Chuyện tình lãng mạn của nhạc sĩ Bắc Sơn với nhà thơ Ngọc Bích
(Dân trí) - Là nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng, đẹp trai, có tài, nhiều bóng hồng vây quanh… nhưng nhạc sĩ Bắc Sơn luôn dành mọi tình cảm cho người vợ tào khang. Dù bận đến mấy ông cũng dành thời gian về nhà ăn cơm với vợ.
Nhạc sĩ Bắc Sơn (1931 - 2005), tên thật là Trương Văn Khuê, sinh ra và lớn lên tại Long Thành, Đồng Nai. Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Bắc Sơn để lại hơn 500 tác phẩm. Các ca khúc nổi tiếng nhất của ông đều mang âm hưởng dân ca Nam bộ như: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Còn thương góc bếp chái hè, Sa mưa giông...
Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Bắc Sơn còn là một diễn viên nổi tiếng. Ông tham gia diễn xuất trong khoảng 60 phim điện ảnh, là tác giả của 80 kịch bản phim. Năm 1997, ông được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú.
Chia sẻ trong “Chân dung cuộc tình”, ca sĩ Thùy Trang - người từng ghi dấu ấn với nhiều ca khúc của Bắc Sơn cho biết, chị từng được nhạc sĩ gọi đến nhà giao cho ca khúc “Em đi trên cỏ non”. Khi ấy, ca khúc được ca sĩ Hương Lan ở hải ngoại thể hiện rất thành công.
Nhạc sĩ Bắc Sơn đã yêu cầu Thùy Trang phải tập bài này thật kĩ: “Nhạc sĩ Bắc Sơn bảo tôi phải làm sao thổi hồn vào bài hát. Ngoài giờ tập, cô chú còn mang trà và bánh ngọt lên cho tôi ăn đỡ đói. Tôi yêu quý cô chú, coi chú như người ba của mình. Có lẽ vì thế mà tôi thể hiện thành công nhiều bài hát của chú như: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Sa mưa giông…”.
Ca sĩ Bích Thủy - con gái nhạc sĩ Bắc Sơn chia sẻ, chị là người hát nhiều ca khúc của ba nhất. Trong đó, chị ấn tượng ở ca khúc “Giấc ngủ trên tay” vì nó gắn với kỷ niệm của gia đình: “Khi đó ba má tôi ở Sài Gòn, còn ông bà ở dưới quê.
Ba má nói mỗi tuần cho một người con xuống ở với ông bà. Tôi là người xuống ở với ông bà nhiều nhất. Có lần, ba má xuống thăm, mắc võng cho tôi, khi thấy ông bà về tôi nhìn theo và khóc. Bài hát “Giấc ngủ trên tay” ra đời từ đó”.
Nói về cơ duyên trở thành ca sĩ, Bích Thủy cho biết, bản thân chị ban đầu không có ý định làm ca sĩ, nhưng do mỗi lần hát các ca khúc của ba được nhiều người khen ngợi, từ đó, được ba động viên, chị quyết định đi theo con đường này.
Chia sẻ về người mẹ của mình - nhà thơ Ngọc Bích, ca sĩ Bích Thủy cho biết, thời xưa, cha và mẹ có một tình yêu rất lãng mạn.
“Xưa mẹ mồ côi ở với cậu Hai, khổ lắm. Khi đó ba thấy mẹ hay đi gánh nước nên để ý, rồi ba viết thư cho mẹ. Từ đó hai người yêu nhau”.
Đặc biệt, cũng bởi nhận được nhiều lá thư của nhạc sĩ Bắc Sơn mà bà Ngọc Bích trở nên yêu thơ, sau rồi chính bà cũng tham gia sáng tác thơ, và có bài được ông phổ nhạc.
“Vì chú gửi nhiều bài thơ quá nên cô cũng yêu thơ, rồi sau cô làm thơ, lấy bút danh là Ngọc Bích. Những lần đến nhà tập nhạc, tôi rất ngưỡng mộ tình cảm của cô chú. Tôi thấy chú thương cô dữ lắm. Chú thường bảo với cô: “Đợi tôi tập xong bài này, tôi ăn cơm cùng bà” - ca sĩ Thùy Trang tiết lộ.
Ca sĩ Bích Thủy cũng chia sẻ thêm về chuyện tình của ba mẹ khiến nhiều người ngưỡng mộ. Theo đó, ông thường không thích ăn cơm ngoài. Nếu ra ngoài, ông sẽ đạp xe chở bà đi cùng.
“Khi già, hai người vẫn xưng hô với nhau là anh em. Tôi ngưỡng mộ ba và lấy hình ảnh ba làm gương cho ông xã và con trai. Khi ba mất, má như mất đi một điểm tựa. Dù con cháu quây quần, ở bên má, nhưng má cũng chỉ ở lại được 13 năm sau khi ba mất”.
Là nhạc sĩ nổi tiếng, còn tham gia đóng phim, nhạc sĩ Bắc Sơn không thiếu các bóng hồng vây quanh. Tuy nhiên, ông luôn hướng về gia đình, các ca khúc của ông chủ yếu phổ nhạc từ thơ của vợ như “Tháng mấy em về”, “Qua nhịp cầu tre”.
Ca sĩ Bích Thủy cho biết, giống như âm nhạc, ngoài đời nhạc sĩ Bắc Sơn rất giản dị và thân thiện. Chính vì vậy, 9 người con của ông, ai cũng theo gương ba, luôn chịu khó vươn lên, giờ ai cũng thành đạt.
“Nhiều lần con cái đi nước ngoài về mua áo hàng hiệu cho ba nhưng ba không mặc. Ba có thể mặc chiếc áo 10 ngàn đồng. Ai gặp cha cũng khen cha là người chân tình, thân thiện”, Bích Thuỷ kể thêm.
Hà Tùng Long