Chuyện chưa kể về cuộc đời và sự nghiệp của “A Phủ” Trần Phương

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Cuộc đời và sự nghiệp của NSND Trần Phương là bản nhạc nhiều cung bậc.

Những kỷ niệm để đời với vai A Phủ

Thông tin NSND Trần Phương – người đóng vai A Phủ trong bộ phim kinh điển “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc qua đời ở tuổi 91 khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ tiếc thương. Trong quãng đời hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Trần Phương đã có nhiều cống hiến cho điện ảnh Việt Nam qua hai vai trò: diễn viên và đạo diễn.

Chuyện chưa kể về cuộc đời và sự nghiệp của “A Phủ” Trần Phương - 1

Nghệ sĩ Trần Phương được đạo diễn Mai Lộc chọn vào vai A Phủ khi ông 29 tuổi.

NSND Trà Giang tôn ông là “con chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam”. NSND Đặng Nhật Minh xem ông là “tài năng lớn của điện ảnh Việt Nam”.

NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên. Năm 16 tuổi, ông rời trường học, tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân được thành lập tại chiến khu Việt Bắc.

Ông tham gia nhiều thể loại, từ theo học kịch với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ..., học văn với Nguyên Hồng, Tô Hoài...; học chèo với Năm Ngũ, Cả Tam...; tham gia đóng ca kịch “Hòn đá” của Đỗ Nhuận... Tuy nhiên, ngã rẽ lớn nhất trong sự nghiệp của NSND Trần Phương là vào năm 1955, ông trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam (sau này là Hãng phim truyện Việt Nam).

Năm 1959, ông tham gia bộ phim đầu tiên “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc, kịch bản Tô Hoài. Chính nhà văn Tô Hoài đã khuyên ông nên lên miền núi sống cùng người Mông để thâm nhập thực tế trước khi vào vai A Phủ. Để đóng được cảnh cưỡi ngựa, đoàn phim đã mua cho nam nghệ sĩ một con ngựa để tập cưỡi. Nhưng ngựa của người Mông thường không có yên, không có dây cương và rất bất kham nên nghệ sĩ Trần Phương đã nhiều phen bị ngựa quật ngã đau điếng. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì hàng tháng trời tập cưỡi ngựa để hoá thân tốt nhất vai diễn của mình.

Điều hạnh phúc nhất với NSND Trần Phương là sau khi bộ phim hoàn thành, đồng bào khư khư giữ ông lại không cho ông về xuôi vì họ coi ông là một người thân thích, một người trai của bản. Đi đến đâu, từ đầu bản đến cuối bản, ai cũng bảo “nó là người của bản tôi”.

Chuyện chưa kể về cuộc đời và sự nghiệp của “A Phủ” Trần Phương - 2

Ngoài bộ phim kể trên, nghệ sĩ Trần Phường còn tham gia nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: “Chị Tư Hậu”, “Trên vĩ tuyến 17”, “Bình minh trên rẻo cao”, “Tiền tuyến gọi”, “Biển gọi”, “Vợ chồng anh Lực”, “Ngày lễ Thánh”... 

Bộ phim “Chị Tư Hậu”, ông đóng cùng nghệ sĩ Trà Giang. Lúc sinh thời ông kể, cả hai anh em đóng vợ chồng, có cảnh nằm ôm nhau ngủ. Phim công chiếu, vợ ông xem cảnh này bà chỉ cười nhưng ông biết trong lòng bà không thoải mái. Tuy nhiên, sau này vợ ông và nữ nghệ sĩ rất thân thiết với nhau. Thời ông làm đạo diễn cũng rất hay mời NSND Trà Giang đóng phim của ông. Riêng nữ nghệ sĩ thì lần nào ra Hà Nội cũng cố gắng đến thăm ông.

Người thầy lớn trong mắt nhiều nghệ sĩ

Sau nhiều vai diễn, NSND Trần Phương quyết định chuyển sang làm đạo diễn phim. Ban đầu, ông làm phó đạo diễn cho NSND Trần Vũ trong hai bộ phim nổi tiếng “Chuyến xe bão táp” và “Những người đã gặp”. Sau đó, ông chuyển qua làm đạo diễn phim đầu tiên về đề tài an ninh mang tên “Mưa rơi trên thành phố” (1978) dựa theo tác phẩm nhà văn Nguyễn Khắc Phục, biên kịch Mai Thanh. 

Chuyện chưa kể về cuộc đời và sự nghiệp của “A Phủ” Trần Phương - 3
Chuyện chưa kể về cuộc đời và sự nghiệp của “A Phủ” Trần Phương - 4

Những bức ảnh đầy kỷ niệm của nghệ sĩ Thu Hà với nghệ sĩ Trần Phương (áo ca rô) khi đóng "Thủ lĩnh áo nâu".

Tiếp theo là hàng loạt bộ phim: “Dưới chân núi trắng”, “Tội lỗi cuối cùng”, “Đứng trước biển”, “Dòng sông hoa trắng”, “Hy vọng cuối cùng”, “Vụ án hồ Con Rùa”; “Dòng thác”; “SBC”; “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”; “Tình ngỡ đã phôi phai”; “Vệt sáng ngược”; “Hai năm nữa anh về”... 

Trong số đó, bộ phim “Tội lỗi cuối cùng” từng gây nên một cơn sốt vé trong các rạp chiếu ở cả Nam lẫn Bắc khi công chiếu. Trong bộ phim này, diễn viên Phương Thanh đóng vai Hiền “cá sấu”, còn nam tài tử Trần Quang đóng vai tướng cướp Long Vân. Bộ phim còn có sự tham gia diễn xuất và viết ca khúc “Đời gọi em biết bao lần” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với bộ phim này, Trần Phương đã giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, Phương Thanh giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

NSND Thu Hà chia sẻ, vai diễn đầu tiên trong đời của chị là vai trong phim “Thủ lĩnh áo nâu” (1987) do nghệ sĩ Trần Phương làm đạo diễn. Thời đó, tất cả các diễn viên đều gọi ông bằng “bố” với tất cả tình yêu thương và sự kính trọng.

“Với tôi, ông là người thầy đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh. Người thầy này đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn đậm sâu bởi sự ân cần, nhẹ nhàng và tình cảm dành cho lớp trẻ. Với ai, ông cũng vui vẻ, chân tình và quan tâm đặc biệt”, NSND Thu Hà bộc bạch.

NSND Trọng Trinh cho biết, cách đây không lâu, anh đã hẹn bạn diễn Quế Hằng qua thăm nghệ sĩ Trần Phương nhưng cứ bị công việc cuốn đi nên anh vẫn chưa thực hiện được. Vì lẽ đó, khi nghe tin “người thầy lớn” của mình đã rời cõi tạm anh rất buồn và ân hận. Nghệ sĩ Trọng Trinh may mắn được tham gia phim “SBC” do NSND Trần Phương làm đạo diễn vào năm 1987.

“Đối với tôi, nghệ sĩ Trần Phương là một người thầy, một người cha và một người nghệ sĩ lớn. Chưa bao giờ tôi thấy có một đạo diễn nào hiền lành, tinh tế, nhẹ nhàng và điềm đạm đến thế. Thời đóng phim “SBC” do ông làm đạo diễn, mỗi cảnh quay ông đều phân tích tâm lý nhân vật cho từng diễn viên, có gì chưa đúng ông nhẹ nhàng chỉ bảo.

Vì thế, làm việc với ông chúng tôi thấy dễ chịu lắm. Hiếm có một nghệ sĩ nào vừa tài hoa, vừa nhẹ nhàng, vừa tinh tế như ông. Ông xứng đáng là một nhân cách lớn, một hình mẫu để chúng tôi học tập. Từ hôm qua đến giờ, nghe tin ông ra đi, tôi cứ ân hận mãi. Tôi đã không thể gặp được ông lần cuối trước khi ông ra đi”, nghệ sĩ Trọng Trinh tâm sự.

Chuyện chưa kể về cuộc đời và sự nghiệp của “A Phủ” Trần Phương - 5

Chân dung nghệ sĩ Trần Phương dưới góc chụp của NSƯT Phạm Thanh Hà.

Theo chia sẻ của nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ Trần Phương có 4 người con gái, 1 người con trai. Người con trai là Trần Lâm nối nghiệp bố nhưng khi đang đi học quay phim ở Cuba thì bị tai nạn mất. Những năm cuối đời, NSND Trần Phương đã phải chống chọi với nhiều căn bệnh nên sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm