Chúng ta đã sống sót qua những ngày tận thế như thế nào?

(Dân trí) - Ngày 22/2 vừa qua, theo truyền thuyết của người Viking sống ở Bắc và Tây Âu, là một ngày tận thế của nhân loại. Chúng ta đã sống sót qua nhiều ngày tận thế như thế...

Ngày tận thế theo truyền thuyết của người Viking - Ngày 22/2/2014

Chúng ta đã sống sót qua những ngày tận thế như thế nào?


Vậy là chúng ta… lại sống sót qua thêm một ngày tận thế nữa. Lần này, đó là ngày tận thế theo truyền thuyết của người Viking sống ở vùng Bắc và Tây Âu. Xưa kia, người Viking sinh sống ở Na Uy đã sản sinh ra một truyền thuyết kể rằng trái đất của chúng ta sẽ rạn nứt, rồi mở ra, để giải phóng những quỷ sứ sống trong lòng đất vào ngày 22/2 vừa qua.

Theo người Viking, cuộc chiến cuối cùng có tên Ragnarok này sẽ dẫn tới việc hàng loạt vị thần phải hy sinh, hàng loạt thảm họa tự nhiên sẽ xảy ra và cả thế giới sẽ chìm xuống đáy biển.

Vào ngày thứ 7 vừa qua (22/2) theo người Viking chính là ngày sẽ diễn ra trận chiến cuối cùng Ragnarok. Thế giới sau khi bị hủy hoại sẽ được phục hồi trở lại bởi những vị thần còn sống sót cùng hai cư dân duy nhất sẽ đảm đương nhiệm vụ sản sinh giống nòi, đất đai sau khi bị chìm xuống biển cũng sẽ được tái sinh trở lại và cho con người nhiều sản vật vô tận.

Tuy vậy, chúng ta đã lại sống sót qua thêm một “ngày tận thế” nữa và trận chiến cuối cùng Ragnarok lại tiếp tục gia nhập vào danh sách hàng trăm những ngày tận thế “hụt”.

Ngày tận thế theo lịch của người Maya - Ngày 21/12/2012

Chúng ta đã sống sót qua những ngày tận thế như thế nào?


Bộ lịch của người Maya cổ xưa vốn được tạo ra vô cùng chính xác. Bộ lịch này đã kết thúc vào ngày 21/12/2012. Điều này đã tạo ra một luồng dư luận cho rằng đó chính là ngày tận thế. Hàng loạt tiên đoán được đưa ra, rằng trái đất sẽ va chạm với tiểu hành tinh, với sao chổi, hay trái đất sẽ hoán đổi hai đầu địa cực, gây ra những biến động nghiêm trọng…

Việc bộ lịch cổ của người Maya kết thúc vào ngày 21/12/2012 thực ra chỉ đánh dấu một chu kỳ thời gian đã kết thúc và sẽ được bắt đầu bằng một chu kỳ mới. Thực tế, vào ngày này, trái đất và mặt trời cũng sắp thẳng hàng với tâm của dải thiên hà, sự kiện thiên văn học đặc biệt này đã khiến nhiều người ở thời điểm đó càng tin vào sự tồn tại của ngày tận thế.

Sự trừng phạt của Chúa trong Ngày Phán xét - Ngày 21/10/2011

Chúng ta đã sống sót qua những ngày tận thế như thế nào?


Phát thanh viên kiêm chủ tịch của đài tiếng nói đạo Thiên Chúa tại Mỹ - ông Harold Camping - từng gây xôn xao dư luận năm 2011 khi tuyên bố rằng Ngày Cứu vớt và Ngày Phán xét của Chúa dành cho các con chiên trên khắp thế giới sẽ diễn ra lần lượt vào hai ngày 21/5/2011 và 21/10/2011.

Ngày Cứu vớt ra đời dựa trên một thuyết thần học cho rằng Chúa sẽ quay lại trái đất để chuẩn bị cho 1.000 năm hạnh phúc, ngài sẽ lựa chọn những con người ưu tú để đưa lên thiên đường. Sau đó, vào Ngày Phán xét, Chúa sẽ quay trở lại để phá hủy trái đất cùng những tội lỗi mà con người đã gây nên. Vì vậy, Ngày Phán xét cũng được coi như một ngày tận thế.

Sự sống của hành tinh bị đe dọa bởi sao chổi quét qua - Ngày 16/10/2011

Chúng ta đã sống sót qua những ngày tận thế như thế nào?


Việc sao chổi Elenin va chạm với trái đất sẽ làm ảnh hưởng tới sự tồn vong của loài người, sẽ gây ra những trận động đất, sóng thần có khả năng hủy diệt sự sống từng một thời trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của công chúng hồi năm 2011.

Dù kích thước của sao chổi Elenin và khoảng cách bay của sao chổi này so với trái đất có thể đảm bảo rằng hành tinh của chúng ta sẽ không gặp phải bất cứ đe dọa nào, nhưng ở thời điểm đó, nó vẫn là chủ đề bàn luận của nhiều người “bán tín bán nghi”.

Tuy vậy, câu chuyện về sao chổi Elenin không hề là một sự lo sợ hão huyền bởi thực tế trong không gian vũ trụ, trái đất luôn thường trực phải đối mặt với nguy cơ sẽ gặp phải va chạm với những thiên thạch, những sao chổi quét qua.

Dù các nhà khoa học luôn khẳng định về sự giám sát chặt chẽ của họ đối với mức độ an toàn của trái đất trong vũ trụ nhưng vụ việc thiên thạch rơi xuống tỉnh Chelyabinsk, miền trung nước Nga hồi tháng 2/2013 khiến 1.200 người bị thương và gây ra thiệt hại hàng chục triệu đô la đã cho thấy vật thể bay trong vũ trụ chưa bao giờ là một nỗi lo hoang đường.

Nỗi lo về hố đen vũ trụ - Năm 2008

Chúng ta đã sống sót qua những ngày tận thế như thế nào?


Giới nghiên cứu vật lý không xa lạ gì với một cỗ máy gia tốc hạt khổng lồ đặt tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Cỗ máy này có khả năng tăng tốc cho các hạt cơ bản lên đến gần vận tốc của ánh sáng để chúng va chạm với nhau. Nhờ cỗ máy này, các nhà khoa học sẽ có thể tái tạo lại không gian giống như trong vụ nổ Big Bang.

Nhiều nhà khoa học tin rằng nếu tái tạo lại vụ nổ thành công, cỗ máy này cũng sẽ đồng thời tạo ra những hố đen có thể nuốt chửng cả trái đất. Năm 2008, một số nhà khoa học đã đệ đơn lên tòa án Mỹ để yêu cầu cho dừng hoạt động của cỗ máy.

Tuy vậy, bất chấp tranh cãi, cỗ máy gia tốc hạt vẫn hoạt động từ đó đến nay và vẫn chưa có hố đen nào xuất hiện để có thể đe dọa tới sự tồn vong của nền văn minh loài người.

Sự cố Y2K - Ngày 1/1/2000

Chúng ta đã sống sót qua những ngày tận thế như thế nào?


Sự cố Y2K bắt nguồn từ việc máy tính ban đầu được sản xuất với bộ tính giờ 2 chữ số. Ví dụ: Năm 1999 sẽ được ghi nhận là 99. Do đó, đến năm 2000, máy tính sẽ ghi nhận 2 chữ số cuối là 00 và có thể sẽ bị nhầm lẫn với năm 1900.

Khi đó, nhiều người đã tin rằng sự cố Y2K sẽ làm thụt lùi sự tiến hóa của loài người. Đồng thời, nó cũng gây ra nhiều nỗi lo về những tai nạn khủng khiếp liên quan đến hệ thống điều hành của máy tính.

Chẳng hạn như máy bay, tàu thủy, thang máy… cùng nhiều thiết bị hoạt động nhờ sự hỗ trợ của máy tính điện tử sẽ có thể gặp trục trặc và ngưng hoạt động trong ngày đầu tiên của một thiên niên kỷ mới, khiến thế giới rơi vào trạng thái hỗn loạn.

Cuối cùng, khi ngày 1/1/2000 thực sự tới, đã không có tai nạn kinh hoàng nào xảy ra, chỉ có một vài trục trặc nhỏ trong hệ thống giao dịch ngân hàng, hệ thống kiểm tra tự động vé tàu xe và một vài bảng hiển thị thông tin thời gian…

 
Bích Ngọc
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm