Chuyện diễn viên bị quỵt cát - sê: Vết nhơ không thể gột sạch?
(Dân trí) - Chuyện diễn viên bị nhà sản xuất quỵt cát – sê dẫn đến ồn ào trên phương tiện truyền thông không phải là chuyện mới mẻ. Tuy nhiên, đã bao năm nay, câu chuyện này vẫn cứ lặp đi lặp lại mà không ai đứng ra bênh vực người yếu thế.
Xót xa chuyện diễn viên phải đăng đàn đòi cát-sê
Cách đây không lâu, vụ việc bộ phim “Thiên đường” với sự tham gia của Lý Nhã Kỳ và ngôi sao Han Jae Suk phải tuyên bố dừng dự án giữa chừng khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Bộ phim do nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân đầu tư với kinh phí 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, phim quay được 70% thì buộc phải “rã đám” vì nhà sản xuất nợ tiền cát - sê và không có động thái chi trả.
Theo tiết lộ của Lý Nhã Kỳ, trong thời gian quay phim, nhiều nhân viên bị bỏ đói từ tối đến sáng, hơn 80 người trong đoàn phim không nhận được thù lao từ đạo diễn. Bộ phận âm thanh, ánh sáng bị nợ tiền nên ngưng hợp tác.
Bản thân diễn viên Xuân Nghị cũng cho biết, nhà sản xuất nợ anh 70% cát-sê. Khi ký hợp đồng, thù lao của nam diễn viên được chia thành 3 đợt để thanh toán. Đợt đầu, anh được trả sau khi phim bấm máy, đợt hai sau khi anh hoàn thành vai diễn và phần còn lại trả sau khi phim đóng máy. Tuy nhiên, mặc dù đã xong vai nhưng Xuân Nghị chỉ nhận được thù lao đợt đầu, tức khoảng 30%.
Mới đây (hồi tháng 8/2019), diễn viên Kim Đào, gương mặt quen thuộc trong các bộ phim truyền hình phía Nam đã phải đăng chia sẻ chuyện mình bị công ty H.C quỵt cát – sê 7 tập phim. Theo Kim Đào, phía công ty H.C đã nhiều lần dây dưa chuyện trả cát – sê cho diễn viên sau khi mời họ tham gia phim.
“Đây không phải là phim đầu tiên, tôi bị quỵt cát-sê đâu. Tôi từng dính một phim điện ảnh, hơn 2 năm nay chưa lấy được đồng nào, trong khi mình đi quay cả tháng trời. Rất nhiều nghệ sĩ lớn trong phim này cũng bị giật cát sê như: chú Mạc Can, cô Bích Hằng, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh...”, Kim Đào tiết lộ.
Theo nữ diễn viên này thì khi chia sẻ điều này cô đã khóc rất nhiều. Cô biết, sẽ có nhiều nhà sản xuất thấy diễn viên cứ đăng tin đòi tiền sẽ không ai dám mời. Nhưng cô nghĩ, chỉ có những nhà sản xuất ma họ muốn quỵt tiền hoặc làm ăn không đàng hoàng họ mới nhột thôi, còn người ta đàng hoàng thì không ai hành xử như thế cả.
Sau khi diễn viên Kim Đào chia sẻ nỗi niềm này, nhiều diễn viên như: Phạm Hy, Ly Na Trang... cũng lên tiếng “tố” H.C còn nợ tiền mình. Cách đây chưa lâu, H.C cũng dính lùm xùm nợ cát-sê với diễn viên Thanh Tuấn, đến mức xảy ra xô xát và công an phải can thiệp.
Thực ra, đây chỉ là tảng băng nổi trong vô số những tảng băng chìm mà những nạn nhân là các diễn viên đã phải “ngậm đắng nuốt cay”, không dám lên tiếng vì nhiều lẽ. Tuy nhiên, với những nhà làm phim có lòng tự trọng thì đây quả là vết nhơ khó gột sạch.
Xấu hổ thay cho các nhà sản xuất phim không chân chính
Trong tham luận góp ý cho hội thảo lấy ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), bà Dương Thị Cẩm Thuý - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM đã thẳng thắn nêu rằng: “Nên chăng cần phải có một điều khoản để bảo vệ người sáng tác, biểu diễn trong nhành điện ảnh.
Ví dụ, cứ lâu lâu trên báo chí lại dậy lên việc các nhà sản xuất, nhà đầu tư… nợ tiền diễn viên, đạo diễn, người làm phim. Mỗi khi như thế báo chí lại gọi phỏng vấn tôi việc hội bảo vệ, bênh vực quyền lợi của diễn viên, đạo diễn như thế nào? Tôi sốt ruột, lo lắng cho các bạn ấy. Vì dù là hội viên hay không thì họ cũng đã lao động rất vất vả mà không được trả công”.
Bà Cẩm Thuý chia sẻ thêm, chuyện diễn viên bị nhà sản xuất quỵt cát – sê vẫn diễn ra thường xuyên. Có người bị quỵt ít, có người bị quỵt nhiều… nhưng đa phần các nạn nhân đều “đơn thương độc mã” trong “công cuộc” đòi thù lao vì không ai giúp được họ. Có người lấy được còn may, có người không lấy được xem như mất trắng mấy tháng trời vất vả lao động. Cứ nghĩ đến đó bà lại cảm thấy xấu hổ thay cho nhà sản xuất không chân chính.
Bản thân đạo diễn Dũng Nghệ cũng từng là nạn nhân của trò nợ cát – sê khi tham gia phim “Tử thi lên tiếng”. Nam đạo diễn này cho rằng, may mắn là sau đó nhà sản xuất đã giải quyết ổn thoả sự việc ồn ào này. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được như thế… mà đa phần chỉ đòi được một số rất ít tiền cát – sê, còn lại coi như bị mất trắng.
Với anh, không gì xót xa hơn mỗi khi chứng kiến cảnh đồng nghiệp của mình “lao tâm khổ tứ” vì bộ phim nhưng cuối cùng lại không nhận được đồng thù lao nào hoặc nhận được rất ít vì nhà sản xuất cố tình chây bừa, không chịu trả. Điều đáng nói là cho đến thời điểm này, câu chuyện này vẫn tiếp diễn ở nhiều đoàn phim, thậm chí có cả xô xát dẫn đến chảy máu do diễn viên quá bức xúc.
“Chưa có ở nền điện ảnh nào, thù lao và chế độ đãi ngộ đối với diễn viên cũng như ê-kíp sản xuất phim lại rẻ mạt như điện ảnh Việt Nam. Và cũng chưa có ở đâu, tình trạng quỵt tiền cát-sê của diễn viên lại nhiều đến thế. Tôi không thể kể hết được tên những người đồng nghiệp tôi biết bị quỵt cát–sê sau khi tham gia phim.
Tôi cho rằng, đây là một vết nhơ phía sau màn ảnh. Tôi lấy làm hổ thẹn cho một số nhà sản xuất phim, họ đi lừa hết lần này đến lần khác. Chúng tôi sẵn sàng cảm thông với nhà sản xuất nếu họ gặp khó khăn. Nhưng ngược lại, nhà sản xuất cũng phải chia sẻ với chúng tôi bởi chúng tôi bán sức lao động và chất xám để kiếm miếng cơm manh áo. Phim đã làm xong, theo hợp đồng, chúng tôi vẫn không được nhận tiền cát-sê thì sống làm sao đây.
Tôi cũng kiến nghị nên sớm có những quy định để bảo vệ chúng tôi – những người diễn viên chân chính, những nhân viên hậu đại, nhân viên sản xuất… Chứ “cuộc chiến” đòi cát- sê bao năm qua vẫn đầy cam go và khổ cực mà cuối cùng chúng tôi vẫn luôn chịu thiệt thòi”, đạo diễn Dũng Nghệ nói.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, đã đến lúc các hội nghề nghiệp và Luật Điện ảnh cần đưa ra các chế tài xử lý để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Những chế tài này phải đủ mạnh để có sức răn đe cũng như phải thật cụ thể để áp dụng cho nhiều trường hợp.
Một nền điện ảnh muốn phát triển trước hết phải là nền điện ảnh có quy trình sản xuất minh bạch, rõ ràng và sòng phẳng. Từ chuyện cát-sê cho đến chuyện bản quyền và tỷ lệ ăn chia khi phát hành đều phải tuân thủ đúng pháp luật và hợp đồng đã ký.
Hà Tùng Long