Chuyện ca sĩ Mỹ nổi tiếng từ tình khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
(Dân trí) - Dấu ấn của Kyo York với nhạc Trịnh có thể kể từ cột mốc lần đầu tiên anh đứng trên sân khấu "10 năm nhớ Trịnh Công Sơn". Mối lương duyên với nhạc Trịnh đã đưa anh đến gần hơn với khán giả cả nước.
Âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp âm nhạc của Kyo York?
Kyo là một người vô cùng yêu nhạc Trịnh. Những bước đường đầu tiên của tôi trên con đường âm nhạc chính là những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
10 năm nhớ Trịnh Công Sơn có thể nói là cột mốc ghi dấu trên con đường đó. Kyo có vinh dự được hát nhạc Trịnh trong chương trình truyền hình trực tiếp của VTV. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy như một giấc mơ.
Đó là "gia tài" vô cùng quý báu trong sự nghiệp âm nhạc của tôi. Những ca khúc của cố nhạc sĩ đã giúp tôi hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.
Tôi rất vui khi ngày 26/9 tới đây sẽ được kết nối lại với gia đình của cố nhạc sĩ để tham gia trong đêm nhạc trực tuyến ý nghĩa mang tên Nối vòng tay lớn và được phép hát những ca khúc đã đi vào trái tim của biết bao thế hệ người Việt. Đó là niềm vinh hạnh đối với tôi.
Trong chương trình, Kyo sẽ thể hiện 3 ca khúc Để gió cuốn đi (đơn ca), Nối vòng tay lớn, Hãy yêu nhau đi (hát tốp ca).
Trước đó anh đã bao giờ biểu diễn ca khúc "Để gió cuốn đi"?
Tôi từng hát ca khúc Để gió cuốn đi trong chương trình thiện nguyện Nơi về nương náu - Đêm nhạc Trịnh Công Sơn. Đây là một ca khúc rất hay và ý nghĩa. Tôi tin rằng, Để gió cuốn đi là một ca khúc mà tất cả người Việt ở thế hệ nào cũng biết đến giai điệu.
Ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà anh hát đến bây giờ anh còn nhớ?
Đó là ca khúc Hạ trắng, sau đó là Diễm xưa. Có thể nói, nhạc Trịnh chiếm 20% trong số tất cả những ca khúc tiếng Việt mà tôi biết hát.
Sở thích của tôi là được khám phá và hiểu thêm về những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, điều gì khiến Kyo York yêu thích nhất?
Giai điệu trong các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ không quá phức tạp về thanh nhạc. Có thể cảm nhận được cố nhạc sĩ đã viết rất đời, dung dị. Đến bây giờ, khi nghe lại, các ca khúc vẫn có sức sống.
Mỗi ca khúc là một câu chuyện về tình yêu, tình buồn,... Những rung động trong cuộc sống đã được cố nhạc sĩ ghi lại bằng âm nhạc và thổi hồn vào từng cung bậc cảm xúc bằng ca từ rất Tây, đi vào lòng người.
Gia đình của Kyo York đã bao giờ được nghe anh hát những ca khúc nhạc Việt chưa?
Mọi người trong gia đình tôi tuy không biết tiếng Việt nhưng rất thích nghe tôi hát. Âm nhạc chính là ngôn ngữ chung của thế giới. Khi nghe một ca khúc vẫn có thể cảm nhận được cảm xúc đó bằng chính trái tim của mình.
Đó là sức mạnh, phép thuật của âm nhạc. Những gì đi từ trái tim sẽ đến với trái tim.
Là một ca sĩ ngoại quốc, cách cảm nhận và hát của Kyo York với các ca khúc nhạc Trịnh có gì khác với những ca sĩ Việt Nam từng thể hiện?
Kyo nghĩ là không có gì khác, tôi hát bằng chính rung động của mình. Quan trọng là khán giả có cảm được hay không.
Tôi quen biết rất nhiều đồng nghiệp từng hát nhạc Trịnh, từng được gặp mặt cố nhạc sĩ như ca sĩ Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Quang Dũng, anh Trần Mạnh Tuấn...
Mọi người đã giúp tôi hình dung về cố nhạc sĩ là một con người như thế nào. Từ những câu chuyện đó, tôi hiểu thêm về âm nhạc của cố nhạc sĩ.
Khi được tham gia vào các chương trình tưởng nhớ âm nhạc của Trịnh Công Sơn, tôi cũng hiểu rằng, âm nhạc của Trịnh Công Sơn thậm chí đã trở thành một "thể loại". Điều này đủ hiểu sức ảnh hưởng của nó là như thế nào.
Thông qua âm nhạc của Trịnh Công Sơn, nhiều người thấy bình tâm, thấy vui trong cuộc sống và hiểu hơn về cuộc đời này.
Rất nhiều lần khi tôi làm chương trình đã nhận được yêu cầu hát các ca khúc như Diễm xưa, Hạ trắng, Để gió cuốn đi...
Có thể nói, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một con người tài hoa đã đi vào lịch sử và âm nhạc Việt Nam.
Tôi rất nể phục những ca sĩ gắn với nhạc Trịnh. Tuy vậy, tôi nghĩ, đối với những người đang hát nhạc Trịnh cũng chưa thể hiểu hết tâm tư, tình cảm, các lớp ý nghĩa mà ông gửi gắm trong từng ca khúc.
Nhưng mình cố gắng hiểu về hoàn cảnh sáng tác, đọc những câu chuyện truyền cảm hứng, để có thể cảm nhận tương đối.
Anh vừa nhắc đến nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn - người gắn bó với nhạc Trịnh và cũng là Giám đốc Âm nhạc của chương trình "Nối vòng tay lớn"?
Tôi có nhiều kỷ niệm với anh Trần Mạnh Tuấn. Hai anh em quen biết đã gần 8 năm. Thời gian đầu, Kyo đi hát ở đường Lê Lợi và gặp anh Trần Mạnh Tuấn ở đó.
Anh Trần Mạnh Tuấn chính là người từng quen biết, thân thiết với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh thường xuyên thổi những bài hát ở quán. Tôi được lan tỏa cảm xúc với nhạc Trịnh.
Rồi sau đó chúng tôi còn được làm việc chung mấy lần nữa với nhau. Tôi rất quý mến anh. Được làm việc với anh Tuấn là một may mắn với tôi.
Kyo York có nghe câu chuyện về "âm nhạc bên ban công" của các nghệ sĩ châu Âu giữa mùa dịch?
Kyo có đọc và biết về những buổi trình diễn bên ban công của các nghệ sĩ. Âm nhạc quả là kỳ diệu, xoa dịu những nỗi đau, là liều thuốc bổ cho sự sống của con người. Đó cũng là lý do tôi quyết định theo đuổi đam mê này.
Tôi nhớ lại những lần đi hát ở bệnh viện, nhìn các bệnh nhân không thể cười, không biết mình đang ở đâu, họ bị liệt nhưng nghe âm nhạc thì họ có sự phản ứng.
Điều này đủ minh chứng cho sức mạnh của âm nhạc. Âm nhạc theo chúng ta từ lúc sinh ra cho đến khi rời xa cuộc đời mình.
Chỉ mong thế giới sớm khỏe để tôi có thể đến gần hơn với khán giả và tiếp tục sứ mệnh của mình, đó là đưa âm nhạc đến với trái tim mọi người.
"Có một dạo tôi hoàn toàn mất phương hướng, cứ trăn trở về Mỹ hay ở lại Việt Nam để theo đuổi đam mê. Và trong những ngày lơ lửng đó, âm nhạc Trịnh đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Cho tôi một điểm tựa.
Hành trình âm nhạc của tôi ở Việt Nam có những tri âm mà cả đời tôi không thể kể hết những ân tình. Nếu không có họ thì không có một Kyo York của bây giờ", Kyo York tâm sự.
Với mục đích kết nối trái tim, động viên tinh thần "tương thân tương ái", tôn vinh nỗ lực và sự hi sinh của các lực lượng tuyến đầu, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Quỹ Trịnh Công Sơn đã phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến với chủ đề "Nối vòng tay lớn" kêu gọi sự đồng lòng, vững tin của nhân dân cả nước trong cuộc chiến vượt qua Covid-19. Thông qua chương trình, Ban Tổ chức cũng mong muốn kêu gọi nguồn lực để mua và vận chuyển các thiết bị vật tư y tế đóng góp vào quỹ "Phòng chống Covid-19" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.