Chuyện về nữ diễn viên cuối cùng của “Cuốn theo chiều gió”
(Dân trí) - Nữ diễn viên Olivia de Havilland của phim “Cuốn theo chiều gió” đã vừa bước sang tuổi 100, bí quyết sống lâu - sống khỏe của bà chính là luôn “yêu thương, vui vẻ và học hỏi”, nhưng sau cùng, bà vẫn không thể nào tha thứ cho người em gái, kể cả khi người ấy… đã mất.
Nữ diễn viên Olivia de Havilland của phim “Cuốn theo chiều gió” vừa bước sang tuổi 100 vào ngày 1/7 vừa qua. Sự kiện này đã rất thu hút sự quan tâm của các trang tin điện ảnh bởi cuộc đời bà Olivia de Havilland có những câu chuyện đáng nhớ của một “thế hệ vàng Hollywood”.
Trước hết, bà Olivia đã tham gia diễn xuất trong một bộ phim kinh điển của lịch sử điện ảnh, thêm nữa, cuộc đời bà còn gắn liền với mối bất hòa cũng “kinh điển” không kém với người em gái - nữ diễn viên Joan Fontaine (1917-2013).
Trong thế giới phù hoa ở Hollywood, những mối bất hòa vốn là chuyện quá đỗi quen thuộc nhưng một sự cạnh tranh không khoan nhượng giữa hai chị em ruột từ nhỏ tới lớn, như hai nữ diễn viên Olivia de Havilland và Joan Fontaine lại là một câu chuyện đặc biệt.
Cuối cùng, ở sinh nhật thứ 100, bà Olivia de Havilland đã cho phép mình được nói đôi điều về mối quan hệ đối nghịch với người em gái đã mất của mình.
Luôn “yêu thương, vui vẻ”, nhưng không thể tha thứ cho tất cả mọi chuyện
Bà Olivia hiện là một trong những diễn viên cuối cùng còn lại của “thế hệ vàng Hollywood”. Trong khi người ta đã phân tích quá nhiều về bộ phim kinh điển “Cuốn theo chiều gió” mà bà từng tham gia, thì mối quan hệ chị em - đối thủ giữa bà và em gái cho tới giờ vẫn còn nhiều bí ẩn khơi gợi sự tò mò của công chúng.
Bà Olivia cho biết, bà thường gọi em gái Joan Fontaine của mình là “Dragon Lady” (Bà Rồng). Hiện tại, bà Olivia đang sinh sống ở Paris, Pháp, bà vẫn giữ được vẻ đẹp đáng nể ở tuổi 100, trong sự nghiệp của mình, bà Olivia từng hai lần giành tượng vàng Oscar.
Khi được đề nghị chia sẻ về mối quan hệ với người em gái Joan Fontaine, bà Olivia đã đồng ý trả lời phỏng vấn qua email, bởi hiện tại, đây là phương thức giao tiếp mà bà thấy tiện lợi hơn cả, do bà đang mất dần thính lực và thị lực.
Bà Olivia nhớ rằng “giai thoại về mối bất hòa” giữa hai chị em bà lần đầu tiên được khắc họa trên mặt báo bởi tờ tạp chí Life sau lễ trao giải Oscar 1942, tại mùa giải năm đó, cả hai chị em bà đều được đề cử ở hạng mục Nữ chính xuất sắc.
Joan Fontaine - người em gái của bà khi đó là một nữ diễn viên ít tên tuổi hơn, nhưng cô đã giành được tượng vàng với vai diễn trong “Suspicion” còn bà Olivia bị trượt giải với đề cử cho vai diễn trong “Hold Back the Dawn”.
“Mối bất hòa truyền kiếp cứ tiếp tục được khắc họa trên mặt báo, nhưng tôi không thể nào nhớ ra nổi một tình huống mà trong đó, tôi là người gây hấn trước. Dù vậy, tôi có thể nhớ rất nhiều tình huống, khi tôi buộc phải phản ứng trước những hành động thiếu cân nhắc một cách đầy chủ ý”, bà Olivia chia sẻ.
Olivia de Havilland trong “Cuốn theo chiều gió” (1939)
Hiện tại, khi nữ diễn viên gạo cội Joan Fontaine đã qua đời, chúng ta không thể biết bà Joan sẽ phản ứng thế nào trước những lời nhận xét của chị.
Trước đây, trong cuốn hồi ký “No Bed of Roses” (Không có thảm hoa hồng - 1978), nữ diễn viên Joan Fontaine đã từng nói về chị mình rằng: “Tất cả những sự đối địch mà chúng tôi từng trải qua khi còn là những đứa trẻ, những lần giật tóc, những trận cãi lộn, thậm chí ẩu đả, lần mà Olivia làm rạn xương đòn của tôi, tất cả đều đươc nhớ lại trong một ống kính vạn hoa.
“Tôi vẫn còn nhìn thấy đây hình ảnh chị Olivia nhoài người qua bàn và túm lấy tóc tôi. Tôi là một cô bé 4 tuổi, bị chị gái mình đe dọa. Thật tệ, tôi chắc lại làm chị ấy nổi cơn giận dữ nữa rồi!”.
Sau lần hụt giải Oscar vào tay em gái, về sau, bà Olivia de Havilland có hai lần thắng giải với phim “To Each His Own” (1947) và “The Heiress” (1950), dù vậy, việc này cũng không giúp làm sưởi ấm mối quan hệ giữa họ.
Sau chiến thắng của chị gái tại giải Oscar năm 1947, cô em gái Joan Fontaine đã bước lại để chúc mừng chị nhưng lại bị ngó lơ. Khi đó, người phát ngôn của nữ diễn viên Olivia de Havilland đã “trần tình” rằng: “Câu chuyện này bắt đầu từ rất nhiều năm về trước, kể từ khi họ còn là hai cô bé”.
Trong gần suốt cuộc đời mình, bà Olivia luôn cố gắng giữ im lặng trước mối quan hệ sóng gió với cô em gái, dù vậy, đã có một lần bà lên tiếng chỉ trích cuốn hồi ký kể trên của cô em gái, cho rằng những gì đã viết ra là “hai mặt, giúp một người được yêu quý hơn và khiến một người bị ghét bỏ”.
“Về phần mình, tôi luôn thân thiện, nhưng đôi khi vẫn bị ghẻ lạnh, trong những năm tháng sau này, mọi chuyện càng tệ. Bà Rồng, tôi gọi cô ấy như thế, là một phụ nữ thông minh, tài năng nhưng với cách nhìn nhận về con người và sự việc của ấy, cô ấy thường phản ứng một cách không công bằng, thậm chí gây tổn thương”, bà Olivia nhận định.
Trả lời câu hỏi rằng bà sẽ nói gì với em gái mình nếu nữ diễn viên Joan Fontaine vẫn còn sống trong dịp sinh nhật thứ 100 này, bà Olivia cho biết: “Nếu Bà Rồng vẫn còn sống cho tới hôm nay, thay vì lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tôi sẽ lại tiếp tục im lặng như trước! Có lẽ không phải mọi chuyện đều có thể tha thứ dễ dàng được”.
Không thích Scarlett “nổi loạn” vì bản thân đã giống hệt Scarlett rồi
Ở tuổi 100, dù đã bị suy giảm thính lực và thị lực, nhưng bà Olivia vẫn có thể đọc và trả lời email. Bà vẫn leo cầu thang mỗi ngày. Chia sẻ về bí quyết sống lâu, sống khỏe của mình, bà cho rằng đó là nhờ “yêu thương, vui vẻ và học hỏi”.
Nhớ lại thời kỳ đóng phim “Cuốn theo chiều gió”, bà Olivia cho biết ngay từ đầu bà đã không lựa chọn thử vai Scarlett O’Hara, thay vào đó, bà thử vai Melanie Hamilton - một phụ nữ truyền thống, không nổi loạn như nhân vật Scarlett, mặc dù ở thời điểm đó tất cả các nữ diễn viên đều đổ xô thử vai Scarlett.
“Nhân vật Scarlett không hấp dẫn tôi bởi cô ấy quá hiện đại, thời thượng, quá độc lập, tự chủ, giống hệt như cá tính của tôi. Nhân vật Melanie thì khác, một phụ nữ truyền thống. Hơn tất cả, tôi muốn mình chắc chắn phải có một vai trong ‘Cuốn theo chiều gió’, tôi đã có linh cảm rằng bộ phim này sẽ có sức sống lâu bền”, bà Olivia chia sẻ.
Bà Olivia bắt đầu chuyển tới sống ở Paris từ năm 1953, bà cảm ơn thành phố này vì đã mang lại cho mình niềm vui và hạnh phúc, đối với bà, Paris là “một bước phát triển rực rỡ mới trong cuộc đời”.
Thời điểm bà Olivia rời Hollywood để tới Paris là ngay sau khi truyền hình bắt đầu có những cuộc cách mạng đột phá: “Năm 1951, truyền hình bắt đầu thắng thế. Doanh thu điện ảnh của kỷ nguyên vàng Hollywood bắt đầu sụt giảm, Hollywood bắt đầu rời rạc. Đến năm 1953, tôi cảm thấy như tất cả đã đi đến kết thúc, Hollywood chỉ còn là một nơi buồn bã”.
Chia sẻ về sự bất bình đẳng giới ở Hollywood, bà Olivia nhận định: “Sự phân biệt về giới là là một sự thật mà tôi đã từng phải chấp nhận. Đàn ông cảm thấy mình bị đe dọa khi đứng trước họ là những phụ nữ thông minh, tài giỏi, vì vậy, người phụ nữ phải có những cách hành xử vô cùng khéo léo khi giải quyết công việc với các đạo diễn và nhà sản xuất. Ngay từ thời của tôi, phụ nữ đã luôn bị trả công ít hơn so với nam giới dù cho họ cùng làm một công việc”.
Trong sự nghiệp của mình, bà Olivia từng kiện ra tòa một hãng phim lớn hồi năm 1943 vì những tranh cãi trong hợp đồng lao động, phần thắng đã thuộc về bà, sự việc đó từng khiến bà được coi là “bà đàm thép” của Hollywood.
