Và những điều khác biệt...

Nhìn hình ảnh một Trần Lập nam tính, râu ria, xăm trổ, ăn mặc bụi bặm, nói những tiếng oang oang như sấm... người ta cứ nghĩ người đàn ông này chẳng biết sợ gì trên đời. Nhưng kỳ thực những thứ anh sợ lại chẳng đâu vào đâu. Chẳng hạn, Trần Lập rất sợ chứng sợ máy bay. Trong một lần phỏng vấn Trần Lập, anh kể rằng, anh từng gặp một chuyến bay rất kinh hoàng trong cuộc đời. Nó ám ảnh đến nỗi sau này cứ lên máy bay là anh sợ.

Với ca sĩ, hơi thở là điều rất quan trọng nhưng Trần Lập lại mắc bệnh xoang. Vốn rất tự tin về sức khỏe của mình nhờ chơi thể thao, tennis... nhưng điểm yếu bệnh xoang khiến anh luôn phải cảnh giác và phải nhờ vợ mời một số bác sĩ chuyên khoa về hô hấp chữa trị cho mình.

Trần Lập hát Rock nhưng lại bị bệnh xoang mãn tính. Ảnh: TL.
Trần Lập hát Rock nhưng lại bị bệnh xoang mãn tính. Ảnh: TL.


Vì căn bệnh về mũi này mà nhiều khi biểu diễn trên sân khấu, Trần Lập rất ít khi chia sẻ với khán giả bên dưới. Anh giải thích, từng có khán giả ngất trong các show của mình là do thiếu dưỡng khí, tự đốt năng lượng của mình trong khi không khí sạch không được lưu thông, bổ sung. Trần Lập cực kỳ sợ trong show diễn có xịt khói vì mũi không chịu nổi. Bệnh xoang là một cản trở với một ca sĩ như Trần Lập nhưng không chỉ vậy, trời cũng không cho anh chất giọng bẩm sinh tốt như người ta.

Trần Lập kể, trước đây anh hát rất yếu, nói cũng vậy, không có độ vang, tiếng rất mờ. Các thầy cô còn ngạc nhiên bảo, sao hơi mờ thế này mà lại thi vào thanh nhạc? Nhưng anh đã làm được điều mà các nhạc sĩ vẫn nói “giọng hát là từ cái tai nghe mà ra”. Trần Lập chịu nghe, chịu khổ luyện để có được cột hơi khỏe, tròn vành rõ chữ, tiếng nói vang xa, điều khiển tốt cột hơi từ đan điền lên và cuối cùng trở thành một rocker mà nhiều người mơ ước.

Vĩnh biệt Trần Lập, người đàn ông của những điều khác biệt! Ảnh: TL.
Vĩnh biệt Trần Lập, người đàn ông của những điều khác biệt! Ảnh: TL.

Còn mơ ước hơn nữa, khi một ban nhạc sinh viên, lắp ghép từ các trường khác nhau thế mà làm được điều mà các bầu show khi ấy phải “há hốc mồm”. Năm 2002, ban nhạc trưởng thành từ phong trào học sinh sinh viên, từ sân chơi "ét vê" (SV), nói như bây giờ là “bay”, là “mơ hồ”, chả có căn cứ quái nào để làm liveshow. Ấy thế mà Bức Tường không những làm liveshow, lại còn bán hàng chục ngàn vé, chấn động đến mức được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm.

Trần Lập cũng sợ mình không được là chính mình, ngại phải diễn, làm màu kiểu "rởm rởm". Có lần, ban nhạc Bức Tường từng thuê người thiết kế trang phục cho mình, nhưng rồi với sự vẽ vời của các designer, cả hai phía không gặp nhau. Trần Lập thích sự đơn giản, mạnh mẽ, trong khi các nhà thiết kế (mà anh gặp) thì thích sự hào nhoáng, bung lụa, quằn quại. Cuối cùng họ đành dứt tay nhau, vì Trần Lập bảo: “Chúng tôi không muốn là những thằng bóng”.

Hà Tùng Long - Thoa Lê