Có hay không việc Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo văn?

(Dân trí) - Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019 đang diễn ra tại Thanh Hóa nhưng đã có một số thông tin về việc vi phạm quy chế, vi phạm bản quyền tác giả của NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với NSND Lê Tiến Thọ.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng ông đã “phạm quy” khi có tới 4 tác phẩm được nhận làm đạo diễn của Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019 này. Xin ông cho biết, quy định của cuộc thi có quy chế này không và nếu có, tại sao ông lại là người “biết luật còn phạm luật”?

Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2019 tôi có 4 vở đứng tên đạo diễn đó là: Vụ Án Lệ Chi Viên - tôi đạo diễn cho Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. HCM từ năm 2017, vở Quan khiêng võng - tôi dàn dựng cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn năm 2018, vở Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư - tôi nhận làm đạo diễn cho Nhà hát Tuồng Việt Nam cuối năm 2018.

Có hay không việc Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo văn? - 1

NSND Lê Tiến Thọ.

Với vở Triết Vương Trịnh Tùng tôi đạo diễn cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa năm 2019. Tuy dàn dựng cho nhiều đơn vị nhưng tôi làm ở những thời điểm khác nhau và đều được các Nhà hát tin tưởng vào chất lượng vở để mang đi tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch năm 2019.

Theo quy chế của Bộ VHTT&DL, trong Liên hoan không khống chế đạo diễn tham dự được đứng tên bao nhiêu vở. Vì vậy, các đơn vị và cá nhân tôi không vi phạm quy chế của Bộ VHTT&DL ban hành cho Liên hoan kỳ này.

Có người lên tiếng tố ông “đạo văn” với việc ông đăng ký mình là tác giả kịch bản duy nhất của vở “Vụ án Lệ Chi viên” trong khi ông là người chuyển thế tuồng từ kịch bản kịch nói của tác giả Lưu Quang Hà?

Vụ án Lệ Chi Viên tôi phóng tác từ kịch bản kịch nói Đêm Ức Trai của cố tác giả Lưu Quang Hà sang kịch bản Tuồng. Năm 2016 Nhà hát Ca Kịch Huế dàn dựng, tôi đã làm việc với đại diện gia đình cố tác giả Lưu Quang Hà là bà Lưu Lan Hương, hai bên đã thống nhất về chế độ và bản quyền tác phẩm, chúng tôi đã thỏa thuận trên cơ sở nguyên tắc không có khiếu kiện về tác quyền.

Đến năm 2017 Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM dựng Vụ án Lệ Chi Viên tôi lại làm việc với bà Lưu Lan Hương đại diện gia đình của cố tác giả Lưu Quang Hà để trả tác quyền, hai bên đã thống nhất bằng văn bản không có tranh chấp về quyền tác giả.

Năm nay, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP HCM đưa vở Vụ án Lệ Chi Viên đi dự Liên hoan Tuồng và Dân ca có mời tôi vào xem vở. Khi tôi xem tờ Progame in trên quạt của Nhà hát để đăng ký tham gia liên hoan có thiếu dòng chữ “Phóng tác từ “Đêm Ức Trai” của Lưu Quang Hà”, tôi đã đề nghị Ban Giám đốc in thêm dòng chữ nêu trên để không vi phạm bản quyền tác giả.

Việc đăng ký tham gia Liên hoan với Cục NTBD, Bộ VHTT&DL là do Nhà hát, còn tôi đã trao đổi với Ban Giám đốc nhà hát đề nghị thực hiện quyền tác giả một cách nghiêm túc.

Trong đợt Liên hoan này tôi có nhắn tin mời bà Lưu Lan Hương vào xem, nhưng bà Lưu Lan Hương không đi được vì mẹ đang ốm nặng.

Ông tham gia đạo diễn những vở diễn này, liệu có ảnh hưởng tới công tác tại Hội khi thời gian dành cho các tác phẩm không phải là ít, lại có những đơn vị ở rất xa?

Các đơn vị nghệ thuật mời tôi đạo diễn tác phẩm, tôi đã bố trí thời gian vào những ngày nghỉ phép, nghỉ lễ. Còn những đơn vị ở gần tôi bố trí lịch một cách hợp lý và tranh thủ các ngày thứ 7, Chủ nhật, các buổi tối ngoài giờ, để không ảnh hưởng tới công tác của Hội. Vì vậy, những năm qua công việc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra.

Có hay không việc Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo văn? - 2

Các vở diễn tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019.

Việc đưa danh sách những khách mời là các nhà báo, nhà lý luận phê bình đi tham dự cuộc Liên hoan có nằm trong những quy định hoạt động được phép chi của Hội?

Trong các đợt Liên hoan dù chủ trì hay phối hợp tổ chức, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bao giờ cũng mời các thành viên trong Ban chấp hành, các tác giả, đạo diễn và các nhà lý luận tham gia đi xem các tiết mục trong Liên hoan để sau đó tổ chức Hội thảo, viết bài giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lần này Ban chấp hành có 4 người đi xem, cùng với 2 nghệ sĩ đó là: tác giả Văn Sử (giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật) - nguyên Phó Ban sáng tác và Nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành - nguyên Phó Ban lý luận phê bình của Hội tham gia trong Liên hoan.

Về việc cơ cấu Ban Giám khảo trong liên hoan Tuồng và Dân ca lần này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có tham gia để có một danh sách 7 thành viên trong ban giám khảo không?

Thực hiện quyết định của Bộ VHTT&DL giao cho Cục NTBD chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong đó có Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Về danh sách 7 thành viên trong Ban giám khảo lần này Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không được bàn và Hội cũng không được giới thiệu cá nhân nào trong 07 thành viên trong Ban Giám khảo.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm