Chuyện cảm động của cổ động viên Việt bên lề sân cỏ Thường Châu

(Dân trí) - Bên cạnh những câu chuyện về lòng quả cảm và sức chiến đấu kiên cường của các tuyển thủ U23 Việt Nam trên sân thì bên lề sân cỏ cũng có rất nhiều câu chuyện xúc động về các cổ động viên đặc biệt. Câu chuyện này đã được nữ doanh nhân Trương An Xinh kể lại khiến nhiều người rơi nước mắt.

Chị Trương An Xinh ở Hải Phòng là một trong những cổ động viên Việt Nam có mặt ở sân vận động Thường Châu - Trung Quốc sớm nhất. Đội cổ động viên của chị có hơn 30 người với đầy đủ cờ tổ quốc, áo in hình cờ đỏ sao vàng, kèn ba màu, băng rôn, miếng dính… Cả đội đã cổ vũ cho U23 Việt Nam tới mức ai nấy đều “mất tiếng” vì hò reo quá nhiều.

Tuy nhiên, trong dịp này, chị Trương An Xinh cũng chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động đến rơi nước mắt bên lề sân cỏ. Chị Trương An Xinh kể, chị vô tình gặp một người phụ nữ tên Hoa, đang vừa rửa tay cạnh nhà sân vận động, vừa liến thoắng nói chuyện bởi lâu lắm rồi bà không gặp được nhiều người Việt đến thế.

Cổ động viên Việt Nam đội tuyết để cổ vũ hết mình cho U23 Việt Nam trên sân vận động Thường Châu. Clip: Á hậu Thanh Tú.

Theo đó, bà Hoa là người gốc Thái Bình, sang Trung Quốc làm việc từ 26 năm trước. Giờ bà đang làm nhân viên vệ sinh trong một quán bar ở Bắc Kinh. Để đến được Thường Châu cổ vũ cho U23 Việt Nam, ông bà đã phải đi tàu từ sáng sớm tới đây, chặng đường mất hơn 6 tiếng đồng hồ mới tới nơi.

“Mệt nhưng mà vui lắm, tự hào lắm các cô ơi. Việt Nam mình giỏi quá", bà Hoa hồ hởi nói với chị Trương An Xinh.

Hết trận đấu, ông bà sẽ lại lên tàu về Bắc Kinh. Chồng bà làm công nhân trong một xưởng sản xuất. Hai vợ chồng chục năm nay chưa về Việt Nam vì không có tiền. Trước khi lên đường, hai vợ chồng sốc lại cái ba lô cũ, chỉnh cái áo đỏ cho hình sao vàng được thẳng thớm, cười tươi tắn trên gương mặt khắc khổ.

Trước khi về bà còn nhắn gửi lại những người đồng bào của mình một câu: “Thôi 10 năm không về nước được thì hôm nay cùng đồng bào mình ăn mừng ngày vui của tổ quốc ở đây, đận này mà vô địch á, vay lãi tôi cũng phải về, về quê một chuyến cho sướng, nhở".

Chị An Xinh cũng kể, khi cổ vũ trên khán đài, đứng phía sau chị là một chị "bình luận trực tiếp" miệng không ngưng nghỉ. Chị hết xui Bùi Tiến Dũng "Đá thẳng vào gôn đi, không phải chuyền cho đứa nào đâu”, đến mắng Công Phượng "Cái gì mà toàn đá vào chân bọn nó thế". Rồi chị lại mắng mấy cầu thủ Uzbekistan khi họ phạm lỗi với cầu thủ đội nhà.

Dẫu vậy, khi thấy mấy người để rơi cờ xuống đất, chị lại nhanh nhảu nhắc nhở: “Nhặt lên chứ, cờ Tổ quốc mà để dưới đất thế kia à!".

Cổ động viên Việt Nam phấn khích trước pha ghi bàn của Quang Hải trên sân vận động Thường Châu. Clip: Á hậu Thanh Tú.

“Khi trận đấu kết thúc, chị bảo: "Thế là được rồi, thôi mình bé hơn người ta, yếu hơn người ta, đá thế là thắng rồi các con ạ". Rồi chị quay sang bảo con gái: "Mày cầm mấy cái cờ to to về cho mẹ, khi nào Việt Nam sang đá ở Hong Kong thì mẹ con mình có cờ mà đi cổ vũ chứ biết mua ở đâu", chị Xinh kể thêm.

Chị Xinh xúc động nhớ lại: “Cô em đi cùng đoàn tôi hỏi khi đã đá được khoảng 30 phút "Việt Nam mình mặc áo gì chị?". Rồi cô thắc mắc: "Một hiệp 60 phút phải không nhỉ?". Trong khi ấy, ai hô là cô hô, ai gào là cô gào, tiếng cổ vũ của cô to nhất luôn”.

Trong chuyến đi đến sân vận động Thường Châu ngày hôm qua, đoàn cổ động viên của chị Xinh gặp khá nhiều vất vả. Tuy nhiên, trên suốt chặng đi, ai cũng hào hứng và hứng khởi, mong được đến sân vận động sớm nhất.

“Chúng tôi tình cờ gặp một cô bé sinh viên ở sân bay từ Thẩm Quyến, khi biết có khả năng đường cao tốc đóng cửa, chúng tôi không thể về được Thượng Hải, cô bảo đã an ủi chúng tôi đừng lo lắng. Cô bé hứa: “Em sẽ đi với các anh chị đến cùng, nếu không về được, em tìm khách sạn, đặt vé tàu sáng mai cho mọi người rồi em mới về.

Các cổ động viên mặc đủ các loại áo để chống lại cái rét nhằm cổ vũ hết mình cho U23 Việt Nam trên sân vận động Thường Châu.
Các cổ động viên mặc đủ các loại áo để chống lại cái rét nhằm cổ vũ hết mình cho U23 Việt Nam trên sân vận động Thường Châu.

Theo chị Xinh, những người phụ nữ trong sân bóng chiều qua, đa số là những người không hiểu biết về bóng đá. Họ không tới đây vì những phạt đền, việt vị, thẻ vàng, thẻ đỏ… thứ mà bóng đá mang lại cho họ là cảm xúc dân tộc, là gắn kết có tên gọi “đồng bào”. Họ tới đây vì tình yêu Tổ quốc, vì lòng tự hào khi hai tiếng Việt Nam được vang lên ở bất cứ đâu.

Thậm chí với nhiều người, trận đấu lịch sử ngày hôm qua là lần đầu họ xem hết một trận bóng đá. Vì thế, kết quả chẳng là gì, cảm xúc đã quá đủ. Tự hào quá nhiều và yêu thương cũng quá nhiều. Có ở đâu, bao giờ như bây giờ, cứ nhìn thấy áo đỏ và cờ Việt Nam là cười rạng rỡ hỏi han nhau.

“Trận đấu lẽ ra đã hoãn. Có thể do kinh phí tổ chức, do những lý do "tế nhị" khác chăng mà các cầu thủ đã phải đá trận bóng đá quan trọng nhất mà cũng khắc nghiệt nhất của họ.

Nhìn lớp tuyết dày cả 20cm trên sân và tuyết rơi trắng trời liên tục, những bóng áo đỏ nhỏ xíu kiên cường chiến đấu mà thắt lòng. Cổ động viên chúng tôi chỉ ngồi dưới mưa tuyết 4 tiếng, với hàng chục lớp quần áo, mà đã tím tái tay chân, buốt giá lịm người. Các em 120 phút không có lúc nào buông xuôi, cho đến giây cuối cùng.

Cám ơn bóng đá, cám ơn U23 Việt Nam đã làm cho chúng ta lại gần nhau hơn. Ở những thời khắc quyết định, Việt Nam luôn là một khối thống nhất không thể tách rời. Thế là đủ rồi. Về nhà mình thôi, các em. Ở nhà không có tuyết, chỉ có lòng người ấm áp đang chờ!”, chị Trương An Xinh xúc động tâm sự.

Khuôn mặt thẫn thờ của chị Trương An Xinh sau khi đội Uzbekistan lọt lưới bàn thắng thứ 2 ở những phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Khuôn mặt thẫn thờ của chị Trương An Xinh sau khi đội Uzbekistan lọt lưới bàn thắng thứ 2 ở những phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trương An Xinh là một nữ doanh nhân, đồng thời là hot Facebooker với những bài viết về giáo dục, khởi nghiệp và kinh doanh sâu sắc. Chị từng xuất sắc dành được giải thưởng Nữ hoàng mặc dạ hội đẹp nhất của cuộc thi "Quyền năng phái đẹp" do mạng lưới Nữ Lãnh đạo quốc tế tại Việt Nam tổ chức.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm