Chuyện ít biết về ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh”

Nhắc đến “Tình ta biển bạc đồng xanh” là nhớ về những giai điệu mượt mà, dịu ngọt của tình yêu lứa đôi, tình yêu đất nước. Năm 1973, nhạc sĩ tài hoa Hoàng Sông Hương đã chắp bút viết cho cuộc đời một bài hát mà đến tận bây giờ nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị, vẫn còn một màu xanh đầy sức sống.

Tình ta biển bạc đồng xanh

Giọng nói của quê hương

“Âm nhạc là giọng nói của một vùng đất được ngân lên” là khái niệm về âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương. Đó cũng chính là cách ông sáng tạo nên tác phẩm này. Xin không bình luận về âm nhạc của ông bởi tác giả không phải người quá am tường về lý luận, chỉ góp đôi điều cảm nhận thường thức về một bài hát quá đẹp, quá giá trị và đầy chất thơ là “Tình ta biển bạc đồng xanh”.

Trong thơ, trong văn, “thuyền” đã trở thành một kiểu “nhân vật đại diện” mang tính tượng trưng cao. Trong âm nhạc, thuyền cũng xuất hiện với tần suất lớn. “Thuyền anh ra khơi…” trong ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa là một thứ hình ảnh vừa đại chúng, vừa gần gũi lại toát lên được phong vị miền biển đặc trưng. Không gian trong “Tình ta biển bạc đồng xanh” là một thứ không gian của tình yêu bao la, tình yêu giữa nam và nữ trong thời kỳ hòa bình lặp lại; tình yêu của con người trong lao động, là tình yêu chung của cả đất nước.

Với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương - cựu nhạc công của Đoàn Văn công Quảng Bình, sự cách điệu và thăng hoa trong ngôn ngữ chính là nền tảng tạo ra âm nhạc. Bởi vậy, không lạ khi nghe “Tình ta biển bạc đồng xanh”, ta thấy ngôn ngữ miền Trung thân thương ẩn hiện qua từng câu hát “Hỏi mà chi sao em cứ bông đùa”, “Đôi ta, chừ thương nhau cho lúa xanh đồng”... và pha vào những điệu hò như phảng phất, tha thiết qua từng đoạn ngân nga.

Có lẽ, chính nhờ chất quê hương được bọc trong làn điệu dân ca ngọt ngào đã giúp “Tình ta biển bạc đồng xanh” có một vẻ đẹp đầy nữ tính và say đắm lòng người. Nghe lời bài hát ta như được nghe một câu chuyện hay cộng hưởng với giai điệu đậm vị đất Quảng, tạo thành một tác phẩm trọn vẹn về cả tính nhạc lẫn cái tình.

Giá trị vĩnh cửu

Với “tuổi đời” 40 năm, nếu so với một con người có lẽ tác phẩm âm nhạc này đã chuẩn bị bước qua nửa bên kia của cuộc đời. Tuy nhiên, có những điều mà âm nhạc tạo ra mang giá trị vĩnh cửu. Với nhạc sĩ, việc tác phẩm của mình đến được với công chúng, được công chúng yêu mến đã là thành công lớn. Hơn thế, tác phẩm đó còn được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, người già thuộc, người trẻ nghe, hát thì đó là một kỳ tích.

Trong những năm tháng khó khăn của dân tộc khi bắt đầu xây dựng lại đất nước, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã biết dùng âm nhạc của mình để cổ vũ, động viên nhân dân lao động. Chàng sinh viên Nhạc viện Hà Nội lúc đó đã dùng kiến thức, tư duy âm nhạc, và trái tim nghệ sĩ của mình để chắp bút cho “Tình ta biển bạc đồng xanh”. Đây chính là tác phẩm làm nên tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Sông Hương trước đây và cả bây giờ.


Ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ thể hiện ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh”.  ảnh:  I.T

Ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ thể hiện ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh”. ảnh: I.T

Ta thấy thấp thoáng hình ảnh mảnh đất miền Trung thân thương trong câu hát với “hải âu vui sóng xô” , “cánh cò bay trên thảm lụa”, “cá bạc đầy khoang”, “lúa vàng trĩu bông”… Những hình ảnh ấy như nhắc nhở chúng ta về một mảnh đất xinh đẹp với con người giản dị, cuộc sống khó khăn nhưng luôn lạc quan và giàu tình yêu thương. Hoàng Sông Hương có lẽ tự sinh là một con người của quê hương miền Trung mới toát lên được cái hồn của vùng đất hiền lành, giản dị ấy.

Rất nhiều tác phẩm được chắp bút ra đời và nổi tiếng, nhưng với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, có lẽ “Tình ta biển bạc đồng xanh” vừa là đứa con cưng mang ý nghĩa sâu sắc nhất với bản thân ông, vừa là sản phẩm đại diện cho sự tài hoa về âm nhạc của ông. Dòng nhạc quê hương ở Việt Nam từ xưa đến nay chưa bao giờ đánh mất vị trí của mình trong lòng công chúng.

Lịch sử Việt Nam được ghi lại bằng âm nhạc chính là nhờ những tác phẩm như “Tình ta biển bạc đồng xanh”. Giai điệu, lời ca của ca khúc này mỗi khi vang lên đều làm cho mọi người như được thả hồn trong một Việt Nam xinh đẹp, một thứ tình cảm đầy tình tứ của đôi lứa yêu nhau lồng ghép, đan xen với mảng màu đất nước đã tạo nên bức tranh động đầy giá trị. 40 năm qua đi, từ năm 1976 ấy - khi lần đầu tiên vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, “Tình ta biển bạc đồng xanh” đến nay vẫn là bài hát nằm lòng của nhiều người, không chỉ thế hệ trước mà cả những người trẻ sau này.

Theo Thanh Huyền

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm