Chưa nhận diện được Vua Hùng, sao xây tượng đài tràn lan?

(Dân trí) - Mới đây, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức hội thảo Nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 tại Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, khi chưa nhận diện được Vua Hùng không nên xây tượng đài ở khắp nơi.

Nhiều tượng Quốc tổ bị khô khan, đơn điệu, xa lạ

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận định, hiện đa số tượng vua Hùng được xây dựng trong các đền thờ và một số ít được xây dựng ở không gian công cộng ngoài trời. Tượng Hùng Vương ngoài trời có ở Công viên văn hóa Đồng Xanh (Gia Lai), Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên (TP.HCM) và một vài tượng Hùng Vương khác quy mô nhỏ.

Tượng Hùng Vương ở Công viên văn hóa Đồng Xanh nằm trong đền thờ vua Hùng có diện tích 9000m2, làm bằng gỗ mít nguyên khối nặng 6,5 tấn sơn thếp vàng bên ngoài. Phía trước sân thờ là 18 vị vua Hùng mỗi tượng cao hơn 3m chưa kể bệ. Tượng vua Hùng ở Suối Tiên hoàn thành năm 2002, được đặt trong không gian mở (nửa ngoài trời, nửa trong nhà), sơn son thiếp vàng, đội mũ lông chim... nhưng diễn tả theo lối phạt mảng, tạo khối cách điệu. Đến nay chưa có công trình tượng Hùng Vương nào tương xứng tầm tượng đài ở Việt Nam.

Tượng đài Hùng Vương ở Suổi Tiên - TP.HCM.
Tượng đài Hùng Vương ở Suổi Tiên - TP.HCM.

“Tượng Quốc tổ Hùng Vương là biểu tượng của lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên. Đây là truyền thống văn hóa – tâm linh, có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Các tượng Quốc tổ Hùng Vương góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, các tượng đài Hùng Vương xây dựng trong nhà hay ngoài trời còn nhiều nhược điểm về chuyên môn nghệ thuật, nhân chủng học, trang phục, không gian môi trường nơi đặt tượng...”, báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhấn mạnh.

Theo báo cáo này, tượng Hùng Vương được xây dựng ngoài trời hiện nằm trong các khu vui chơi, thắng cảnh, du lịch nhằm mục đích trang trí cảnh quan nên không mang tính biểu tượng và sáng tạo nghệ thuật. Do chưa có quy hoạch tổng thể về không gian, kiến trúc tạo thành điểm nhấn văn hoá, chưa có sự phối hợp quy hoạch đồng bộ về cảnh quan, không gian bài trí, ánh sáng, màu sắc... làm tượng mất đi sự biểu cảm, không truyền tải được những cảm xúc cần thiết tới công chúng.

Ngoài ra, với cách thể hiện hình khối theo kiểu dân gian thái quá hay kiểu vạt mảng hoặc “cường điệu” khối quá mức làm biến dạng hình thể con người. Nhiều tượng Quốc tổ bị khô khan, đơn điệu, xa lạ và không có sức truyền cảm. Vì vậy cần quy hoạch để đảm bảo thống nhất quản lý và kiểm soát số lượng.

Chưa nhận diện được Vua Hùng sao vội vàng xây tượng?

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định, cần thiết phải có quy hoạch, tổ chức xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương tại các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Thuỷ, ở các địa phương, hình tượng Hùng Vương được hình thành qua ý thức cộng đồng, biểu tượng văn hóa; các tiêu chí, chứng tích lịch sử không rõ ràng. Giống như các địa phương, tỉnh Phú Thọ đề nghị cần có tiêu chí rõ ràng, trong đó nên quan tâm đến tiêu chí xây dựng tượng ngoài trời để làm rõ giá trị văn hóa lịch sử của Quốc tổ Hùng Vương.

Tượng đài Vua Hùng ở Đồng Xanh - Gia Lai.
Tượng đài Vua Hùng ở Đồng Xanh - Gia Lai.

"“Vua Hùng là nhân vật huyền sử, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh nên rất mơ hồ về mặt tạo hình, khá khó khăn khi xây dựng hình mẫu. Mặt khác, cần có các tiêu chí rõ ràng, ví như tiêu chí “địa phương có vị trí địa lý đặc biệt” thì cần cụ thể hóa như thế nào là đặc biệt, là nơi tiền tiêu tổ quốc hay vùng hải đảo xa xôi... Hoặc, nếu không rõ ràng tiêu chí “có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia” thì cũng dễ dẫn đến tình trạng nhiều địa phương đều có thể xây dựng tượng Vua Hùng nếu có nhu cầu”, ông Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ rằng, Vua Hùng là một biểu tượng được tôn sùng. Nhưng ngay cả đối với những người làm sử cũng còn phải đặt ra câu hỏi Vua Hùng là ai? Là một biểu tượng của nhân dân Việt Nam nên việc tôn sùng là cần thiết. Nhưng hình tượng hóa Vua Hùng như thế nào thì theo ông Dương Trung Quốc cần phải có sự chuẩn bị kỹ.

Theo nhà sử học này, có một thực tế là ý niệm về Vua Hùng phát triển dần theo sự phát triển của quốc gia. Giá trị lớn nhất mà Việt Nam nên phát huy là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bởi vậy nên chăng chúng ta xây dựng các khu thờ cúng Vua Hùng thay vì tìm cách xây dựng những tượng đài ở khắp nơi.

“Theo tôi nghĩ, cần xây dựng được hệ thống đền thờ để duy trì được Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, phát huy du lịch. Nhưng làm tượng đài phải hết sức cẩn trọng. Nhu cầu của nhân dân có, nhưng những nhu cầu đó được cụ thể hóa như thế nào thì lại là chuyện khác. Đây là một thách thức không hề nhỏ”- Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.

Đồng quan điểm này, GS Phạm Mai Hùng - Hội Khoa học Lịch sử học Việt Nam cho biết, cho đến thời điểm này chúng ta chưa có đầy đủ tư liệu về nhân chủng học nhận diện Hùng Vương như thế nào. Dù nhiều địa phương muốn xây dựng tượng đài Hùng Vương.

GS Phạm Mai Hùng cũng băn khoăn vì trong lịch sử không có nhận diện về Vua Hùng. Vì vậy, việc làm tượng Vua Hùng cần được quản lý. Nếu không quản lý được thì sẽ có rất nhiều ông Vua Hùng mà không biết ông nào là chính, ông nào là Quốc tổ, ông nào đời thứ bao nhiêu…

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo về Quy hoạch tượng đài Hùng Vương.
Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo về Quy hoạch tượng đài Hùng Vương.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nên chăng chỉ cần có một tượng đài Hùng Vương ở đất tổ - Phú Thọ để có sự hành hương, chiêm bái. Nếu không thì quy hoạch tượng đài Hùng Vương theo tính vùng, miền. Mỗi vùng, miền có một tượng đài đại diện.

PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm hạn chế xây dựng tượng đài ngoài trời, nên khuyến khích xây dựng công trình thờ cúng Hùng Vương ở nhiều nơi khác nhau.

“Hạn chế làm tượng đài là cần thiết. Mặt khác phải quan tâm xây dựng tượng đài ngoài trời đủ quy mô, diện tích, nằm trong khu công viên - tưởng niệm. Cần chú ý mối quan hệ kiến trúc và điêu khắc, cặp đôi vốn “xộc xệch” ở nhiều công trình tượng đài trước đây. Sự ăn nhập đó sẽ đảm bảo cho các tác phẩm được xây dựng dù có số lượng ít nhưng chất lượng lại ổn...”, KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mối liên hệ giữa tượng đài và địa phương xây dựng tượng đài Hùng Vương cần được đặt trong bối cảnh xã hội và cảnh quan cụ thể, đồng thời liên quan đến các di tích, công trình xung quanh. Tượng đài Hùng Vương khi được xây dựng ở địa phương đó là phần thêm vào lịch sử, thể hiện sức sống liên tục của cộng đồng và địa phương. Các tượng đài cần được xác nhận sự liên quan với quá khứ cộng đồng và địa phương nên cần xem xét những tác động của tượng đài đến cuộc sống của người dân và sự kiện phát triển địa phương trong tương lai.

Ông Vi Kiến Thành khẳng định mục tiêu quan trọng của Quy hoạch này là hạn chế số lượng "làm sao để không quá 6 tượng đài, trường hợp xấu nhất chỉ một công trình".

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm