Chuyện bí ẩn chưa có lời giải đáp về thành nhà Hồ

(Dân trí) - Đôi rồng đá bị chặt đầu, chuyện ngôi mộ táng ở đàn tế Nam Giao và một huyền tích lịch sử về nàng Bình Khương tuẫn tiết kêu oan cho chồng... Đó là những bí ẩn chưa có lời giải đáp xung quanh di sản thành nhà Hồ.

Thành Nhà Hồ (Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và trên thế giới. Đây là công trình được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách vẫn gần như còn nguyên vẹn. Ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Thành Nhà Hồ- Di sản văn hóa thế giới
Thành Nhà Hồ- Di sản văn hóa thế giới

Đôi rồng đá cụt đầu và ngôi mộ táng khổng lồ ở Đàn tế Nam Giao

Câu chuyện về việc xây dựng Thành Nhà Hồ đã có lẽ sẽ mãi là một câu hỏi lớn không lời giải đáp. Thế nhưng, ngay cả những vật còn tồn tại ở đây cho tới tận bây giờ cũng khiến con người băn khoăn tìm lời giải như chuyện về đôi rồng đá cụt đầu nằm song song bên đường đi trong nội thành từ cổng Nam sang cổng Bắc.

Cặp rồng được chạm khắc rất tỉ mỉ bằng đá xanh nguyên khối. Thân rồng thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vảy. Rồng có bốn chân, mỗi chân ba móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng hiện đã bị mất nhưng vẫn còn phần bờm dài lượn chín nếp. Các khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc và móc hoa lượn mềm. Đôi rồng có chiều dài 3,8 m, là đôi tượng rồng lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện.

Cận cảnh rồng đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối
Cận cảnh rồng đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối

Theo ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ thì đôi rồng đá trên đã được người Pháp phát hiện vào năm 1938 khi họ làm một con đường nội địa trong thành, chứ không phải được người dân phát hiện như đồn đại.  “Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đôi rồng này giống như rồng được chạm khắc trên thềm bậc ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa)” – ông Toán nói.

Về việc vì sao đôi rồng mất đầu, ai đã chặt đầu rồng? Đến nay vẫn chưa có một lý giải nào có cơ sở.

Theo các cụ cao niên trong làng thì có một câu chuyện được truyền miệng từ xa xưa là do đầu rồng quay vào làng nên trong làng thường xuyên xảy ra cháy nhà. Cho rằng rồng phun lửa gây họa nên người dân trong vùng đã chặt đầu rồng đi. Ngoài ra còn có một câu chuyện được thêu dệt rất huyền bí rằng trong đầu rồng có ngọc ngà châu báu nên lợi dụng một đêm mưa gió một nhóm người đã chặt đầu rồng mang đi nơi khác để lấy châu báu.

Về điều này ông Nguyễn xuân Toán cho rằng: “Tất cả cũng chỉ là phỏng đoán và truyền miệng, chứ chưa có một văn bản hay sử sách nào ghi chép vì sao đôi rồng đá bị mất đầu cả. Việc hai con rồng bị mất đầu có thể là do quân Minh gây ra, vì trong quá trình khai quật cũng như sưu tầm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cũng đã phát hiện một số con vật khác bị mất đầu như con nghê đá”.

Đôi rồng đá cụt đầu nằm song song trong nội thành từ cổng Nam đi cổng Bắc
Đôi rồng đá cụt đầu nằm song song trong nội thành từ cổng Nam đi cổng Bắc

Điều lạ lùng không chỉ dừng lại ở đó, vào khoảng tháng 4/2012, trong quá trình tôn tạo, phục dựng di tích đàn tế Nam Giao thuộc di sản thành Nhà Hồ, các nhà khảo cổ đã phát hiện ngôi mộ táng khổng lồ, bên trong có bộ xương còn tương đối nguyên vẹn.

Bộ xương ở tư thế nằm ngửa, được đặt trong bia mộ quây bằng đá. Vị trí của ngôi mộ đá này nằm dưới lòng bức tường bao vòng ngoài của đàn tế Nam Giao, sát chân núi Đốn Sơn. Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ đưa ra kết luận, đây là bộ xương trâu. Nhưng câu hỏi đặt ra là, vì sao lại mai táng trâu ở vị trí xây dựng Đàn, và được dựng mộ đá khá nghiêm cẩn?

Hòn đá in hình đầu người và đôi bàn tay

Ngoài đôi rồng mất đầu, ngôi mộ táng, hòn đá in dấu đầu người và hai bàn tay được lưu giữ tại ngôi đền thờ nàng Bình Khương nằm ở phía đông di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ cũng là cả một câu chuyện kỳ bí

Theo sử sách ghi lại, nàng Bình Khương là vợ của Trần Công Sỹ là một vị quan được Hồ Quý Ly giao cho giám sát và đốc thúc quân lính xây dựng đoạn thành phía Đông. Lúc này việc dời đô vô cùng cấp bách bởi quân Minh đã nhiều lần nhăm nhe vượt ải Bắc tiến vào nước ta. Tiến độ xây thành đang gấp rút từng ngày thế nhưng đoạn thành phía Đông do Trần Công Sỹ phụ trách cứ xây gần xong lại sập, không ai rõ nguyên nhân từ đâu.

Đôi rồng đá cụt đầu nằm song song trong nội thành từ cổng Nam đi cổng Bắc
Hòn đá có in hình đầu người và đôi bàn tay được cho là do nàng Bình Khương tuẫn tiết đập đầu kêu oan cho chồng

Nghi ngờ Trần Công Sỹ làm phản, cố ý làm chậm tiến độ xây thành, Hồ Quý Ly cho người chôn ông ngay vào tường thành. Nghe tin chồng bị chôn sống, nàng Bình Khương đã chạy đến chỗ chồng bị chôn rồi xô những tảng đá ra để mong nhìn thấy xác chồng nhưng không được. Uất ức, nàng đã lấy hết sức đập đầu vào đá để được chết cùng chồng. Kỳ lạ thay tảng đá nơi nàng Bình Khương kết liễu đời mình lõm xuống 1 hố sâu in hình đầu người và hai vết lõm nhỏ bên cạnh giống như hai bàn tay đang cào xé.

 500 năm sau, đến đời Vua Đồng Khánh (nhà Nguyễn) người ta nghe tin đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương vẫn còn in rõ trên phiến đá tường thành sau mấy trăm năm, nên khách xa gần hiếu kì tìm về đây rất đông. Viên hào lý trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây phiền phức, nên đã thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn xuống lòng đất. Sau khi chôn phiến đá ấy, người thợ bỗng nhiên mắc bệnh lạ và chết, viên hào lý cũng chết không rõ nguyên nhân.

Đền thờ người dân lập nên để thờ nàng Bình Khương
Đền thờ người dân lập nên để thờ nàng Bình Khương

Tri phủ Đoàn Thước nghe tin, sai lính tìm bằng được và đào phiến đá đó lên, lắp đúng vào chỗ cũ và khắc dòng chữ “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch” (có nghĩa là tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống Sinh, triều nhà Trần). Tri phủ lại dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi xưa kia Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó cũng khắc một dòng chữ “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm” (có nghĩa nơi chôn lấp chồng bà Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần).

Cảm thương tình cảm của nàng Bình Khương giành cho chồng, nhân dân địa phương đã lập đền thờ bà ngay sát chân Thành Nhà Hồ, cạnh nơi chồng bà bị chôn sống (ngày nay thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long). Hàng trăm năm nay, ngôi đền cổ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa.
 
...
 
(Còn nữa)

Nguyễn Thùy 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm