Chuyện tình có thật về cặp đôi bên nhau ngay cả khi cái chết đã chia lìa

(Dân trí) - Người ta thường nói “bên nhau cho tới khi cái chết chia lìa”, nhưng cặp đôi này đã ở bên nhau ngay cả khi cái chết đã chia lìa. Dù định mệnh cướp đi một người, thì linh hồn người ấy vẫn sẽ đồng hành để người kia còn nghị lực sống tiếp.

Được một cặp vợ chồng giàu có nhờ chèo lái chiếc du thuyền của họ từ hòn đảo Tahiti (nằm ở nam Thái Bình Dương) tới bang California (Mỹ), qua chặng hải trình dài khoảng 6.500km đường biển, hai thủy thủ trẻ tuổi - Tami và Richard - coi đây là cơ hội hiếm có. Cô Tami Oldham Ashcraft (23 tuổi) và anh Richard Sharp (34 tuổi) là một cặp đôi đã đính hôn.

Nhiệm vụ thoạt tiên tưởng như đơn giản, cặp đôi đã có nhiều kinh nghiệm đi biển, chuyến hải trình này dù có chút mạo hiểm, nhưng nghĩ đến trải nghiệm dễ chịu trên du thuyền sang trọng lại chỉ có cặp đôi đang yêu nhau “thống trị” trên biển cả, họ vô cùng phấn khích.

20 ngày đầu, mọi việc diễn ra như một giấc mơ, nhưng rồi thực tế bất ngờ thay đổi, từ giấc mơ hóa ra ác mộng, một biến cố thê thảm ập đến với cặp đôi uyên ương. Chặng hải trình mà họ phải đi bất ngờ gặp phải cơn bão nhiệt đới Raymond - một cơn bão biển có sức tàn phá kinh hoàng.

Câu chuyện có thật về cặp đôi thủy thủ - Tami Oldham Ashcraft và Richard Sharp - đã được chuyển thể thành phim điện ảnh.
Câu chuyện có thật về cặp đôi thủy thủ - Tami Oldham Ashcraft và Richard Sharp - đã được chuyển thể thành phim điện ảnh.

Với những trận cuồng phong, những cơn sóng dữ, bão Raymond đã giáng một đòn sấm sét xuống cặp đôi, khiến con tàu chao đảo, Richard bị rơi xuống biển, Tami đơn độc còn lại một mình chiến đấu với con tàu sắp chìm. Cột buồm bị gãy, cánh buồm tả tơi, khoang thuyền đầy nước…

Những gì diễn ra sau đó là câu chuyện của sự may mắn, lòng dũng cảm và sự vật lộn không ngừng. Trong hơn 40 ngày, với một con tàu không còn nguyên vẹn, cùng một trái tim tan nát, cô gái 23 tuổi - Tami - bằng cách nào đó đã vượt được tất cả để sống sót.

Tami luôn nói rằng cô làm được điều đó là bởi luôn nghe thấy tiếng nói của vị hôn phu ở bên đồng hành với mình. Luôn có một giọng nói thân quen vang lên buộc cô phải cố gắng trong chặng hành trình tưởng như đã cầm chắc… cái chết.

Giọng nói ấy đã vực cô dậy từ bên bờ vực của sự sụp đổ và đầu hàng, giúp cô điều khiển con tàu với chỉ một chiếc kính lục phân (dụng cụ của người đi biển) và những vì sao chỉ đường.

Giờ đây, trải nghiệm phi thường xen lẫn bi kịch của Tami đã được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh Hollywood có tên “Adrift” (Trôi giạt). Vai nữ chính trong phim do Shailene Woodley đảm nhận. “Adift” được kỳ vọng sẽ là bộ phim gây sốt trong hè này.

Poster phim “Adrift” (Trôi giạt)
Poster phim “Adrift” (Trôi giạt)

Trước đây, chặng hành trình vượt biển một mình của Tami đã từng được kể trong cuốn tự truyện “Red Sky In Mourning: A True Story of Love, Loss And Survival At Sea” (Bầu trở đỏ than khóc: Câu chuyện có thật về tình yêu, mất mát và sinh tử ở biển). Cuốn sách sẽ được tái bản vào tháng tới khi “Adrift” ra rạp.

Câu chuyện này đã xảy ra hồi tháng 9/1983 khi đó, Richard 34 tuổi, Tami 23 tuổi, họ đã ở bên nhau một năm rưỡi tại các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương, cặp đôi chuyên sửa tàu và lái tàu.

Nhớ lại về cuộc hành trình định mệnh ấy, Tami chia sẻ: “Tôi đã đi biển bốn năm. Cùng với nhau, chúng tôi đã đi qua 50.000 dặm biển. Chúng tôi đã ôm, đã cười, đã yêu trên biển, luôn cảm thấy thoải mái ở biển, và chúng tôi đã có 20 ngày thiên đường trong chặng khởi đầu của cuộc hành trình bi kịch”.

Cơn bão nhiệt đới Raymond thình lình ập tới với sức mạnh vũ bão duy trì trong hai ngày. Khi thấy một con sóng dữ đang chuẩn bị ập tới con tàu, Richard đã yêu cầu Tami xuống ngay khoang thuyền để mình anh trên boong xoay xở. Richard đã đeo dây đai an toàn và bằng mọi cách giữ cho con tàu khỏi đắm.

Một lúc sau, Tami nghe thấy anh thét lên: “Ôi Chúa ơi!”, sau đó, mọi thứ xung quanh Tami chìm vào bóng tối.

Con tàu chao đảo dữ dội giữa những con sóng hung tợn, mặc dù vậy, nó không chìm, Tami không nhớ mình đã trải qua 27 tiếng đồng hồ hoảng loạn như thế nào, chỉ biết, khi biển lắng lại, cô tỉnh táo lại, xung quanh là sự im lặng đáng sợ, khoang thuyền chứa đầy nước, mọi thứ đồ đạc bị vỡ nát nằm vương vãi trên sàn tàu.

Loạng choạng bước lên tới boong, Tami tuyệt vọng tìm Richard, con tàu giờ không còn là du thuyền sang trọng nữa, nó sứt mẻ và còn lại người lái tàu tuyệt vọng. Dây đai an toàn của Richard vắt qua mạn thuyền, rơi thõng xuống biển… Tami hét gọi Richard hồi lâu, đáp lại cô là đại dương lặng lẽ.

Trải qua biến cố kinh hoàng, thoạt tiên Tami như bị tê liệt, cô không thực sự hiểu thực tế đang diễn ra quanh mình. Cô bị chấn thương ở đầu, một số vết thương chảy máu, có lúc Tami tỉnh táo trở lại, có lúc lại nằm mê man.

Cảnh trong phim “Adrift” (Trôi giạt)
Cảnh trong phim “Adrift” (Trôi giạt)

Suy sụp, Tami không thể nhấc nổi mình dậy để tìm đồ ăn, cứ như vậy, cái chết là khó tránh khỏi: “Tôi choáng váng hiểu rằng anh ấy đã bị rơi xuống biển. Vạc dầu sục sôi của biển cả đã cướp anh ấy đi, khi không thấy anh ấy trên tàu nữa, tôi chỉ muốn chết theo. Từ tận đáy lòng, tôi thấy tiếng thét dữ dội vang lên. Tôi la hét trước biển, tôi tỉnh rồi mê, nửa sống nửa chết”.

Khi đứng giữa làn ranh của sự sống - cái chết, một tiếng nói vang lên trong đầu Tami thúc giục cô hãy ngồi dậy tát nước khỏi tàu để nó không chìm. Thoạt tiên, Tami tin mình bị ảo giác, nhưng rồi tiếng nói của Richard, xen lẫn tiếng nói của chính cô, vang lên không ngừng. Nó thúc giục cô ngồi dậy, tìm đồ ăn và lèo lái con tàu đến bờ đến bến.

Những con sóng dữ lúc trước đã làm vương vãi mọi thứ trên sàn tàu, bỗng nhiên Tami nhìn thấy ở gần mình có một lọ bơ đậu phộng, cô tóm lấy nó và bắt đầu ăn, cơ thể và bộ não bắt đầu hoạt động trở lại. Những ngày sau đó, giọng nói vẫn vang lên tựa như người bạn đồng hành vô hình của cô giữa đại dương hoang vắng.

Tami bắt đầu tập trung vào cuộc hải trình đi tìm sự sống. Cô bắt tay vào sửa chữa những gì có thể cho con tàu. Trong lúc chỉ tập trung đi tìm sự sống, nỗi tuyệt vọng bị gạt sang bên. Cuộc sống của Tami trở nên đầy kỷ luật, bởi từng giọt nước ngọt, từng khẩu phần ăn giờ đều phải tính kỹ. Mỗi ngày cô chỉ được uống vài ngụm nước.

Trên tàu không có thiết bị điện tử hỗ trợ cho người đi biển như bây giờ, Tami chỉ có một chiếc kính lục phân và kinh nghiệm của người đi biển bằng cách quan sát mặt trời, trăng sao…

Có lúc, Tami nản lòng, đặc biệt những khi thời tiết trở xấu, nhưng tiếng nói thúc giục vẫn vang lên động viên cô. Cũng có khi, có tàu đi ngang qua từ xa, cô làm các tín hiệu xin cứu trợ, nhưng họ không nhìn thấy. Cũng có lần máy bay bay ngang qua, nhưng họ cũng không thấy tín hiệu của Tami.

Đã có lúc con tàu đến rất gần đảo Hawaii và Tami tưởng mình sẽ ổn, nhưng rồi nó lại bị đánh giạt ra xa.

Chỉ có một mình, có lúc Tami nghi ngờ ngay chính sự tồn tại của mình, cô nghĩ có thể mình đã chết mà linh hồn mình không nhận ra, những ý nghĩ tiêu cực như vậy khiến cô phải đấu tranh rất dữ để không làm điều dại dột.


Cảnh trong phim “Adrift” (Trôi giạt)

Cảnh trong phim “Adrift” (Trôi giạt)

Thế rồi đến ngày thứ 40 lênh đênh trên biển, cô đã vào được cảng Hilo của đảo Hawaii và tàu cứu hộ bơi ra để lai dắt tàu cô đến nơi an toàn.

Lúc này, Tami cảm thấy tự hào bởi ít người có thể sống sót trải qua chuyến hải trình dữ dội như vậy. Cô thấy vui vì mình còn sống, thế rồi một tiếng nói vang lên: “Anh sẽ luôn bên em”. Từ sau ngày hôm ấy, cô không bao giờ còn nghe thấy những tiếng nói vang lên từ thinh không nữa.

Tami bước lên bờ như một nữ chiến binh, nhưng cũng đồng thời như một con người hoang dã. Trong hai ngày, phải có tới ba người thợ làm tóc cùng xử lý mái tóc rối bù không chải, không gội suốt nhiều tuần của cô, mái tóc dài bết cứng lại cuối cùng cũng được gỡ rối xong.

“Những người thợ làm tóc đã khuyên tôi nên cắt tóc, để tóc ngắn, đó là giải pháp nhanh gọn, hiệu quả nhất, nhưng tôi đã mất đi những thứ quý giá trong cuộc hải trình ấy, tôi không thể lại để mất cả mái tóc”, Tami nhớ lại.

Sau đó, Tami trở về Mỹ đoàn tụ với gia đình, lúc này, nỗi buồn để mất người yêu mới thực sự thấm thía. Hành trình hàn gắn tâm hồn diễn ra dài lâu và vật vã: “Khi cần sống sót, nỗi buồn lắng lại. Nhưng nó trỗi dậy ồn ào khi tôi trở về được đến nhà và thấy người ta có đôi có cặp. Tôi lại nghĩ đến anh ấy.

“Sau khi đã vật lộn để giành sự sống, lúc trở về, lại có lúc tôi không muốn sống. Tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ yêu ai được nữa. Nhưng bản năng sống là điều mạnh mẽ nhất, nó giúp ta tập trung và sống tiếp”.

Tami cần thời gian mới lại có đủ dũng khí ra biển trở lại, nỗi sợ ám ảnh vẫn còn đó. Chấn thương ở đầu khiến Tami gặp khó khăn trong việc đọc chữ suốt 6 năm, cô không thể viết nổi cái gì. Mãi cho tới sau khi kết hôn và sinh con đầu lòng, Tami mới thử viết lại câu chuyện của mình như một cách để thực sự hàn gắn:

“Tôi luôn muốn viết lại câu chuyện của mình, nhưng tôi cần nhiều năm cố gắng bước tiếp trước khi có thể làm được điều đó. Khoảnh khắc bình minh trên biển, tàu cứu hộ chạy về phía tôi, tôi hiểu rằng ngay cả trong thời khắc đen tối nhất, khốc liệt nhất, chúng ta không bao giờ cô độc”.

Trailer phim “Adrift” (Trôi giạt)

Bích Ngọc
Theo E Online/NZ Herald