Chuyện thịt heo khao bạn thuyền trong Tết xưa ở làng biển Đà Nẵng
(Dân trí) - Một thuyền có 12-13 người sẽ góp tiền mua heo, vào sáng 30, họ cùng nhau làm heo để chia thịt về ăn Tết. Đó là ký ức Tết xưa ở những làng ven biển tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Sáng 30 Tết cách đây khoảng 20 năm về trước, nhà ông Huỳnh Văn Mười (58 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngay từ sớm có rất đông bạn thuyền của ba ông Mười í ới gọi nhau đi bắt heo.
Khi heo về đến nhà, nước cũng vừa sôi, hàng xóm cũng chạy qua nhà để "hóng chuyện". Ông Mười còn nhớ như in lúc đó nhà chủ thuyền sẽ làm ít nhất 2 con heo, mỗi con nặng khoảng 60kg, chứ không to vài tạ như bây giờ. Con heo này được chủ thuyền bỏ tiền ra mua, sau này khi đi biển có tiền mới trừ dần.
Ông Mười kể, heo được tắm rửa sạch sẽ sau đó đặt heo quay đầu vào phía bàn thờ trong nhà. Lúc này, ba ông Mười sẽ vào bên trong thắp hương, sau đó gõ 3 hồi chuông.
Một người thợ ngoài này sẽ bắt đầu làm heo để lấy huyết. "Huyết heo càng ra mạnh thì năm đó làm ăn càng phát đạt, tàu ra trúng nhiều mẻ cá lớn", ông Mười kể.
Một con heo dùng dâng lên cúng rồi lòng và thịt sẽ được chia đều cho bạn thuyền. Một chiếc thuyền lúc đó có 12-13 người cùng hành nghề đánh lưới mành, đi về trong ngày.
Ngoài thịt heo, ông chủ thuyền cũng sẽ nấu một nồi bánh tét và chia cho mỗi bạn thuyền một đòn để về ăn Tết. Số bánh này cũng được bạn thuyền hỗ trợ làm vào những ngày trước đó.
Một con heo khác cũng được chia hết thịt nhưng để lại cái thủ (đầu heo), bộ lòng, 4 cái chân, đuôi và miếng thịt nọng.
Phần này sẽ cúng vào sáng mùng một Tết. Buổi sáng đầu năm mới, một người trong nhóm bạn thuyền đã được xem tuổi sẽ vào nhà xông đất cho chủ thuyền. Chủ thuyền sẽ mừng tuổi cho người này.
"Khi cúng xong phần heo để lại, nhóm sẽ hưởng "hậu tàn" rồi cùng nhau đi chúc Tết. Họ dùng rượu gạo để chúc nhau sức khỏe, an lành, may mắn, buổi nói chuyện cứ thế rôm rả cả một ngày", ông Mười kể.
Là một bạn thuyền ở làng biển Thọ Quang dưới chân bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) từ nhiều năm trước, ông Đinh Cường (69 tuổi) vẫn còn nhớ như in không khí chia heo vào những ngày cận Tết.
Ông Cường cho hay, cách đây nhiều năm, các tàu đi lưới mành trên 10 người thì mới có tiền chia heo ăn Tết. Số tiền mua heo được góp từ tiền thừa sau những lần đánh cá và chủ thuyền sẽ là người giữ.
Chủ thuyền cũng có thể bỏ tiền ra mua heo con về nuôi trước đó vài tháng, sau đó gần Tết bán lại cho thuyền mình với giá rẻ để chia nhau. Thịt sau khi chia, ngư dân sẽ chế biến thành các món muối mặn để bảo quản lâu hơn.
Theo ông Cường, ở làng ông, sau khi cúng xong, người thợ làm heo sẽ lấy "cái o" (dưới cuống họng con heo) để mang về nhà ăn.
Vào mùng một Tết, người hợp tuổi sẽ xông đất nhà chủ thuyền và được mừng tuổi. "Thời đó mừng tuổi 200 đồng thôi", ông Cường nhớ lại và cho hay chủ thuyền và bạn thuyền đi thăm nhà nhau, xa đến mấy cũng đạp xe đi.
"Lúc đó, Tết còn có bài chòi hô hát hàng đêm rất vui. Thời xưa đi biển khá nhiều tiền, nhưng giờ ít người đi biển nên tục chia heo cho các bạn thuyền cũng mất dần đi", ông Cường thổ lộ.