Chuyện kỳ bí xung quanh núi Cóc

(Dân trí) – Bao đời nay người dân sống dưới chân núi Cóc (xã Tượng Văn, Nông Cống) vẫn tin những câu chuyện huyền bí xung quanh giếng tiên, bàn cờ và cầu tử thần là có thật.

Giếng tiên và bàn cờ

Làng Cóc nằm dưới chân núi Nga (núi Cóc), được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp. Tên làng gắn với sự bảo vệ bởi ba vị thần Cóc. Điều đặc biệt là ở giữa những dãy núi có một giếng nước quanh năm trong vắt.

Tương truyền thì giếng nước này gắn với một sự tích rất li kì. Đó là câu chuyện kể về một chàng trai gia cảnh rất khó khăn, bố mất sớm, anh sống với mẹ già. Hàng ngày chàng trai phải thường xuyên lên rừng đốn củi và săn bắt thú rừng.

Một lần anh lên đỉnh núi Cóc để bẻ củi, do trời quá nắng nóng nên anh bị kiệt sức, miệng khát khô. Bỗng từ đâu xuất hiện một vị thần hóa phép biến ra một một cái giếng nước chỉ nhỏ bằng chiếc nón lá. Anh cố bò lại rồi thò tay vào múc nước uống. Lạ thay, sau khi uống nước xong, anh bỗng nhiên khỏe lại.

Tảng đá hình con Cóc được người dân cho rằng đây là một trong 3 vị thần Cóc án ngự ở làng
Tảng đá hình con Cóc được người dân cho rằng đây là một trong 3 vị thần Cóc án ngự ở làng

Từ đó, người dân quanh vùng mỗi lần giếng cạn nước hay những khi ốm đau đều đến đây để lấy nước uống. Kích thước của giếng chỉ nhỏ bằng chiếc nón lại nằm trên đỉnh núi nhưng dù mùa khô hay mùa mưa giếng nước vẫn chẳng bao giờ vơi cạn nên người ta đồn rằng đó là giếng tiên.

Để lên được đỉnh núi có giếng tiên phải mất rất nhiều thời gian, đường đi lại rất nguy hiểm và khó khăn, không phải ai cũng trèo lên được tới đỉnh núi này.

Các cụ cao niên trong làng Cóc cho biết từ khi họ sinh ra đã thấy xuất hiện giếng này. Thường vào đầu năm, người dân kéo nhau lên đỉnh núi thắp hương cầu khấn, làm lễ, uống nước giếng tiên để cầu nguyện cho sức khỏe dồi dào.

Vũng nước quanh năm trong vắt được người dân gọi giếng tiên
Vũng nước quanh năm trong vắt được người dân gọi giếng tiên

Ngoài giếng tiên, cũng trên đỉnh núi này có một tảng đá phẳng lịm gọi là bàn cờ tiên. Câu chuyện kể rằng trước đây trên núi Cóc cũng có một cây đa cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Gốc đa to mấy người ôm không xuể. Dưới gốc đa có hai tảng đá lớn bằng phẳng như bộ bàn ghế, người dân nơi đây quan niệm là bàn cờ tiên. Tuy nhiên, cây đa cổ thụ cũng bị quật gẫy và biến mất sau một cơn bão. Phiến đá lớn chỉ còn lại vết tích nhỏ phẳng lịm. Mỗi lần đi qua khu vực này, người dân đều khấn cầu lấy may mắn, an lành cho con cháu, người thân.

Và chiếc cầu mang tên “cầu tử”

Tương truyền rằng làng Cóc được ba vị "thần Cóc" nằm ở cả 3 vị trí khác nhau và hướng về phía trung tâm của làng bảo vệ. Trong đó, một thần Cóc được gọi là ông Cóc nằm ở chân núi, một thần Cóc khác được gọi là bà Cóc thì thân hình đậm hơn, ngâm mình dưới sông. Thần Cóc còn lại nằm ở cuối ngôi làng, nửa mình ngâm nước, nửa mình trên cạn. Người dân cho rằng, ba vị thần Cóc đã bảo vệ ngôi làng suốt những năm qua nhưng vào một ngày những ngọn núi thiêng bị nổ mìn đánh đá đã dẫn tới những cái chết tức tưởi trên cầu. Người ta cho rằng, họ đã xâm phạm đến lời nguyền nghìn năm trước và chiếc cầu đi vào làng - nơi có 3 người rơi từ cầu xuống chết đuối có tên “cầu tử”.

Theo người dân kể lại thì bất cứ người nào đi qua cây cầu này vào làng đều thấy rùng rợn vì đã có 3 mạng người bị thần Cóc bắt đi. Họ đều không phải người trong làng Cóc. Kỳ lạ hơn là tất cả đều chết ở tư thế ngồi như con cóc.

Chiếc cầu đi vào làng Cóc có tên gọi cầu tử
Chiếc cầu đi vào làng Cóc có tên gọi "cầu tử"

Ông Phạm Đăng Thái, Phó chủ tịch UBND xã Tượng Văn cho biết: “Việc có 3 người chết đuối do rơi từ trên cầu xuống là có thật tuy nhiên do người dân quan niệm duy tâm nên hoang mang lo lắng. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên cẩn thận khi qua sông, đồng thời không nên mê tín dị đoan. Hiện xã cũng đang kêu gọi đầu tư để có một cây cầu cho người dân qua lại nhưng kinh phí chưa có”.

“Xung quanh làng Cóc cũng có nhiều di tích, như tảng đá hình cóc, bàn cờ tiên, giếng tiên trên đỉnh núi. Tuy nhiên, tảng đá hình con Cóc đã bị sứt một số chỗ do trước đây, một số người đến khai thác đá đã va đập phải. Còn bàn cờ tiên, giếng tiên thì vẫn còn giữ được dấu tích” – ông Thái khẳng định.

 Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm