Có hay không chuyện “chạy” huy chương để xin xét danh hiệu?

(Dân trí) - Có hay không chuyện “chạy” huy chương để xin xét tặng danh hiệu trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 và các kỳ hội diễn sân khấu chuyện nghiệp?

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 dù đã khép lại nhưng vẫn còn không ít thông tin xoay quanh chuyện nhiều nghệ sĩ tham gia Liên hoan chỉ để kiếm huy chương cho việc xét tặng danh hiệu. Điều này làm cho công chúng hâm mộ sân khấu hết sức băn khoăn và những người làm nghề cũng bị dao động.

Trong cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội, Nhà biên kịch Lê Quý Hiền - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 đã phủ nhận hoàn toàn thông tin về việc nghệ sĩ tham gia các hội diễn để kiếm huy chương. Ông thẳng thắn bày tỏ: “Chúng ta phải thẳng thắn thế này, tiền của dân bỏ ra để tổ chức Liên hoan không phải để cho các ông bà nghệ sĩ kiếm huy chương mà muốn kiếm cũng không được bởi Ban giám khảo chúng tôi làm việc hoàn toàn công tâm và minh bạch.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền chia sẻ về chuyện chạy huy chương tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018.
Nhà biên kịch Lê Quý Hiền chia sẻ về chuyện "chạy" huy chương tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018.

Tôi cam đoan không bao giờ có chuyện “chạy” huy chương hoặc chạy giải thưởng ở các hội diễn sân khấu. Việc tổ chức hội diễn hoặc Liên hoan là vì sự phát triển của ngành sân khấu. Nhiều khi chúng ta hơi cực đoan khi nghĩ tổ chức Liên hoan, trao huy chương vàng - bạc - giải thưởng là để “tự sướng” với nhau hoặc kiếm huy chương mà xin xét tặng danh hiệu.

Chúng ta nên nhớ, trong các hội diễn, đâu phải 100% đều được huy chương đâu, vậy những người tham gia mà không có huy chương thì vì sao họ tham gia. Trên đời này chẳng ai nhăm nhăm viết một vở kịch, tham gia một vai diễn chỉ để đạt huy chương đâu… Người ta sáng tạo, người ta cống hiến là hoàn toàn vì đam mê nên chúng ta cũng đừng suy diễn theo chiều hướng đó”.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - Uỷ viên Ban giám khảo của Liên hoan Kịch nói toàn quốc cũng tiết lộ, bà nằm trong thành viên Ban giám khảo nhưng phải đến phút cuối mới biết. Và những ai nằm trong thành phần Ban giám khảo cũng được giữ kín cho đến khi ngồi vào bàn chấm. Điều đó chứng tỏ rằng, giám khảo không chỉ làm việc rất chuyên nghiệp và khách quan mà Ban tổ chức cũng rất thận trọng để việc nhìn nhận, đánh giá các tác phẩm, cá nhân trong Liên hoan công minh nhất.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định BGK làm việc rất công tâm nên không ai có thể chạy huy chương được.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định BGK làm việc rất công tâm nên không ai có thể "chạy" huy chương được.

Nói về việc “chạy” huy chương trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018, NSND Trần Nhượng cũng bày tỏ, tâm lý của nghệ sĩ khi tham gia kỳ hội diễn nào cũng mong muốn mình có huy chương hoặc giải thưởng mang về. Giải thưởng chính là thành tích và thành tích cũng là căn cứ để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

“Tôi nghĩ rằng, đó là một mong muốn rất chính đáng và rất đỗi thường tình. Tôi hoàn toàn ủng hộ mong muốn đó của anh chị em nghệ sĩ.

Tất nhiên, cũng có nghệ sĩ không quan tâm đến chuyện danh hiệu, nhất là một số nghệ sĩ ở phía Nam. Nhưng khi họ bước ra sân khấu, họ vẫn hết mình với vai diễn và vẫn mong muốn có một tấm huy chương cao nhất vì đó là sự ghi nhận đối với tâm sức họ dành cho vai diễn và cả sự nhìn nhận về tài năng của họ trong chuyên môn nữa. Những người nói “Tôi không cần huy chương” hiếm hoi lắm hoặc chỉ những vai phụ không thể đạt được huy chương mới dám nói vậy”, NSND Trần Nhượng nhấn mạnh.

Nam nghệ sĩ này cũng thật lòng rằng, ông từng làm giám khảo của một vài hội diễn về sân khấu chuyên nghiệp nhưng ông chưa bao giờ thấy hiện tượng “chạy” huy chương. Nếu có cũng chỉ là dạng đồn thổi chứ không có bằng chứng xác thực.

NSND Trần Nhượng chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí.
NSND Trần Nhượng chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí.

Trần Nhượng cũng cho rằng, việc anh dày công dựng vở “Dưới ánh đèn” mang đi dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 là vì muốn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ làm nghề cũng như góp phần phát triển sân khấu chứ không vì mục đích gì khác.

Bản thân anh khi dựng vở diễn này còn phải bỏ tiền túi ra và “ăn bớt” thời gian dành cho gia đình để tập trung cùng anh em tập luyện. Anh đã lên đến NSND nên cũng không có nhu cầu kiếm thêm giải thưởng để phong tặng nghệ sĩ. Anh cũng không nghĩ vở diễn của mình sẽ được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước gì hết… mà đơn giản đây là tình yêu, là đam mê.

NSƯT Tiến Quang tâm sự, đa phần nghệ sĩ khi dấn thân vào nghề này đều vì cái tâm yêu nghề. Bản thân anh khi tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 là vì ủng hộ CLB Sân khấu Thử nghiệm và muốn cùng anh em góp phần phát triển sự nghiệp sân khấu.

“Như mọi người biết, tôi bây giờ là Thượng tá quân đội và đã đạt được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Tôi cũng đã hoàn thành trọng trách của mình sau nhiều năm gắn bó với Nhà hát Kịch quân đội và giờ đã về hưu nên chuyện cố kiếm huy chương để được xét tặng danh hiệu dường như không có cơ sở. Mà chuyện kiếm được huy chương ở Liên hoan Kịch nói toàn quốc cũng là điều rất khó nói.

NSƯT Tiến Quang.
NSƯT Tiến Quang.

Việc tôi đạt được huy chương vàng cũng là một điều ngoài sự mong đợi. Có người hỏi: “Nếu đủ điều kiện xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân thì anh có làm hồ sơ không?”, tôi bảo làm nghệ thuật, đạt được thành tích cao và có cơ hội để được xét tặng danh hiệu thì không chỉ bản thân tôi mà ai cũng muốn làm hồ sơ. Bởi đó không đơn giản chỉ là danh hiệu để hơn người mà là sự ghi nhận những cống hiến của người nghệ sĩ đối với nền nghệ thuật nước nhà”, NSƯT Tiến Quang nói.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, việc xét tặng danh hiệu không chỉ có huy chương mà còn dựa vào rất nhiều tiêu chí. Có những trường hợp dù có rất nhiều huy chương nhưng không đạt được những tiêu chí khác thì cũng chưa chắc đã được xem xét.

Các Hội đồng nhìn nhận là nhìn vào tài năng thực sự, sự đóng góp đối với nghệ thuật và tầm ảnh hưởng đối với khán giả chứ không chỉ có huy chương.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

“Không phải cứ nghĩ tham gia hội diễn để có huy chương là nắm chắc việc được xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đâu. Mục tiêu cao nhất việc các nghệ sĩ và các ê-kíp là để phục vụ nhân dân, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu nước nhà. Đó mới là giá trị cao nhất mà người nghệ sĩ nên vươn tới và cần vươn tới.

Còn nếu ai mà chăm chăm đi hội diễn để lấy huy chương thì giá trị của người đó chỉ trong hội diễn đó mà thôi. Tôi cũng đã từng đề nghị nhiều nhà hát, nhiều đoàn kịch và câu lạc bộ là sau khi Liên hoan kết thúc nên đem vở diễn đi biểu diễn ở nhiều nơi để phục vụ nhân dân, phục vụ khán giả… Đó mới đúng là người nghệ sĩ của nhân dân, người nghệ sĩ ưu tú”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Hà Tùng Long