Có hiện tượng tổ chức tặng hoa, quà ngày 8/3 theo "phong trào"?
(Dân trí) - "Việc ông chồng tự tay nấu món ngon hoặc lau cho vợ đôi giày vẫn ý nghĩa hơn là tặng bó hoa ngày 8/3 theo "phong trào"", NTK Nguyễn Anh Thư chia sẻ.
Có hiện tượng tổ chức tặng hoa, quà ngày 8/3 theo "phong trào"?
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ: "Ở các nước phương Tây họ quan niệm chỉ có những đất nước mà người phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi mới phải tổ chức ngày 8/3 để đòi lại công bằng cho sự bất bình đẳng trong xã hội. Chính vì sự bất bình đẳng ấy nên phải chọn một ngày để người phụ nữ được "vùng lên" được "tự do" và được "phục vụ" như tặng hoa, tặng quà...
Ở Việt Nam, có câu vè mà nhiều người vẫn lưu truyền "Hôm nay mồng 8/3/Tôi giặt hộ bà cái áo... của tôi" để thấy sự bất bình đẳng giới trong xã hội xưa cũ.
Hiện tại, nhiều nơi như vùng sâu vùng xa trên đất nước ta, vẫn còn có nhiều người phụ nữ chịu thiệt thòi, họ là nạn nhân của bất bình đẳng giới, chịu đựng những trận đòn oan của các ông chồng say xỉn... nên cũng cần có sự tuyên truyền để họ được sống, làm việc và hưởng thụ bình đẳng, chứ không phải 364 ngày chịu oan ức thống khổ, phục dịch cho gia đình mà chỉ có 1 ngày được "vùng lên", thì thực sự đó là bi kịch".
Theo NTK Nguyễn Anh Thư bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là việc cả thế giới đang làm, đặc biệt là rất nỗ lực với các nước chậm phát triển. Ở Việt Nam, phụ nữ đã ngày càng được cộng nhận giá trị mà họ đã đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng và cho gia đình. Nhưng vẫn còn sự quan tâm chỉ là hình thức, hô khẩu hiệu.
"Nếu vợ đi làm về mà đầu tắt mặt tối với con cái, cơm nước, việc nhà thì chồng có tặng hoa cũng chẳng có thời gian mà ngắm. Nhưng nếu được yêu thương, chỉ cần được thưởng thức một tách trà chồng pha cho trong khi chồng mình đang dạy con học hay rửa bát cho vợ thì đấy mới là giá trị thật của hạnh phúc.
Tôi nghĩ rằng, giữa việc ông chồng tự tay nấu món ngon hoặc lau cho vợ đôi giày vẫn ý nghĩa hơn là tặng bó hoa được ship đến. Phụ nữ cần được có 365 ngày vui vẻ và sẻ chia chứ không chỉ được tặng hoa, quà ngày 8/3 theo "phong trào"", NTK Nguyễn Anh Thư nói.
Chị Hoàng Như Hoa, phòng truyền thông Bảo tàng phụ nữ Việt Nam thì đưa ra góc nhìn riêng khi cho rằng, nhiều người còn chưa hiểu đúng ý nghĩa thực sự của ngày Quốc tế phụ nữ.
"Tôi nghĩ rằng, ngay trong môi trường giáo dục cũng có những nhận thức chưa đúng. Hiện nay, từ cấp bậc tiểu học, gần như 100% thầy cô giáo yêu cầu các bạn trai chuẩn bị quà cho các bạn gái vào ngày 8/3 hay ngày 20/10. Có những em nhỏ chỉ biết chuẩn bị quà tặng các bạn nữ mà không biết ý nghĩa thực sự của việc tặng quà. Cá nhân tôi nghĩ rằng, thay vì yêu cầu các bạn nam tặng quà các bạn nữ những ngày này thì các em trai cần được giáo dục từ bé sự tôn trọng, sẻ chia và giúp đỡ các bạn nữ hàng ngày", chị Hoàng Như Hoa nói.
Phụ nữ thực sự cần gì trong ngày 8/3?
"Thật ra phụ nữ đơn giản lắm. Không cần hô khẩu hiệu, không cần hình thức, phụ nữ chỉ cần được quan tâm, được chia sẻ và được yêu thương. Hàng ngày, hàng tuần chị em đều có thể cắm hoa theo sở thích của bản thân. Chắc gì bó hoa chồng mua sẵn ngoài kia đã đẹp hơn bình hoa ở nhà vợ cắm? Sự chia sẻ hàng ngay và quan tâm từ những việc nhỏ mới thật sự mang lại hạnh phúc cho người phụ nữ", NTK Nguyễn Anh Thư bày tỏ.
Chị Hoàng Như Hoa thì cho rằng, nhiều người phụ nữ "đang bị chìm trong định kiến về giới, về vai trò trách nhiệm". "Có người phụ nữ đang gồng lên với việc cơ quan, việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ con cái… Còn người đàn ông thì coi việc đó là hiển nhiên.
Cũng có người phụ nữ tự ái đặt lên đôi vai chính mình mà chưa dám giải phóng bản thân.
Việc tổ chức rầm rộ ngày 8/3 hay một số ngày lễ cũng chỉ mới rộ lên ở Việt Nam thời gian gần đây thôi. Ở khía cạnh khác, ngày này cũng là sự tích cực đánh thức dần ý thức của người phụ nữ và trách nhiệm của nam giới với người phụ nữ của mình. Có còn hơn không?"
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim bày tỏ: "Đối với gia đình tôi thì ngày nào cũng là ngày 8/3. Đó là khi sau một ngày đi làm công sở với bao bận rộn thì bố mẹ, con cái quây quần bên mâm cơm tối của gia đình, cùng chuẩn bị bữa tối, rồi cùng ăn uống, cùng trò chuyện, những câu chuyện diễn ra trong ngày, tại công sở, nơi trường học của các con. Mỗi ngày sum họp đủ đầy, bình an bên nhau, với tôi, đó chính là ngày 8/3".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định, việc tặng hoa quà cho người phụ nữ vào ngày 8/3 vẫn là nét đẹp văn hóa đối với người Việt Nam, cần được duy trì và cổ vũ.
"Một số người phương Tây quan niệm, phụ nữ bình đẳng rồi, họ không cần tặng hoa ngày 8/3. Ở Phương Tây, trẻ con được dạy dỗ từ bé, có truyền thống tôn trọng người phụ nữ. Nhưng ở nước ta vấn đề bình đẳng giới đã được quan tâm đúng mức chưa?
Phụ nữ nhiều hoàn cảnh vẫn còn chịu nhiều thua thiệt, bị đánh đập, bị đùn đẩy công việc nhà vì những người đàn ông tính gia trưởng, ảnh hưởng tư tưởng "trọng nam khinh nữ"… Vậy thì, ít nhất có ngày này như một sự nhắc nhở nam giới: ngày thường đã quan tâm, đã chăm sóc những người phụ nữ gắn bó rồi thì lại càng thể hiện, quan tâm hơn.
Cũng có những dịp như này để người đàn ông nhìn nhận lại bản thân mình, lắng nghe tâm tư của người phụ nữ và quan tâm, chia sẻ trong cuộc sống thường ngày".