Chuyện đời “người đọc truyện đêm khuya”

(Dân trí) - Bao nhiêu năm gắn bó với chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” trên Đài tiếng nói Việt Nam, giọng đọc của NSƯT Kim Cúc không chỉ dừng lại ở sự mến yêu, thân thuộc, còn là ký ức đẹp đẽ trong lòng nhiều thế hệ khán giả nghe đài…

Từ một diễn viên trở thành một phát thanh viên nổi tiếng

NSƯT Kim Cúc thời trẻ
NSƯT Kim Cúc thời trẻ

NSƯT Kim Cúc sinh năm 1944 tại Nam Định. Hơn 70 tuổi, nhưng cho đến hiện tại, khi ngồi nói chuyện với bà, phóng viên vẫn được lắng nghe một giọng nói không tuổi, đầy truyền cảm. NSƯT Kim Cúc đã có hơn 50 năm gắn bó với đài truyền thanh, hơn 50 năm nay, khán giả nghe đài đã được nghe một giọng nói ấm áp, dịu dàng, đầy cảm xúc, và vẫn vẹn nguyên như thế- không hề thay đổi.

NSƯT Kim Cúc chia sẻ, bà gắn bó với chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” tới mức, bà đã gặp biết bao khán giả ngoài đời, khi biết bà là người đọc truyện, họ đều nói, suốt cả tuổi thơ của họ hoặc cả gia đình họ một thời đã cùng nhau lắng nghe giọng đọc của bà trên sóng phát thanh. Giọng đọc truyện đêm khuya đặc trưng, không thể lẫn vào đâu của NSƯT Kim Cúc đã trở nên quen thân với từng nhà, đã trở thành sự yêu mến trong đông đảo thính giả, và trở thành ký ức tươi đẹp của cả một thế hệ giờ đã bạc đầu.

NSƯT Kim Cúc (ngoài cùng bên phải)
NSƯT Kim Cúc (ngoài cùng bên phải)

Lớn lên từ thành phố Nam Định, NSƯT Kim Cúc là cựu học sinh của trường THPT Lê Hồng Phong. Bà vẫn nhớ gia đình ở số nhà 265 phố Trần Hưng Đạo. Hồi nhỏ, mỗi lần đi trên phố đến trường, cô bé Kim Cúc vẫn háo hức đứng dưới chiếc loa công cộng treo trên cây lắng nghe các cô, các chú đọc. Cô bé Kim Cúc thích tới mức còn học cách đọc theo các phát thanh viên trên loa công cộng, bạn bè nghe cô bé đọc thì đều thốt lên, “Cậu đọc giống đấy”, “Cậu đọc hay đấy”…

Lớn lên, cô bé Kim Cúc yêu “chiếc loa công cộng” ngày nào theo đoàn văn công Quân khu 3 phục vụ quân đội. Từ đoàn văn công Quân khu 3, được phát hiện giọng nói truyền cảm, NSƯT Kim Cúc được điều chuyển về Cục Địch vận của Tổng Cục Chính Trị thuộc Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Tại Cục Địch vận, NSƯT Kim Cúc tham gia đọc những lời kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền quay lại với đồng bào, cùng chiến đấu bảo vệ đất nước. Cục Địch vận thời ấy cũng có một chương trình phát riêng trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. NSƯT Kim Cúc trở thành phát thanh viên chính thức từ đó.

NSƯT Kim Cúc (ngoài cùng bên phải)
NSƯT Kim Cúc trong ngày được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. NSND Trà Giang (ngoài cùng bên trái) có tham dự và chụp ảnh kỷ niệm cùng.

“Vậy là tôi từ một diễn viên trở thành một phát thanh viên. Tôi không hề qua bất kỳ một khóa học hay một trường lớp đào tạo nào. Tất cả đều do trời phú và rèn luyện mà có”- NSƯT Kim Cúc chia sẻ.

Đến năm 1971, NSƯT Kim Cúc chuyển hẳn về Đài tiếng nói Việt Nam. Và bà chính là phát thanh viên đã đọc bản tin chiến thắng quan trọng ngày 30/4/1975 trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam buổi trưa hôm ấy, ngay khi xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cổng của Dinh Độc Lập.

Đến bây giờ, NSƯT Kim Cúc trở thành giọng đọc nổi tiếng gắn liền với chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya”- chuyên mục được biết bao thế hệ thính giả yêu mến.

Chia tay chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” khi chồng đột quỵ

NSƯT Kim Cúc (ngoài cùng bên phải)
NSƯT Kim Cúc và chồng (ngoài cùng bên trái). Ông cũng từng là phát thanh viên tiếng Nhật của Đài tiếng nói VN

Năm 1976, ngay sau khi giải phóng, NSƯT Kim Cúc đã kết hôn với một phát thanh viên cùng Đài. Ông là phát thanh viên tiếng Nhật (sau này ông chuyển sang công tác tại Bộ Công thương). Vợ chồng NSƯT Kim Cúc sinh hạ 2 người con “đủ nếp, đủ tẻ”. Đến bây giờ, ông bà đang sống với niềm vui lớn từ các con và 5 cháu nội, ngoại.

Nhắc đến cuộc sống gia đình những năm bao cấp khó khăn, vất vả, NSƯT Kim Cúc vẫn nhớ, “Thời gian ấy, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, rất vất vả, thiếu thốn, đói khổ. Hai vợ chồng công tác ở Đài đầu tắt mặt tối bươn chải để nuôi 2 con ăn học. Hồi ấy, cứ 4h sáng tôi phải sang Đài. Tôi thường khóa trái cửa, nhốt 2 con trong nhà. Đến 6h sáng về, đưa 2 con đi học. Đến chiều về, hai đứa cũng tự ăn, tự chăm nhau. Bố mẹ đi làm có khi 7-8h tối mới về…”- NSƯT Kim Cúc kể.

Trải qua giai đoạn khó khăn, gia đình NSƯT Kim Cúc giờ kinh tế đã ổn định. Khi được hỏi về việc, 2 con có yêu giọng đọc của mẹ không, NSƯT Kim Cúc cười nói, “Không đâu. Các cô, các cậu ấy thích cách đọc của các phát thanh viên bây giờ. Họ đọc nhanh hơn, tính thời sự rõ nét hơn. Nhưng tôi có nói với các con, mỗi thời điểm lịch sử có đặc trưng riêng, thời ấy sẽ phải đọc như thế”.

Năm 2000, NSƯT Kim Cúc về hưu theo chế độ nhưng bà vẫn luôn luôn được mời đọc, không chỉ chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya”, còn đọc lời bình cho các bộ phim tài liệu của VTV, VOV… Giọng đọc của NSƯT Kim Cúc đã là “thương hiệu” của “Đọc truyện đêm khuya”.

NSƯT Kim Cúc hiện tại 
NSƯT Kim Cúc hiện tại 

Cách đây vài năm, chồng của NSƯT Kim Cúc bị đột quỵ. Để chăm sóc chồng, NSƯT Kim Cúc đã xin nghỉ công việc ở chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” để dành tất cả thời gian bên cạnh ông.

Khi rời xa chuyên mục đã gắn bó suốt thời gian dài cũng là lúc NSƯT Kim Cúc cảm thấy nhớ công việc, nhớ khán giả hơn bao giờ hết.

“Tôi nhận được rất nhiều yêu cầu của thính giả gửi về đài. Rất đông khán giả bày tỏ tình cảm và động viên tôi trở lại tiếp tục, nhưng thời điểm vừa rồi, tôi phải lo cho ông nhà. Giờ ông ấy đã khỏe hơn. Tôi cũng rất nhớ thính giả. Tôi mong sớm nhất sẽ có dịp được trở lại để đọc cho khán giả nghe những câu truyện đêm khuya…”- NSƯT Kim Cúc gửi gắm.

Hiền Hương

(Ảnh tư liệu chụp lại)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm