Chuyện gì đã diễn ra trong ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn?

(Dân trí) - Có lẽ không khó để tìm được nhiều cuốn sách viết về sự kiện lịch sử trọng đại này. Tuy nhiên để tìm được một cuốn sách ngắn gọn, được trình bày một cách thu hút thì không phải là một vấn đề đơn giản...

Chính vì bởi lý do này, Nguyễn Hữu Thiên Nga và Nguyễn Hữu Thái Hòa là con trai và con gái của Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái- người cùng anh bộ đội Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập- đã cùng cha và mẹ mình viết nên một cuốn sách mới: 30/04/75 Sài gòn- Sự kiện & Đối thoại. Cuốn sách vừa ra mắt ngày 25/4 cung cấp cho độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ một cuốn sách ngắn gọn, đầy đủ và sinh động về sự kiện lịch sử trọng đại này của dân tộc theo lối đối thoại & kể chuyện kết hợp với những dòng hồi ức cô đọng của Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kèm rất nhiều những bức ảnh có giá trị lịch sử.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-64) là người cùng anh bộ đội Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, cũng là MC bất đắc dĩ giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của vị Tổng thống cuối cùng Việt Nam Cộng hòa là Đại tướng Dương Văn Minh tại Đài phát thanh Sài Gòn và là người cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát vang bài Nối vòng tay lớn vào trưa ngày 30/4/1975. Hiện nay, ông là nhân chứng lịch sử duy nhất còn sống của sự kiện này.

Vợ ông, bà Trần Tuyết Hoa, cũng là sinh viên phật tử đấu tranh cho hòa bình, là người đưa bài thơ của chị bạn Nhất Chi Mai- người đã tự thiêu cho hòa bình năm 1967- cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc thành bài hát Hãy sống giùm tôi. Bà là người được bạn bè và sinh viên cùng thời ngưỡng mộ và ưu ái đặt tên là Nữ vương hòa bình.

Bìa cuốn sách 30/04/75 Saigon- Sự kiện và Đối thoại

Bìa cuốn sách "30/04/75 Saigon- Sự kiện và Đối thoại"

30/04/75 Saigon – Sự kiện & Đối thoại gồm:  Đối thoại giữa ông Nguyễn Hữu Thái và bà Trần Tuyết Hoa với hai con Nguyễn Hữu Thái Hòa và Nguyễn Hữu Thiên Nga về các sự kiện xảy ra trong ngày 30/04/1975.

Các hồi ức, câu chuyện của Nguyễn Hữu Thái về các nhân vật 30/4 mà tác giả được biết: Tướng Dương Văn Minh, Hòa thượng Thích Trí Quang, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tướng Nguyễn Khoa Nam, chiến sĩ Bùi Văn Tùng, Bùi Quang Thận, Dân biểu Lý Quí Chung, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vấn đề về Hòa hợp hòa giải dân tộc, qua các nghiên cứu cho Quỹ nghiên cứu Joiner(Trung tâm William Joiner Nghiên cứu về Chiến tranh và Hậu quả Chiến tranh, Đại học Massachusetts Boston, Hoa Kỳ) mà các tác giả đã tham gia năm 2005.

Và sau cùng là ước mơ về một giải Nobel Hòa bình cho Việt Nam do thế hệ 7X Nguyễn Hữu Thái Hòa đề xuất.

Cuốn sách cũng được bổ sung phần Phụ lục nhằm giúp cho các bạn trẻ lớn lên sau chiến tranh thông hiểu được các sự kiện lịch sử nêu trên qua các phần Thuật ngữ, Tài liệu tham khảo, Ghi âm các buổi phát thanh và các Bản đồ (đô thành Sài Gòn thời 1970, sơ đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975).

Bìa cuốn sách 30/04/75 Saigon- Sự kiện và Đối thoại

Bức ảnh lịch sử về ngày 30/04/75: Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Đinh Quang Thành)

Về nguyên do ra đời của cuốn sách, một trong các tác giả, Nguyễn Hữu Thiên Nga thổ lộ: “Từ năm 2010 khi mới về lại Việt Nam và tình cờ cùng Ba tôi tham dự buổi kỷ niệm 35 năm ngày 30/04/75 tại Dinh Độc Lập, rồi qua những buổi gặp gỡ thân mật với các cựu chiến binh Mỹ, những email liên lạc qua lại trong nhiều năm với các chú, bác là những nhà báo, giáo sư nổi tiếng người nước ngoài đang ở khắp nơi trên thế giới, với những người bạn Mỹ phản chiến của Ba từ thời xa xưa, v.v… thì ngay trong tôi đã có ý định phải viết cuốn sách như thế này cùng với Ba.

Ngày ấy, thế hệ 7X của hai anh em chúng tôi thỉnh thoảng có nghe tiếng bom đạn đì đùng trong thành phố Sài Gòn …, nhưng lại còn quá nhỏ để hiểu “chiến tranh” là gì? Thế hệ chúng tôi đã được đi nhiều, nghe nhiều về chiến tranh Việt Nam từ hai phía, cũng đã được học từ những sách vở chính thống của trường Đại Học ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Nhưng sao những sách vở và tư liệu này lại cứ quá nặng nề và khô khan!

Sự kiện ngày 30/04/75 xảy ra ngay tại thành phố Sài Gòn là nơi tôi sinh ra và lớn lên, rồi câu chuyện lịch sử trọng đại này lại xảy ra ngay tại Dinh Độc Lập - nơi chỉ cách hai ngã tư là nhà bà ngoại mà cả đại gia đình tôi đang ở vào lúc đó.Vậy tại sao tôi phải đi kiếm tìm ở đâu xa xôi khi Ba và Má của tôi thì chính hai người đã là những nhân chứng lịch sử rất quan trọng của giai đoạn này.

Chính vì những lý do đó mà tôi quyết định là phải cho ra đời cuốn sách đã ấp ủ từ rất lâu này để cho độc giả trong nước cũng như bạn bè người nước ngoài ở khắp năm châu có cái nhìn trung thực và khách quan hơn. Và cũng là để đi tìm câu trả lời cho chính mình: “Tại sao?”Tôi ước là mình đã được đọc một cuốn sách như thế này từ rất nhiều năm trước, khi tôi còn trẻ.”

Hà Thanh