Thuở đó, các diễn viên thường đầu quân cho các hãng phim và chịu sự quản lý của hãng phim, để chờ được phân phối vai diễn, bà Olivia không chấp nhận điều này, bà cho rằng mỗi diễn viên đều có quyền lựa chọn mình có tham gia vào một bộ phim nào đó hay không, không bên nào có quyền ép uổng diễn viên.
Bà Olivia quyết định đưa sự việc ra tòa và đã thắng kiện, vụ việc gây tiếng vang tại Hollywood, khiến các hãng phim phải bớt đi quyền lực thao túng đối với sự nghiệp của các diễn viên.
Ngay sau khi chiến thắng vụ kiện, bà Olivia nhận được kịch bản phim “To Each His Own” và giành về tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp, đó như là một “chiến thắng kép” của bà.
Nhìn lại cuộc đời rất dài của mình, bà Olivia cho rằng điều khiến bà cảm thấy đáng tiếc nhất, đó là: “Tất cả những nghệ sĩ mà tôi từng quen biết trong kỷ nguyên vàng Hollywood hiện giờ đều đang sống ở đâu đó xa xôi, không loại trừ… thế giới bên kia”.
Trailer phim "Cuốn theo chiều gió" (1939)
Một câu chuyện “kinh điển” về tình chị em ở Hollywood
Người em gái của bà Olivia - nữ diễn viên Joan Fontaine từng có câu nói “bất hủ” khi trả lời phỏng vấn hồi năm 1978 rằng: “Tôi lấy chồng trước, tôi giành giải Oscar trước, Olivia làm tất cả mọi việc chậm hơn tôi. Và nếu tôi chết trước, chẳng nghi ngờ gì chị ấy sẽ giận bầm gan tím ruột bởi ngay đến việc cuối cùng này, tôi cũng chiến thắng”.
Joan Fontaine và chị gái đã bất hòa với nhau trong suốt cuộc đời, họ thậm chí còn không nhìn mặt nhau kể từ năm 1975 khi sợi dây liên kết cuối cùng của hai chị em - mẹ của họ, qua đời vì bệnh ung thư.
Trước báo chí, người này bóc mẽ người kia: Joan nói rằng chị gái là người đứng lên tổ chức tang lễ nhưng lại không thông báo thời gian, địa điểm cho em. Sau đó, Olivia lại “trả đũa” rằng mình đã mời nhưng em gái nói rằng quá bận nên sẽ không có mặt..
Khi còn trẻ, hai chị em cùng là diễn viên, họ tranh giành nhau những vai diễn hứa hẹn, như trong bộ phim “Cuốn theo chiều gió” (1939), cả hai cùng muốn được tuyển nhưng cuối cùng chỉ có cô chị Olivia được chọn. Rồi họ cùng cạnh tranh để lọt vào mắt xanh đạo diễn Alfred Hitchcock và lần này cô em Joan chiến thắng.
Đôi khi, họ cũng cạnh tranh để trở thành bạn gái của một người đàn ông nào đó. Chẳng hạn có thời cả hai cùng qua lại với tỉ phú Howard Hughes mà theo lời người trong cuộc, cô em Joan đã giành chiến thắng khi nhận được lời cầu hôn của Hughes. Tuy vậy, Joan đã từ chối.
Mối bất hòa giữa hai chị em bắt nguồn từ tuổi thơ của họ khi ngay từ nhỏ, hai chị em đã hay ghen tị và tranh giành nhau sự quan tâm của mẹ. Ngay kể cả sau này, khi họ đã trưởng thành, họ vẫn thường xuyên tranh giành sự bênh vực của mẹ mỗi khi xảy ra xung đột.
Mối hằn thù giữa hai người càng sâu sắc khi cả hai cùng được đề cử tại giải Oscar năm 1942, Joan Fontaine đã giành chiến thắng. Ngay sau đó, Joan nói rằng: “Đó là giây phút vừa ngọt ngào vừa cay đắng, khi tên tôi được xướng lên, tôi điếng người… Vậy là tôi đã chiến thắng chị mình”.
Để đáp trả việc này, về sau, khi Olivia giành được tượng vàng Oscar với vai diễn trong “To Each His Own” (1946), lúc lên nhận giải, Olivia đã lờ đi hành động thân thiện tỏ ý chúc mừng của cô em ngay tại lễ trao giải.
Joan Fontaine tổng cộng kết hôn 4 lần nhưng đều kết thúc bằng ly dị. Về cô chị Olivia de Havilland, bà cũng trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Trợ lý của Joan Fontaine cho biết hồi năm 2013 rằng bà đã ra đi theo đúng ước nguyện của mình - “được chết một mình trên giường” - giống như đã có lần bà trả lời phỏng vấn. Quả thực, Joan Fontaine đã qua đời trong giấc ngủ một cách yên bình và không có ai bên cạnh. Quả thực, như bà Olivia đã nói, “có lẽ không phải mọi chuyện đều có thể tha thứ dễ dàng được”.
Bích Ngọc
Tổng hợp