Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao

Nguyên An

(Dân trí) - Có những khoảng tưởng như làng nghề dệt đũi truyền thống Nam Cao đã dần rơi vào quên lãng, nhưng những nghệ nhân lành nghề như bố mẹ Tố Uyên vẫn quyết tâm bám trụ để nghề làm đũi lụa không mai một.

Ai xa quê lâu ngày mới thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Với Tố Uyên, cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở làng nghề Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) nỗi nhớ ấy không chỉ đơn thuần là nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ gia đình, mà sau trong tiềm thức là nỗi nhớ những tiếng lạch cạch của khung cửi, nhớ mùi khói bếp lúc 5 giờ sáng bố dậy nhóm bếp nấu đũi, mùi của con kén, của sợi, của tơ, và cả những mùi hóa chất...

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 1

Đũi phơi trắng một góc làng (Ảnh: NVCC). 

Uyên kể: "Trước đây, làng Nam Cao là làng nghề dệt đũi tơ tằm nổi tiếng, nhưng nhiều năm nay nghề đã mai một dần, chỉ còn nhà mình và một số gia đình vẫn tiếp tục giữ nghề đến tận bây giờ".

Công việc hàng ngày của cô Hà Thị Luyến bên khung cửi dệt đũi

Mẹ Uyên theo nghề từ khi cô chưa ra đời. Ngày xưa quê nghèo, mẹ Uyên bắt đầu tìm học nghề và theo đuổi nghề dệt đũi, lụa suốt mấy chục năm qua. Bấy nhiêu vất vả gắn bó với nghề làm đũi của bố mẹ, Uyên đều chứng kiến từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành. 

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 2

Những kén tằm vàng ươm (Ảnh: NVCC). 

Ngày nhỏ, Uyên và đám trẻ trong làng "ghét" nghề truyền thống vô cùng. Uyên nghĩ, nghề gì mà cực quá vậy? Tiếng khung cửi lạch cạch cả ngày không ngơi. Đám trẻ con muốn xem chút tivi giải trí cũng không thể.  

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 3

Công đoạn kéo đũi thành sợi làm thủ công hoàn toàn (Ảnh: NVCC). 

Với bố mẹ Uyên, khái niệm "ngày nghỉ" là một điều gì đó thật xa vời. Uyên thú nhận: "Ngày xưa đám trẻ như mình chỉ mong... mất điện. Chỉ có lúc mất điện mới đỡ phải nghe tiếng lạch cạch đau đầu của khung cửi vang lên khắp làng. Và chỉ có mất điện bố mẹ mình mới được ngơi tay một chút.

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 4

Bố Uyên bên khung cửi (Ảnh: NVCC). 

Sau này lớn lên Uyên mới biết, khi khắp làng Nam Cao rộn ràng tiếng lạch cạch của khung cửi không ngơi thì đó là lúc nghề dệt tơ, đũi vẫn còn phát triển thịnh vượng, hoàng kim nhất. Đám trẻ trong làng như Uyên sẽ chẳng thể quên những nong tằm vàng ươm và mùa bắt kén rộn ràng khắp thôn ngõ, những vườn dâu xanh ngắt trên những triền đê quanh làng.

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 5

Công đoạn đánh ống (Ảnh: NVCC). 

Vậy mà cũng bởi cực khổ quá nên nhiều người trong làng đã bỏ nghề, đi làm cho những xưởng may, thu nhập có không thể bằng làm tơ, dệt đũi nhưng đỡ vất vả hơn nhiều.

Cũng có thời điểm, mẹ Uyên tính bỏ nghề làm đũi để làm xưởng may như bao người khác trong làng. Vậy mà cũng chỉ một tháng tạm xa nghề làm đũi, mẹ lại tẩn ngẩn đứng trước khung cửi rồi quyết định quay về nghề truyền thống. 

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 6

Những sợi đũi được đem phơi hai ngày nắng (Ảnh: NVCC). 

Cả đời bố mẹ Uyên quần quật với cái nghề, từng hi sinh tất cả chỉ để được làm nghề, giữ nghề dệt đũi lụa. "Sáng mẹ dậy sớm, khi đài phát thanh còn chưa nói, khi người ta còn đang ngon giấc thì mẹ đã phải lạch cạch bên chiếc khung cửi, đêm xuống khi người ta đã chìm sâu vào giấc ngủ thì mẹ vẫn còn đang bận rộn với từng cái suốt, con thoi.

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 7

Bố mẹ Uyên vẫn quyết tâm giữ nghề làm đũi (Ảnh: NVCC). 

Mình vẫn cảm nhận được cái ươn ướt mồ hôi, nước mắt và thỉnh thoảng là cả da thịt là máu của mẹ trên từng cái đinh, con ốc, sợi tơ hay từng mét đũi", Uyên nghẹn ngào nói. 

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 8

Vải đũi thành phẩm sau khi dệt (Ảnh: NVCC). 

Nhiều khi Uyên nghĩ liệu có phải bố mẹ Uyên có duyên, có nợ gì với nghề làm tơ, dệt đũi hay không mà trải qua bao biến cố, thăng trầm bố mẹ Uyên vẫn một mực gắn bó với nghề. Cái nghề lúc thịnh lúc suy nhưng ở bất kỳ giai đoạn khó khăn nào bố mẹ Uyên cũng đều vượt qua để duy trì và phát triển.

Chuyện về người giữ nghề ở làng dệt đũi Nam Cao - 9

Chân dung vợ chồng ông Nguyễn Thiên Doanh và bà Hà Thị Luyến, một trong những nghệ nhân giữ nghề truyền thống tại làng Nam Cao (Ảnh: NVCC). 

Yêu nghề là thế nhưng câu cửa miệng mà bố mẹ luôn nói với chị em Uyên rằng nghề này vất vả, cố học để sau này kiếm một công việc nào đó bớt cực nhọc hơn. Còn với Uyên khao khát giữ nghề vẫn luôn chảy trong máu. Dù xa làng lên Hà Nội học tập và làm việc đã lâu nhưng hễ có ai hỏi quê ở đâu, Uyên đều tự hào nói: "Làng dệt đũi Nam Cao nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa". 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm