“Chúng tôi không vi phạm quyền nhân thân của cố nhà văn Ngô Tất Tố”

(Dân trí) - Trong khi gia đình cố nhà văn Ngô Tất Tố bức xúc cho rằng hai cuốn “Lều chõng” và “Việc làng” ấn hành 2014 có nhiều vi phạm quyền nhân thân tác giả thì Phó ban biên tập NXB Hội nhà văn, nhà văn Tạ Duy Anh và đại diện Nhã Nam lại phủ nhận vi phạm trên.

Là Phó ban biên tập NXB và cũng là người biên tập trực tiếp hai cuốn sách “Lều chõng” và “Việc làng” do NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành năm 2014, nhà văn Tạ Duy Anh có thể nói gì khi gia đình cố nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng bản in 2014 của NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam đã vi phạm quyền nhân thân, được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ?

Tôi có biết phản ứng của ông Cao Đắc Điểm và giải đáp của Nhã Nam. Nhiều báo đã đưa tin khá kỹ về chuyện không đáng ầm ĩ này. Quan điểm của cá nhân tôi và với tư cách người biên tập thì Nhã Nam có cơ sở của họ khi cho rằng họ không hề vi phạm quyền nhân thân (điều đó cũng có nghĩa NXB không vi phạm quyền trên).

Nếu tôi được quyền đại diện cho NXB thì tôi sẽ đồng thuận quan điểm với Nhã Nam. Tuy nhiên tôi cũng tôn trọng ý kiến của ông Cao Đắc Điểm trên phương diện tình cảm. Tôi cho rằng vấn đề chỉ là mỗi bên hiểu về quyền nhân thân theo một cách khác nhau. Hai bên chỉ cần mời luật sư làm trọng tài là vấn đề được giải quyết và theo tôi nghĩ việc đó quá đơn giản, không nên làm cho to chuyện khi chưa hiểu thấu đáo vấn đề và chưa có kết luận của giới chuyên gia pháp lý.

Nhà văn Tạ Duy Anh, người trực tiếp biên tập hai cuốn Lều chõng và Việc làng ấn hành năm 2014

Nhà văn Tạ Duy Anh, người trực tiếp biên tập hai cuốn "Lều chõng" và "Việc làng" ấn hành năm 2014

Cụ thể, theo gia đình cố nhà văn bản in 2014 bị cắt bỏ nhiều từ,  đoạn. Hai bản in cũng in sai một số từ và cụm từ?

Ông Cao Đắc Điểm và Nhã Nam dựa vào hai văn bản khác nhau. Nhã Nam dựa trên bản in của NXB Mai Lĩnh, trong khi ông Cao Đắc Điểm lại dựa vào bản in trên báo. Là người biên tập, tôi khẳng định Nhã Nam không hề cắt xén bất cứ đoạn, câu văn nào so với bản in của Mai Lĩnh mà Nhã Nam trình nhà xuất bản.

Còn chuyện có một số lỗi, trong đó có lỗi thuộc về biên tập, có lỗi do chế bản, thì là một điều đáng tiếc và nói thật tình là vô cùng khó tránh khỏi nếu không muốn nói in đúng tuyệt đối là bất khả. Tuy nhiên, cả NXB và Nhã Nam sẽ phải nghiêm túc khắc phục những sai sót trên nếu có cơ hội.

Anh có thể chia sẻ quá trình biên soạn hai bản in này và sử dụng nguồn tư liệu như thế nào? Ông Cao Đắc Điểm cho biết từ hơn 10 năm nay, ông và vợ đã thực hiện các công trình khảo cứu về văn bản nhằm khôi phục, giám định nguyên bản gốc và khảo cứu các sai lệch khi tái bản các tác phẩm của Ngô Tất Tố. Tuy nhiên, khi NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam in sách đã không chịu tham khảo công trình khảo cứu của họ?

Khi Nhã Nam đưa bản thảo của hai cuốn sách Lều chõngViệc làng, vốn là hai bản in của NXB Mai Lĩnh đến xin giấy phép, chúng tôi trước hết kiểm tra xem hai bản sách có còn đủ số trang (tức là nội dung) như khi nó ra đời hay không? Nó có bị thêm bớt, sửa chữa gì khiến văn bản bị khác đi hay không? Khi không phát hiện các lỗi trên, chúng tôi cấp phép để Nhã Nam tái bản cuốn sách theo như nội dung trong hai bản in đó và Nhã Nam đã thực hiện đúng như tôi vừa trình bày ở trên, tức là không thêm bớt, cắt xén hoặc thay đổi gì.

Tôi cho rằng mọi việc như vậy là đều đúng luật. Còn việc ông Cao Đắc Điểm có trong tay bản thảo mà theo ông là hoàn chỉnh hơn, thì cũng đáng để giới nghiên cứu nước nhà xem xét, tham khảo, giám định, coi như một công trình khoa học và nếu xã hội có nhu cầu thì một lúc nào đó sẽ in theo văn bản đó (bản thân tôi cũng rất tò mò).

Nhưng điều đó không nên bị nhầm lẫn rằng đó là văn bản chuẩn bắt mọi người phải công nhận để không ai được in các văn bản khác mà họ cho rằng chuẩn xác và đáng tin hơn (dựa vào đâu để bảo văn bản nào đó là chuẩn, khi chỉ có tác giả mới đủ quyền và tư cách đưa ra khẳng định). Lại càng không nên nhầm lẫn giữa việc công nhận bản quyền của cơ quan sở hữu trí tuệ với những công trình nghiên cứu khảo sát cụ thể về tác phẩm của Ngô Tất Tố, đồng nghĩa với việc công nhận tính chuẩn xác của văn bản tác phẩm (cụ thể ở đây là tác phẩm Việc làngLều chõng) đã được người khảo sát bổ sung khi khảo sát.

Trong hai văn bản của Nhã Nam và ông Cao Đắc Điểm, chưa có cơ sở nào để kết luận văn bản nào là ý muốn của tác giả, hoặc đơn giản là đáng tin hơn về nội dung. Bởi vì trong sáng tác và in ấn, bản đầy đủ hơn (nói dễ hiểu là dài hơn) chưa chắc đã là bản tác giả muốn.

Theo chỗ tôi biết, cho đến nay, nếu không có di chúc của nhà văn Ngô Tất Tố, chưa có bất cứ quyết định nào mang tính pháp lý quy định văn bản nào trong hàng chục văn bản liên quan đến hai tác phẩm đó là chuẩn.

Tác phẩ

Tác phẩm Lều chõng và Việc làng do NXB Hội nhà văn liên kết cùng Nhã Nam phát hành trong năm 2014

Trước phản ứng bức xúc từ đại diện gia đình cố nhà văn, quan điểm của anh như  thế nào? Phía NXB Hội Nhà Văn có động thái trả lời phía gia đình cố nhà văn hay chưa?

Tôi được biết, sắp tới giám đốc NXB sẽ có văn bản chính thức trả lời gia đình. Với tư cách cá nhân và cũng là một người sáng tác, tôi hoàn toàn thông cảm với những bức xúc của vợ chồng ông Cao Đắc Điểm. Tôi muốn mọi việc được dàn xếp ổn thỏa dựa trên sự cảm thông và hiểu biết. Nhưng khi không thể giải quyết bằng tình cảm, thì chúng ta phải nhờ cậy đến pháp lý thôi, tức là các bên phải chờ ở cơ quan có thẩm quyền.

Ở vị trí biên tập của NXB Hội Nhà văn, phía NXB đã gặp phản ánh nào tương tự như hai cuốn sách trên?

Vai trò của biên tập rất hạn hẹp. Nếu hỏi tôi về những cuốn sách do tôi biên tập đã bao giờ gặp sự cố tương tự, thì tôi xin trả lời, đây là lần đầu.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 18/12, ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc công ty Nhã Nam, người trực tiếp làm việc với nhóm sưu tầm sách cũ năm 1940 và 1941 của Ngô Tất Tố để tái bản trong năm nay cho rằng họ không hề vi phạm quyền nhân thân của tác giả.

Ông Vũ Hoàng Giang khẳng định ấn bản Lều chõngViệc làng năm 2014 của Nhã Nam không tự ý cắt bỏ bất cứ một đoạn văn nào so với hai bản in của NXB Mai Lĩnh kể trên. Nhóm làm sách và đơn vị xuất bản không hề làm “phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, những yếu tố thuộc quyền nhân thân do luật quy định. Ông nói, làm việc với nguyên tắc tôn trọng tối đa văn bản vì đó chính là tiêu chí đầu tiên của nhóm chủ trương tủ sách này. Bởi vậy, theo ông, đặt vấn đề “vi phạm quyền nhân thân” ở đây là không đúng và nghe rất nặng nề.

Tác phẩ


Tác phẩ

Phần cắt “đầu đề bài thi” (thể hiện ở trang 80 bản 1941, và trang 85 bản in 2014) và “làm thuê bài thi” đều không có dấu ấn gì về sự cắt do kiểm duyệt trong bản 1941(Ảnh: Nhã Nam)

Về lỗi in sai một số từ, cụm từ theo phản ánh của ông Cao Đắc Điểm- ông Vũ Hoàng Giang nhận trách nhiệm trước độc giả vì những lỗi morat trong quá trình biên tập và chế bản 2 cuốn sách. Theo ông, đó là những lỗi sai đáng tiếc mà không một đơn vị xuất bản nào mong muốn. Ông Giang nói, sẽ kiểm tra lại và nếu đúng thì sẽ chỉnh sửa khi tái bản.

Về ý kiến gia đình cố nhà văn chỉ trích việc viết trên trang lót của 2 cuốn sách: “Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ. Mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phân phối dưới dạng in ấn hoặc văn bản điện tử, đặc biệt là việc phát tán trên mạng internet mà không có sự cho phép bằng văn bản của NXB là vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến quyền lợi của NXB và tác giả”. Ông Vũ Hoàng Giang giải thích: “Tôi nghĩ ông Điểm đã hiểu lầm. Đoạn “Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ…” (tiếng Anh: “All rights reserved”) là những mẫu câu phổ biến mà các đơn vị xuất bản thường ghi trên sách để chống nạn làm sách giả. Các đơn vị xuất bản khác ở Việt Nam hay ở  các nước Anh, Mỹ, Pháp… đều làm như vậy. Khi cho rằng đoạn văn này nói riêng về các tác phẩm của Ngô Tất Tố thì đơn giản là hiểu lầm mà thôi.”

Nguyễn Hằng