Chưa tổ chức nào lên tiếng bảo vệ nạn nhân vụ Phạm Anh Khoa?

(Dân trí) - Cho đến thời điểm này, khi việc Phạm Anh Khoa bị tố có hành vi quấy rối tình dục trở nên ồn ào và căng thẳng thì vẫn chưa có bất kỳ tổ chức nào lên tiếng bảo vệ các nạn nhân. Vì sao vậy?

Nạn nhân hoang mang vì không thấy tổ chức nào bảo vệ mình

Chưa đầy 24 tiếng, khi talkshow của rocker Phạm Anh Khoa với tổ chức phi chính phủ CSAGA đăng tải công khai, hàng nghìn cư dân mạng (trong đó có đông đảo người nổi tiếng) đã không ngừng bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội.

Phần lớn đều cho rằng, lời xin lỗi của rocker này không những thiếu thành ý mà còn đầy biện minh mang tính đổ lỗi. Và cũng có không ít người đặt câu hỏi vì sao một tổ chức vốn bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong cuộc chiến chống xâm hại tình dục như CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) lại không đứng về phía các nạn nhân mà tạo cơ hội cho Phạm Anh Khoa lấp liếm hành vi của mình.

“Chuyện bi hài của thời đại: Một tổ chức bảo vệ nạn nhân, bảo vệ phụ nữ lại giúp kẻ bệnh hoạn “xin lỗi”, mà thực ra để bao biện, lấp liếm, phủ nhận hành vi của kẻ ấy”, một ý kiến bày tỏ.

“Khi những nạn nhân cần được bảo vệ vẫn bơ vơ thì các tổ chức tự nhận mình là bảo vệ họ lại bao biện cho hành vi của kẻ gây lỗi”, một ý kiến khác.

Vụ việc Phạm Anh Khoa bị vũ công Phạm Lịch và một số nạn nhân tố cáo có hành vi quấy rối tình dục đang ngày càng ồn ào và căng thẳng.
Vụ việc Phạm Anh Khoa bị vũ công Phạm Lịch và một số nạn nhân tố cáo có hành vi quấy rối tình dục đang ngày càng ồn ào và căng thẳng.

Thực tế, ở Việt Nam có tới gần 20 tổ chức liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ tổ chức nào lên tiếng để bảo vệ cho các nạn nhân trong vụ việc gây ồn ào này. Có chăng, chỉ là động thái tạm thời gỡ bỏ toàn bộ hình ảnh của Phạm Anh Khoa trên trang Fanpage và Website của UNFPA Vietnam - Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Đại diện truyền thông của vũ công Phạm Lịch cũng tỏ ra thắc mắc, không hiểu vì sao sự việc xảy ra đã được một thời gian và có nhiều nạn nhân lên tiếng nhưng đến bây giờ vẫn không có tổ chức nào liên hệ trực tiếp với họ để tìm hiểu sự việc cũng như có tiếng nói bảo vệ họ. Bản thân họ cũng cảm thấy “đơn thương độc mã” khi thời điểm họ bị dư luận ngờ vực, họ không hề được tổ chức nào tư vấn để có thể ổn định tâm lý.

“Có thể thời gian đầu, khi thông tin mới xuất phát từ phía Phạm Lịch và chưa rõ ràng mọi thứ thì họ có thể thận trọng. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc đã dần rõ ràng và nạn nhân đã lên tới 3 người nhưng vẫn không có tổ chức nào có tiếng nói bảo vệ họ. Tôi cảm thấy khó hiểu về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ”, đại diện truyền thông của Phạm Lịch nói.

Chưa lên tiếng vì đang thận trọng nghe ngóng?

“Anh Chánh Văn” Hoàng Anh Tú cho rằng, có hai vấn đề mà anh thấy ở đây. Thứ nhất, chúng ta đã “bình thường hóa tất cả những điều bất thường”, rằng “đàn ông ai chả vậy”. Nghĩa là chúng ta cho quyền đàn ông được tha hồ bỗ bã với phụ nữ. Ở bến xe, nơi công cộng, đàn ông buông lời chọc ghẹo phụ nữ với những lời ám chỉ về giới tính một cách thoải mái. Cái câu “Làm hoa cho người ta hái/Làm gái cho người ta trêu” được mặc định cài sẵn trong đầu không chỉ đàn ông mà còn cả ở nhiều phụ nữ. Sự suồng sã đó len vào cả các cơ quan nhà nước, các công sở, công ty và nhiều môi trường công việc khác... Ai đang cho phép những chuyện đó trở thành chuyện bình thường?

Thứ hai, tư duy lệch lạc về đặc tính ngành nghề. Rằng, với nghệ sĩ đó là chuyện bình thường, như chính Phạm Anh Khoa từng chia sẻ: “Nhiều bạn nữ vẫn thay đồ thoải mái trước mặt chúng tôi đấy thôi”. Mặc định giới nghệ sĩ trong showbiz là những người tự do tình dục. Có lẽ Phạm Anh Khoa cũng lầm tưởng vậy về chính nghề của mình. Đặc biệt là những “gương” rocker nổi tiếng thế giới thuở trước với việc bừa bãi tình dục, ma tuý. Thêm trò tố nhau liên tục xảy ra trong giới showbiz khiến mọi người càng tin rằng, đó có khi chỉ là chiêu trò nhằm hạ uy tín của nhau hoặc tăng độ “hot” cho bản thân.

“Từ hai điều này mà tôi nghĩ, không chỉ các cơ quan bảo vệ phụ nữ mà đến chính cả công chúng cũng đã đón nhận câu chuyện của Phạm Lịch như một tin giải trí nhiều hơn là một vấn đề thời sự, một câu chuyện về quấy rối tình dục. Có lẽ hãy nhân câu chuyện này mà chúng ta nên cùng bàn sâu, nói rộng hơn về vấn đề quấy rối tình dục nơi công sở thay vì chĩa mũi dùi vào cá nhân Phạm Anh Khoa hay thậm chí là vợ của cậu ta”, nhà văn Hoàng Anh Tú nói.

TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, có thể, nhiều tổ chức liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ chưa lên tiếng vì câu chuyện chưa hoàn toàn rõ ràng nên họ thận trọng. Tuy nhiên, bản thân bà nghĩ là các tổ chức liên quan đến phụ nữ và chống bạo hành phụ nữ nên sớm lên tiếng để bảo vệ các nạn nhân trong vụ việc này. Tất nhiên, lên tiếng dựa trên chứng cứ xác đáng về câu chuyện.

“Tôi thấy rất mừng đó là trong sự việc vừa qua, dư luận đã rất sáng suốt khi nhìn nhận câu chuyện một cách khách quan. Và khi sự việc phơi bày ngày càng rõ thì họ đã đứng về những nạn nhân yếu thế. Nhờ thế mà các nạn nhân đã không bị đơn độc khi nói lên tiếng nói của mình ngày một mạnh mẽ. Cá nhân tôi tin tưởng vào các nạn nhân và tin tưởng vào những lời tố cáo”, TS Khuất Thu Hồng nói.

TS Khuất Thu Hồng cũng bày tỏ sự thất vọng về những lời xin lỗi của Phạm Anh Khoa vừa qua. Đối với bà, đó chưa phải là những lời xin lỗi chân thành mà còn mang tính lảng tránh, biện minh...

“Một lời xin lỗi chân thành cũng có thể hóa giải được những điều đã xảy ra. Tuy nhiên, có lẽ, Khoa chưa nhận ra được mức độ nghiêm trọng trong sai lầm của mình nên lời xin lỗi gây phản cảm nhiều hơn là được tiếp nhận. Cách bao biện như vậy giống lửa đổ thêm dầu, điều đó rất không nên”, bà Hồng nhấn mạnh.

"Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động trên toàn thế giới. Đây là hành động vi phạm quyền con người nghiêm trọng và được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới...

Tại Việt Nam trong thời gian qua, các cô gái Phạm Lịch, Nga My và M.P đã chia sẻ các câu chuyện bị quấy rối tình dục của mình trên mạng xã hội.

UNFPA và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hoan nghênh tinh thần mạnh mẽ và dũng cảm của những phụ nữ dám vượt qua sợ hãi và định kiến để cất lên tiếng nói.

Chúng ta cần phải khuyến khích nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành những người “phá vỡ im lặng”. Câu chuyện của các nạn nhân bị bạo lực và quấy rối tình dục sẽ giúp nâng cao nhận thức về vấn đề này và giúp cả xã hội chung tay để chấm dứt bạo lực...

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải là ưu tiên hàng đầu của mỗi người. Đây cũng chính là mục tiêu của Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững năm 2030 nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu, UNFPA hợp tác với các Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự để giải quyết vấn đề bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Cùng với nhau, chúng ta hãy xây dựng một đất nước Việt Nam an toàn hơn và bình đẳng hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Cùng với nhau, chúng ta hãy xây dựng một tương lai không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, UNFPA Vietnam - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm