Chuyện về người đàn ông khiến phụ nữ thích mặc váy đen

(Dân trí) - Phụ nữ từng có thời chỉ mặc váy đen khi để tang, vậy nhưng, chính nhờ có người đàn ông này và sáng tạo “kiệt tác” của ông với đầm đen, mà phụ nữ bắt đầu thích mặc váy đen. Kể từ đó, váy áo của phụ nữ có thêm một màu sắc vốn từng là màu kiêng kỵ.

Hubert de Givenchy (1927-2018), một nhà thiết kế thời trang huyền thoại người Pháp, người đàn ông từng đưa tới thời đại vàng cho vẻ đẹp trang nhã của phụ nữ, vừa qua đời ở tuổi 91.

Trong sự nghiệp thiết kế của mình, Givenchy góp phần làm nên vẻ đẹp cho những biểu tượng thời trang như minh tinh điện ảnh Audrey Hepburn, công nương Monaco - Grace Kelly, cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jackie Kennedy.

Audrey Hepburn trong bộ phim kinh điển “Breakfast at Tiffany’s” (Bữa sáng ở Tiffany - 1961)
Audrey Hepburn trong bộ phim kinh điển “Breakfast at Tiffany’s” (Bữa sáng ở Tiffany - 1961)

Thiết kế ghi nhận sự đóng góp lớn nhất của Givenchy cho thời trang chính là những chiếc váy đen đẳng cấp, trước đây, váy đen thường chỉ gắn liền với tang tóc. Nhưng kể từ sau bộ đầm đen huyền thoại mà ông sáng tạo để nữ minh tinh Audrey Hepburn mặc trong bộ phim kinh điển “Breakfast at Tiffany’s” (Bữa sáng ở Tiffany - 1961), điều kiêng kỵ đã được hóa giải.

Givenchy qua đời vào cuối tuần qua tại một lâu đài xây dựng theo phong cách Phục hưng, nằm ở ngoại ô Paris, nơi ông sống những ngày tháng cuối đời với người bạn đời lâu năm - nhà thiết kế thời trang Philippe Venet.

Sở hữu chiều cao 1m98, Givenchy là một “người khổng lồ” trong thế giới thời trang cao cấp “haute couture” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông không chỉ cao lớn hơn hẳn những bạn đồng nghiệp của mình; mà những thiết kế của ông còn được đánh giá là tiên phong thực sự trong dòng chảy thời trang, đặc biệt rất tinh tế và trang nhã.

Givenchy chính là người thiết kế nên những bộ váy áo tuyệt đẹp góp phần giúp minh tinh Audrey Hepburn trở thành biểu tượng thời trang. Những bộ đồ kinh điển mà Audrey mặc trong bộ phim huyền thoại “Breakfast at Tiffany’s” (Bữa sáng ở Tiffany - 1961) chính do Givenchy thiết kế.
Givenchy chính là người thiết kế nên những bộ váy áo tuyệt đẹp góp phần giúp minh tinh Audrey Hepburn trở thành biểu tượng thời trang. Những bộ đồ kinh điển mà Audrey mặc trong bộ phim huyền thoại “Breakfast at Tiffany’s” (Bữa sáng ở Tiffany - 1961) chính do Givenchy thiết kế.

Ở đỉnh cao sự nghiệp, Givenchy vừa thiết kế trang phục trên màn bạc vừa chăm chút cho diện mạo thời trang ngoài đời thực cho nữ minh tinh Audrey Hepburn. Ngược lại, Audrey vừa là nàng thơ vừa là khách hàng trung thành của Givenchy. Chính Audrey đã truyền cảm hứng để Givenchy cho ra mắt dòng nước hoa đầu tiên của mình - L’Interdit.

Sự nổi tiếng của Audrey ở Hollywood cũng góp phần làm nên thành công cho sự nghiệp thiết kế của Givenchy trên đất Mỹ. Sinh thời, minh tinh Audrey Hepburn từng nói: “Trang phục mà Givenchy thiết kế là những món đồ duy nhất khiến tôi cảm nhận được chính mình. Ông ấy còn hơn cả một nhà thiết kế, ông ấy là người sáng tạo nên cá tính cho người mặc”.

Givenchy sinh thời đã học hỏi được nhiều điều về việc kinh doanh thời trang từ một bậc thầy khác trong làng mốt - nhà thiết kế người Tây Ban Nha Cristóbal Balenciaga (1895-1972; người sáng lập ra thương hiệu mốt Balenciaga).

Phong cách thiết kế của Givenchy luôn hướng đến sự trang nhã, nhẹ nhàng, đầy tiết chế, chừng mực. Những thiết kế của ông bắt đầu được săn lùng bởi những nhân vật tiếng tăm và giàu có kể từ hồi thập niên 1950. Tờ tạp chí Madame Figaro (Pháp) từng nhận xét về những thiết kế của ông là “sự chính xác của một bác sĩ phẫu thuật; không thiếu; không thừa”.

Givenchy thời trẻ
Givenchy thời trẻ

Givenchy tên đầy đủ là Hubert James Marcel Taffin de Givenchy, ông sinh năm 1927 ở thành phố Beauvais (Pháp), trong một gia đình quý tộc lâu đời. Cha của Givenchy qua đời khi ông mới 2 tuổi.

Thuở nhỏ, cậu bé Givenchy bị hút hồn bởi bộ sưu tập các mẫu vải của ông, những mẫu vải được thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Đối với ông của Givenchy, đó là cả một gia tài quý báu mà cậu cháu trai chỉ được phép động vào nếu cậu có điểm tốt ở trường.

Sớm có cảm hứng với thời trang, Givenchy trở nên ám ảnh với suy nghĩ rằng mình cần phải được gặp nhà thiết kế thời trang lừng danh mà cậu ngưỡng mộ nhất - Balenciaga.

Lên 10 tuổi, Givenchy đã bỏ nhà đi với mơ mộng rằng mình sẽ có thể tìm thấy thần tượng và cho ông thấy những thiết kế thời trang đầy của riêng mình. Đương nhiên, giấc mơ của cậu bé không thành. Sau lần đó, Givenchy thuyết phục gia đình để cho cậu được theo đuổi ước mơ thiết kế thời trang thay vì trở thành luật sư như mong muốn của cả nhà.

Givenchy tha thiết xin gia đình cho mình được theo học trường nghệ thuật danh tiếng École des Beaux-Arts nằm ở thành phố Paris (Pháp) và năm 1945, ở tuổi 17, Givenchy được thỏa nguyện.

Trẻ tuổi, lịch thiệp, có học thức, Givenchy nhanh chóng tìm được công việc tại các nhà mốt đang mọc lên nhanh chóng ở Paris thời hậu chiến. Cậu thanh niên được gặp những đàn anh như Christian Dior, Pierre Balmain - những con người cũng đang kiếm tìm cơ hội trở thành nhà mốt danh tiếng ở thời điểm đó.

Givenchy giúp minh tinh Audrey Hepburn thử đồ
Givenchy giúp minh tinh Audrey Hepburn thử đồ

Năm 1947, khi vẫn còn đang đi học, Givenchy đã bắt đầu làm việc tại nhà mốt của nhà thiết kế danh tiếng Elsa Schiaparelli (1890-1973), ông được giữ trọng trách giám đốc nghệ thuật của cửa hiệu, đặt ở gần quảng trường Vendôme.

Givenchy mở nhà may đầu tiên của riêng mình hồi năm 1952, bộ sưu tập đầu tiên của Givenchy gồm những chiếc áo mỏng nhẹ trang nhã, váy ngắn giản dị mềm mại, thể hiện sự ảnh hưởng lớn từ phong cách thiết kế của Balenciaga.

Giống như bậc thầy mà mình ngưỡng mộ, Givenchy tin rằng sự tiết chế, chừng mực mới là điều quan trọng trong thiết kế thời trang, vì vậy, ông luôn thích sự đơn giản nhưng vẫn đầy phong cách, hơn là sự cầu kỳ, phô trương.

Mùa hè năm 1953, Givenchy gặp Audrey Hepburn và cho cô mượn một vài bộ đồ để cô đóng phim “Sabrina” (1954). Đó là khởi đầu của một sự hợp tác kéo dài, rất ăn ý, mở ra một tình bạn sâu đậm. 1953 là một năm may mắn với Givenchy. Bởi đến cuối năm, tại New York, lần đầu tiên Givenchy được gặp thần tượng Balenciaga.

Givenchy thời trẻ
Givenchy thời trẻ

Trong suốt cuộc đời, Givenchy thích tự gọi mình là “anh thợ học việc”, bởi Givenchy luôn đặt mình trong cuộc kiếm tìm nguồn cảm hứng và những ý tưởng mới.

Trong show cuối cùng tổ chức trước khi từ giã sự nghiệp thiết kế hồi năm 1995, Givenchy nói với bạn bè rằng: “Tôi sẽ ngừng may váy áo, nhưng sẽ không ngừng những khám phá. Cuộc đời là một cuốn sách, mỗi người đều phải biết khi nào thì sang trang”.

Thương hiệu Givenchy được ông bán lại cho một tập đoàn kinh doanh từ năm 1988, Givenchy sau đó vẫn tiếp tục giữ vai trò giám đốc thiết kế - sáng tạo trong 7 năm. Tiếp nối ông về sau ở vị trí này là những cái tên đình đám khác của làng mốt, như John Galliano, Alexander McQueen, Julien Macdonald, Riccardo Tisci.

Trong giây phút mở màn một triển lãm tôn vinh sự nghiệp của ông diễn ra tại bảo tàng thời trang Museum for Lace and Fashion nằm ở thành phố Calais, Pháp hồi năm ngoái, Givenchy nói: “Tôi hạnh phúc bởi tôi đã được làm công việc hằng mơ ước từ khi còn là một đứa trẻ”.

Mặc dù vậy, Givenchy không thực sự hứng thú với thời trang cao cấp đương đại, ông từng tâm sự: “Ngày nay, tôi thấy cái gì cũng có thể trở thành thời trang. Thời trang với tôi bây giờ đã trở thành cái gì đó khác xa lắm rồi, và tôi không thể nói rằng tôi thích thời trang hiện nay. Cái gì cũng có thể gọi là mốt, là thời trang được”.

Trailer phim “Breakfast at Tiffany's” (Bữa sáng ở Tiffany’s - 1961)

Bích Ngọc
Theo Guardian